Thanh Phong tranh thủ đọc sách trên lớp
|
“Nhà có mỗi chiếc xe máy, em để dành cho ba đi. Với lại, ở chỗ em làm gửi xe máy hết 5 ngàn đồng lận, còn xe đạp chỉ mất có 3 ngàn đồng thôi!”…
2 ngàn đồng – số tiền không-là-gì với nhiều người bởi giá trị của nó không đủ để mua một món đồ trong thời buổi giá cả leo thang. Nhưng với Hoàng Lê Thanh Phong, học viên lớp 11 Trung tâm GDTX Q.4 (TP.HCM), thì “bài toán” 2 ngàn đồng ấy đủ để cho em lót dạ bằng một chiếc bánh mì trước giờ lên lớp.
Chuyến đi định mệnh
Gia đình Phong trước đây vui lắm! Cả mấy thế hệ cùng nhau sinh sống, chui ra chui vào căn nhà nhỏ lúp xúp trong một con hẻm cũng nhỏ ở Q.4. Nhưng rồi, thứ tài sản chung duy nhất ấy cũng phải bán đi để lấy tiền chữa bệnh cho ông nội. Các chú, các cô của Phong phải ra ngoài thuê nhà sinh sống, ly tán và mưu sinh bằng đủ thứ nghề.
Nhà nghèo, mẹ lao lực quá sức nên không làm được việc nặng, ba làm phụ hồ nhưng cậu bé Phong vẫn cố gắng trở thành học sinh giỏi, được thầy cô và bạn bè ở Trường Tiểu học Nguyễn Trường Tộ quý mến. Học hết lớp 1, ba cho em đi… “du lịch” bên Campuchia – nơi bà ngoại em đang mưu sinh bằng cách đi bán sữa chua, rau câu, bánh plan… Mấy tháng hè đủ để cậu bé 7 tuổi nếm trải mọi thứ cảm xúc lạ lẫm khi theo chân ngoại rong ruổi trên khắp các nẻo đường của thủ đô Phnôm Pênh. Nhưng rồi, khi cái lạ lẫm qua đi cũng là lúc Phong phải chấp nhận một thực tế phũ phàng: Em buộc phải ở lại Campuchia vì gia đình không đủ khả năng nuôi em ăn học. Chuyến đi “du lịch” ấy đã trở thành định mệnh làm thay đổi mọi sinh hoạt trong cuộc sống của em sau này. Không còn được học, được chơi, cậu bé Phong bắt đầu bươn chải, nếm đủ mọi dư vị đắng cay nơi đất khách quê người. Ngày ba buổi (sáng-trưa-tối), Phong xách chiếc thùng đá đi khắp các con đường, điểm du lịch để bán hàng rong; đêm em thức thật khuya để giúp nội chuẩn bị hàng cho ngày hôm sau. Không ít lần, Phong ngẩn ngơ đến mức quên cả “nhiệm vụ” bán hàng khi nhìn bạn bè cùng trang lứa ríu rít cười đùa trên đường đi học. Hai năm thấm thoắt qua đi, Phong được ba đón về, cho đi học lại theo chương trình phổ cập tiểu học để tiết kiệm tiền. Niềm vui được đoàn tụ gia đình, được đi học trở lại khiến em như quên đi những tháng ngày cơ cực mưu sinh nơi xứ người…
Nhưng rồi, niềm vui ấy cũng chỉ kéo dài được một năm. Phong lại sang Campuchia bán hàng rong tiếp vì gia đình cần chi phí chữa bệnh cho em trai. Ngày xếp gọn cuốn sách để trở lại với cuộc sống mưu sinh, Phong giấu đi giọt nước mắt chực rơi trên gương mặt…
Mơ ngày mai tươi sáng
Tiếp tục bán hàng rong thêm hai năm, Phong lại trở về nhà. Lần này thì em được về hẳn vì cuộc sống ở xứ người đã không còn dễ dàng như trước. 12 tuổi, Phong theo ba phụ việc lặt vặt ở các khu nhà đang xây dựng, kiếm thêm đồng ra đồng vào phụ giúp gia đình. Tối, em đăng ký học chương trình phổ cập tiểu học của trường vừa học vừa làm 1/6 để không phải mất tiền học phí. Ròng rã suốt mấy năm liền nhưng chưa một lần Phong than vãn về cuộc sống cơ cực của mình bởi được trở về và đi học với em đã là điều may mắn lắm. Và may mắn hơn khi em được một tổ chức phi chính phủ về trẻ em tiếp nhận theo học chương trình tiếng Anh, vi tính trong 3,5 năm. Kết thúc khóa học, em được nhận vào làm nhân viên nhập dữ liệu cho một công ty ở Q.1, chấm dứt công việc lao động tay chân cực nhọc khi vừa bước vào tuổi 18.
Hiện nay Phong đã là học viên lớp 11. 21 tuổi – Phong chững chạc và chín chắn hơn các bạn cùng lớp. Ngày đi làm, tối đi học, Phong thường tranh thủ xem bài mọi lúc, mọi nơi để theo kịp chương trình. Suốt thời gian dài, em luôn phấn đấu trở thành học viên giỏi, được bạn bè, thầy cô tin cậy. 12 ngày nghỉ phép, em để dành chia đều cho hai đợt ôn tập kiểm tra cuối học kỳ. Phong cho biết em rất thích đọc sách, nhất là những cuốn sách nói về kiến thức xã hội. Hồi còn ở Campuchia, lần nào mượn được sách là em quên hết sự mệt mỏi, cặm cụi đọc đến tận 2-3 giờ sáng mới thôi. Bây giờ, dù điều kiện tiếp cận với sách dễ dàng hơn trước nhưng em cũng chỉ dám đọc “lén” trong nhà sách hoặc mượn bạn ít bữa rồi trả lại chứ chẳng dám mua về. “Căn nhà gia đình em thuê bị dột. Có mấy lần trời mưa, sách ướt hết, hôm sau phải mang ra ngoài phơi. Những lần như vậy em sợ, không dám mua hay mượn sách nữa, chỉ chờ tới ngày chủ nhật mới chạy vào nhà sách để đọc “cọp” thôi”.
Chặng đường phía trước hãy còn dài, em tự hứa sẽ cố gắng hoàn thành thật tốt chương trình lớp 12, rồi đăng ký vào hệ vừa làm vừa học của một trường ĐH nào đó để học và tự nuôi bản thân mình.
Bài, ảnh: Ngọc Anh
21 tuổi – Phong chững chạc và chín chắn hơn các bạn cùng lớp. Ngày đi làm, tối đi học, Phong thường tranh thủ xem bài mọi lúc, mọi nơi để theo kịp chương trình. |
Bình luận (0)