Sự kiện giáo dụcTiêu điểm

Giáo dục chuẩn bị bước vào sân chơi mới

Tạp Chí Giáo Dục

Tuần qua, một thông tin khiến nhiều phụ huynh tỏ ra thích thú là việc có gần 800 HS THPT ở TP.HCM đi làm nhân viên siêu thị để học trải nghiệm nghề nghiệp, trải nghiệm cuộc sống. Nhìn các em HS trong đồng phục nhân viên siêu thị chăm chú chuẩn bị các món ăn, bán hàng, trưng bày hàng, hướng dẫn tư vấn khách hàng… trông thật tự tin và sinh động.

Qua những hoạt động ấy, các em HS đã học được rất nhiều điều, dù thời gian trải nghiệm chỉ hai ngày. Trước hết, các em đã sống với cảm giác thật của một nhân viên siêu thị, điều mà các em không thể có nếu không sắm vai. Trả lời thầy cô tại buổi thu hoạch sau đó, các em cho biết điều thú vị nhất là đã học được những điều không có trong sách vở. Đó là nghề nào dù đơn giản nhất cũng đòi hỏi phải yêu nghề trước đã. Có yêu nghề mới thấy hạnh phúc khi làm nghề ấy. Các em còn nhận ra phải có kiến thức, kỹ năng mới làm tốt được công việc. Với nghề nhân viên siêu thị đã tập cho các em tính ngăn nắp, sạch sẽ, kỹ lưỡng… Cũng qua việc sắm vai, các em rèn thêm được các kỹ năng làm việc nhóm, giao tiếp (không chỉ bằng lời nói mà cả nét mặt)… Càng có kiến thức, kỹ năng càng thấy tự tin trong công việc. Đó là bước đi đầu tiên đến thành công, các em đúc kết.

Và có lẽ bài học lớn nhất các em gặt hái được là nhận ra giá trị cuộc sống nằm trong sự lao động chân chính.

Đợt tập làm nhân viên siêu thị nói trên nằm trong chương trình môn học trải nghiệm sáng tạo hiện đang được áp dụng rộng rãi trong nhiều trường học phổ thông, từ tiểu học đến THPT khắp cả nước với rất nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Chẳng hạn, một số trường xây dựng các tiết học trải nghiệm dưới dạng một dự án có mục đích, yêu cầu cụ thể và được thực hiện bằng hình thức xã hội hóa… Rất nhiều phụ huynh và các tổ chức, doanh nghiệp đã sẵn sàng tiếp sức cho các dự án này.

Ngoài những lợi ích mà môn học này đem lại như đã nói ở trên, trải nghiệm sáng tạo còn giúp người học hiểu sâu và nhớ lâu những kiến thức đã học. Ngoài ra, qua hoạt động trải nghiệm, những tính cách, năng khiếu của HS cũng được dịp bộc lộ, từ đó giúp giáo viên định hướng nghề nghiệp tương lai của các em thuận lợi hơn. Tới đây, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ tăng cường nội dung hướng nghiệp ở bậc THPT. Nó nhằm trang bị những kiến thức, kỹ năng cơ bản về một số nghề nghiệp để có thể học lên cao hay chuẩn bị vào đời.

Không hề lạc quan, nhưng nhìn tổng quát những hoạt động đổi mới dạy và học đang diễn ra khắp các cơ sở giáo dục cả nước gần đây, có thể thấy đó là những tín hiệu ban đầu tích cực của một giáo dục mới đang chuyển mình. Từ một sân chơi buồn tẻ chỉ lấy học lý thuyết làm chính thì nay giáo dục đã bước qua sân chơi mới – chú trọng thực hành, trải nghiệm, khơi gợi và tôn trọng suy nghĩ độc lập, sáng tạo của người học. 

Tất nhiên, bước sang sân chơi mới đòi hỏi phải có sự chuẩn bị kỹ càng về phương tiện và luật chơi. Về phương tiện, nhà trường phải được đầu tư tốt về cơ sở vật chất, trang thiết bị. Về luật chơi, nhà giáo phải được trang bị một ý thức hành động, một tấm lòng tất cả vì HS thân yêu. Toàn hệ thống giáo dục phải được trang bị một mô hình quản trị hiện đại, khoa học và dân chủ, lấy phục vụ người học làm chính.

Từ Nguyên Thạch

Bình luận (0)