Với ngưỡng điểm bằng sàn, thí sinh vẫn có nhiều cơ hội học trường công tại địa phương thay vì “chen chân” vào các trường lớn |
Với tổng điểm thi bằng điểm sàn, thay vì chỉ được học các trường ngoài công lập hoặc CĐ tại các thành phố lớn, thí sinh hoàn toàn có thể kiếm được một suất học tại trường ĐH công lập nếu chịu khó “đầu quân” về địa phương.
Có số chỉ tiêu khá dồi dào, nhiều trường công lập tại các địa phương chỉ lấy mức điểm bằng hoặc cao hơn sàn 1 đến 2 điểm. Thậm chí, những trường được ưu tiên theo diện “3 Tây” còn được phép lấy thấp hơn sàn 1 điểm.
Điểm chuẩn thấp hơn cả sàn
Được hưởng ưu tiên từ chính sách đặc thù trong tuyển sinh ĐH-CĐ cho các tỉnh/thành thuộc khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam bộ, Trường ĐH Tiền Giang lấy mức điểm thấp hơn sàn 1 điểm cho hầu hết các ngành khi xét tuyển nguyện vọng (NV) bổ sung. Cụ thể, chỉ với cùng mức 12 điểm (khối A, A1) và 12,5 điểm (khối D1) ngành kế toán có đến 164 chỉ tiêu; ngành quản trị kinh doanh cũng có đến 128 chỉ tiêu. Chỉ tiêu dồi dào, điểm chuẩn thấp (hạ xuống dưới sàn 1 điểm), thí sinh có nhiều lợi thế rõ ràng khi lựa chọn đăng ký xét tuyển.
Tương tự, ngành công nghệ thông tin và công nghệ kỹ thuật xây dựng có khoảng 90 chỉ tiêu nhưng chỉ lấy mức điểm 12. Ngành công nghệ kỹ thuật cơ khí dành 44 chỉ tiêu cho những thí sinh đạt tổng điểm 12. Hai ngành nuôi trồng thủy sản và khoa học cây trồng cùng lấy mức từ 12 đến 13 điểm.
Tại Trường ĐH Đồng Tháp, các ngành Việt Nam học, quản lý văn hóa, khoa học môi trường, nuôi trồng thủy sản, công tác xã hội, quản lý đất đai sẽ giảm 1 điểm cho cả NV1 và NV2 đối với những thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên, học 3 năm liên tục và tốt nghiệp THPT tại khu vực “3 Tây”. Thí sinh trúng tuyển diện này phải học bổ sung kiến thức một học kỳ. Trường xét tuyển 700 chỉ tiêu bổ sung hệ ĐH và 630 chỉ tiêu hệ CĐ. Trong đó, trừ ngành sư phạm tiếng Anh lấy 40 chỉ tiêu với mức điểm xét tuyển 17 (môn tiếng Anh nhân hệ số) thì hầu hết các ngành còn lại đều chỉ lấy ở mức 13 đến 14 điểm. Đơn cử, ngành sư phạm toán học chỉ có điểm xét tuyển là 13 cho 40 chỉ tiêu. Ngành sư phạm ngữ văn lấy mức xét tuyển 14 điểm cho 40 chỉ tiêu. Ngành sư phạm hóa học lấy 13 điểm (khối A) và 14 điểm (khối B). Ngành kế toán (50 chỉ tiêu) lấy 13 điểm (khối A, A1) và 13,5 điểm (D1). Ngành tài chính – ngân hàng (50 chỉ tiêu) lấy 13 điểm (khối A, A1) và 13,5 điểm (D1)…
Đỡ tốn chi phí
Việc chịu học ở các trường địa phương còn giúp người học hạn chế được chi phí. Đồng thời, các em còn được hưởng những lợi thế nhất định khi xét tuyển vào các ngành có chỉ tiêu ngân sách Nhà nước cấp. Đơn cử, ở NV bổ sung Trường ĐH Quảng Nam lấy trên 240 chỉ tiêu vào 6 ngành. Những thí sinh có hộ khẩu tại tỉnh nhà sẽ có nhiều lợi thế vì trong đó đã có đến 3 ngành có chỉ tiêu ngân sách Nhà nước cấp, là: Bảo vệ thực vật, công nghệ thông tin và ngôn ngữ Anh. Riêng ngành ngôn ngữ Anh lấy mức 16,5 điểm nhưng môn tiếng Anh được nhân hệ số, còn lại tất cả các ngành đều chỉ có mức điểm xét tuyển từ 13 đến 14. Ngành ngôn ngữ Anh cũng có chỉ tiêu nhiều nhất với 68 suất học. Kế đến, ngành công nghệ thông tin có đến 73 chỉ tiêu nhưng mức điểm xét tuyển chỉ có 13. Ở khối xã hội, ngành Việt Nam học cũng lấy đến 47 chỉ tiêu NV bổ sung trong khi mức điểm xét tuyển cũng chỉ ở mức 13,5 (khối D1) và 14 (khối C).
Đặc biệt, khác với những trường tốp giữa có đào tạo ngành kinh tế tại các thành phố lớn, điểm xét tuyển khối ngành kinh tế của trường địa phương cũng không quá cao. Hai ngành kế toán và quản trị kinh doanh tại Trường ĐH Quảng Nam cùng lấy mức điểm 13 (khối A, A1) và 13,5 (khối D1). Ngành bảo vệ thực vật xét 27 chỉ tiêu bổ sung với mức điểm 14.
Trường ĐH Tây Nguyên xét tuyển 765 chỉ tiêu NV bổ sung cho cả hai hệ ĐH và CĐ. Trong đó, hệ ĐH chiếm 245 chỉ tiêu. Mức điểm xét tuyển chỉ ở mức từ 13 đến 14. Cụ thể, ngành sinh học (35 chỉ tiêu), chăn nuôi (30 chỉ tiêu), giáo dục chính trị (20 chỉ tiêu) và văn học (35 chỉ tiêu) cùng có mức điểm xét tuyển 14. Ngành triết học lấy tổng 60 chỉ tiêu với lần lượt 13 điểm (khối A); 13,5 điểm (khối D1) và 14 điểm (khối C). Hai ngành tài chính – ngân hàng và quản trị kinh doanh (mỗi ngành 15 chỉ tiêu) cùng lấy lần lượt 13 điểm (khối A) và 13,5 điểm (khối D1). Ngành kinh tế (30 chỉ tiêu) lấy mức 13 điểm (khối A) và 13,5 điểm (khối D1)…
Bài, ảnh: Thục Trân
Bình luận (0)