Giáo viên ứng dụng CNTT trong giảng dạy giúp học sinh thích học hơn |
Sự bùng nổ của công nghệ thông tin (CNTT) nói riêng và khoa học công nghệ nói chung đang tác động mạnh mẽ vào sự phát triển của tất cả các ngành trong xã hội. Vì thế, giáo dục không thể đứng ngoài cuộc, nhất là trong quá trình triển khai thực hiện đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.
Chính vì vậy, ngành GD-ĐT cần cải cách phương pháp dạy học theo hướng vận dụng CNTT và các trang thiết bị dạy học hiện đại nhằm phát huy mạnh mẽ tư duy sáng tạo, kỹ năng dạy học để nâng cao chất lượng giáo dục. Trong những năm qua, Bộ GD-ĐT đã có những chủ trương về việc ứng dụng CNTT trong công tác dạy và học. Nhiều tỉnh, thành, đặc biệt là TP.HCM đã tích cực hưởng ứng chủ trương này. Các đơn vị trường học được đầu tư trang thiết bị hiện đại như máy tính, máy chiếu, bảng tương tác thông minh, nối mạng internet. Còn giáo viên liên tục được bồi dưỡng nâng cao trình độ tin học. Từ những sự đầu tư này, nhiều giáo viên biết soạn giảng giáo án điện tử, học sinh được học trong môi trường hiện đại…
Tuy nhiên, trên thực tế, việc ứng dụng CNTT vào hoạt động giảng dạy vẫn còn một số tồn tại. Điển hình như bài giảng còn nặng về kênh chữ, chưa khai thác được kênh hình. Một số bài giảng còn trình bày thông tin trên máy tính thay bảng viết, dẫn đến tình trạng học sinh khó nắm được bố cục bài giảng. Điều đó cũng có nghĩa là giáo viên chưa khai thác được tính ưu việt của CNTT trong dạy học. Bên cạnh đó, không ít giáo viên chưa khai thác hiệu quả tính năng của PowerPoint trong thiết kế bài giảng. Mặt khác, kỹ năng khai thác thông tin trên internet của giáo viên còn hạn chế nên các tài liệu đưa vào bài giảng chưa được phong phú, đa dạng…
Để phát huy tối đa tính năng ưu việt của việc ứng dụng CNTT trong dạy học, giáo viên cần khắc phục những hạn chế này. Theo đó, giáo viên cần chú ý một số kỹ năng sau:
Sử dụng PowerPoint thiết kế bài giảng
PowerPoint là một phương tiện trình diện sinh động bài giảng thông qua màu sắc của văn bản, sự phong phú của hình ảnh, các dạng đồ thị và những đoạn âm thanh, video minh họa… Bài giảng sử dụng PowerPoint trình diễn là công cụ hữu hiệu để đặt vấn đề cho bài giảng, phân tích những hiện tượng diễn tả bằng lời, đưa ra những câu hỏi tình huống cho bài giảng. Chính những câu hỏi có kèm hình ảnh hay đồ thị sẽ giúp học sinh dễ nắm bắt vấn đề. Giáo viên đưa thêm những thông tin cần truyền đạt để củng cố kiến thức cho học sinh, tổ chức các hình thức học tập mới.
Để thiết kế một slide hỗ trợ cho bài giảng, người giáo viên cần có một số kỹ năng như: Lập kế hoạch xây dựng giáo án điện tử, thiết kế giáo án điện tử, nội dung bài cần theo tiến trình của bài giảng và đặc biệt chú ý tới phương pháp dạy bộ môn. Ngoài ra, giáo viên phải có các kỹ năng cơ bản về kỹ thuật PowerPoint – đó là các thao tác chèn, copy, xóa, sắp xếp, liên kết, đặt các hiệu ứng đơn giản; kỹ năng sử dụng các công cụ vẽ – trong bài giảng, giáo viên cần đưa những hình ảnh minh họa như mô tả công cụ thí nghiệm, mô tả hoạt động của một thiết bị, mô tả một quá trình vật lý, hóa học… Vì vậy, giáo viên cần có kỹ năng sử dụng các công cụ vẽ trong PowerPoint (Đó là các thao tác chọn kiểu vẽ, màu vẽ, màu tô, kỹ thuật nhóm các đối tượng, sắp xếp sao cho hình ảnh trực quan và hình thức đẹp). Giáo viên cũng cần có kỹ năng khai thác các hiệu ứng điều khiển để mô tả, kết hợp rèn kỹ năng vẽ với ứng dụng các hiệu ứng. Khi soạn giáo án điện tử, giáo viên nên thực hành các bài tập theo mức độ từ dễ đến khó, mỗi bài tập chỉ rèn luyện một số kỹ năng cơ bản; phân loại các bài tập tương ứng với các hiệu ứng cơ bản và sắp xếp các bài tập tổng hợp…
Sử dụng các phần mềm giảng dạy
Hiện nay, cùng với sự phát triển của CNTT, những sản phẩm phần mềm phục vụ cho quá trình dạy và học khá phong phú. Mỗi sản phẩm đều có đặc tính riêng. Vì vậy, người giáo viên có thể tham khảo các phần mềm và lựa chọn phần mềm thích hợp để đưa vào bài giảng trên lớp. Không chỉ vậy, giáo viên cũng có thể lựa chọn phần mềm hướng dẫn học sinh tự học để củng cố kiến thức. Cụ thể, khi cần chỉnh một đoạn phim download từ trên mạng, giáo viên có thể ứng dụng phần mềm Movie Maker – phần mềm này cho phép cắt, ghép các đoạn phim, chèn thêm văn bản, âm thanh hay những hiệu ứng hiển thị. Còn phần mềm Gif Animation cho phép tạo một clip hình ảnh đặt ở chế độ hiển thị khác nhau chỉ trong một file. Hay như phần mềm Saveflash, flashcacher hỗ trợ download hình ảnh flash, SwichPoint hỗ trợ chèn ảnh flash trong PowerPoint. Trong trường hợp giáo viên muốn ghép nối thí nghiệm với máy tính thì có thể dùng phần mềm Visual basic hoặc Delphi…
Ngoài ra, để việc ứng dụng CNTT vào hoạt động dạy học đạt kết quả tốt, mỗi giáo viên nên tạo cho mình một thư viện điện tử để lưu trữ các thông tin (như tư liệu ảnh, video, một số đoạn bài soạn mẫu…). Vì vậy, giáo viên phải biết cách khai thác thông tin trên internet. Cụ thể, biết cách khai thác thông tin từ một số website cho bộ môn, khai thác thông tin dưới dạng text, hình ảnh, ảnh flash, video, các file…
Thùy Linh (tổng hợp)
Bình luận (0)