Tranh thủ học mọi lúc, mọi nơi để không thua bạn bè là điều mà anh Kết không ngừng phấn đấu trong suốt 6 năm qua
|
“Lần đầu tới Trung tâm GDTX Thủ Đức đăng ký học, tôi ngần ngừ mãi chẳng dám vào. Đến khi một cán bộ ra hỏi, tôi phải nói dối là hỏi giúp cho em trai chứ không dám nói thật là đăng ký cho mình học”.
Kể lại kỷ niệm lần đầu tiên tới Trung tâm GDTX Q.Thủ Đức để đăng ký đi học lại, anh Đinh Viết Kết vẫn không giấu nổi ánh mắt bối rối, ngại ngùng. Sinh năm 1984, anh Kết là một trong số ít học viên “cứng tuổi” đang theo học lớp 12 tại trung tâm này.
1. Anh Kết kể, anh nghỉ học từ hồi mới hết lớp 6. Mà thật ra, được học đến lớp 6 đã là “kỳ tích” hiếm hoi của một đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở một vùng đồi núi heo hút của tỉnh Lâm Đồng – nơi mà người dân chỉ biết cắm mặt trên những quả đồi để chăm sóc rẫy cà phê hay hái chè để kiếm đồng tiền đắp đổi qua ngày. Hồi cậu bé Kết nghỉ học, ba mẹ cũng buồn, khuyên nhủ nhiều lắm! Nhưng vì gia cảnh, vì trường xa nhà và hơn cả là vì sức học kém nên những lời động viên ấy đã không ngăn nổi suy nghĩ còn non nớt của một cậu bé ở tuổi mới lớn. Xa rời con chữ, cậu bé Kết theo chân người dân trong làng lên rẫy hái chè, hái cà phê thuê, chính thức trở thành lao động thực thụ trong gia đình. Nhưng chỉ được một thời gian, cậu bé bắt đầu thấy chán nản và chuyển qua làm thuê cho một gia đình bán kim khí điện máy, thỉnh thoảng lại được theo xe xuống TP.HCM giao nhận hàng hóa. Cuộc sống nhộn nhịp của Sài thành dần mở ra và hấp dẫn cậu từ đó.
Sau vài chuyến hàng lên xuống giữa Lâm Đồng và TP.HCM, Kết xin nghỉ làm, xuống thành phố học lái xe rồi xin làm phụ xe. Cuộc sống phiêu bạt của nghề tài xế xe tải nay Nam mai Bắc trong nhiều năm đủ để anh nhận thấy mình cần phải có một công việc ổn định, không thể cứ lang thang vô định mãi được. Vậy là Kết quay lại TP.HCM, xin làm tài xế riêng cho một doanh nhân ở quận 2. Làm việc trong môi trường mới rất an nhàn, nhưng nhiều lúc Kết thấy khó xử khi mọi người hỏi “trước đây anh học trường gì?”. Từ đó ý định đi học lại bắt đầu nung nấu trong suy nghĩ của Kết.
2. Kết bảo, anh cũng đắn đo nhiều lắm khi quyết định đi học lại bởi trước đó đã đón một đứa em trai từ Lâm Đồng xuống TP.HCM học trung cấp kế toán. Em kế tiếp cũng đang được gia đình động viên xuống cùng anh trai để đi học lại chương trình bổ túc do đã nghỉ học từ mấy năm trước. Nhưng điều khiến anh e ngại hơn cả là con đường học hành của anh đã “gãy gánh” hơn 10 năm, liệu đi học lại có theo kịp bạn học khi mà bản thân anh không có quá nhiều thời gian cho việc học tập. Những trở ngại, suy nghĩ cứ chất chồng lên nhau khiến Kết phải mất hơn một năm mới thực hiện được ý định của mình. Ba anh em nương tựa nhau trong một căn phòng trọ chật chội, sinh sống bằng số tiền kiếm được từ công việc dán vỏ điện thoại của hai em và công việc làm tài xế của Kết. Do khéo tính toán trong chi tiêu nên ba anh em cũng đủ sống qua ngày…
3. Hiện, anh Kết đã trở thành học viên lớp 12 sau 6 năm theo học ban đêm tại Trung tâm GDTX Q.Thủ Đức. Em trai của anh cũng vừa hoàn thành chương trình lớp 12 GDTX, đứa em còn lại sắp hoàn thành chương trình học liên thông lên ĐH. Riêng Kết, dù học muộn hơn, khởi đầu khó hơn nhưng không vì thế mà anh tỏ ra chán nản, buông xuôi trước hoàn cảnh. Lái xe theo công việc của sếp nên anh hầu như không thể chủ động trong việc quản lý thời gian của mình để lên lớp. Chuyện đi học muộn, phải nhờ thầy giám thị bảo lãnh là chuyện… xảy ra như cơm bữa. Có những lần phải chở sếp đi xa, Kết trở về trung tâm khi đồng hồ đã điểm 19 giờ 30, chỉ còn kịp học 2 tiết cuối cùng. Mỗi lần như thế, anh phải mượn vở của bạn học chép bài, ngồi đọc sách và suy nghĩ thật lâu để hiểu kiến thức trên lớp, chỗ nào nghĩ không ra mới đem hỏi thầy cô và bạn bè. Được cái, anh sống thật thà, học hành chăm chỉ nên thầy cô và bạn bè luôn quý mến. Suốt thời gian theo học tại trung tâm, anh luôn cố gắng theo kịp bạn bè, trở thành học viên có học lực khá trong lớp. Ngày đi làm, anh Kết vẫn mang theo sách vở, tranh thủ học bài giữa những đoạn đường gập ghềnh, giữa ánh sáng lúc mờ, lúc tỏ như chính cuộc đời anh để tìm hướng đi cho riêng mình.
Bài, ảnh: Ngọc Anh
Ngày đi làm, anh Kết vẫn mang theo sách vở, tranh thủ học bài giữa những đoạn đường gập ghềnh, giữa ánh sáng lúc mờ, lúc tỏ như chính cuộc đời anh để tìm hướng đi cho riêng mình. |
Bình luận (0)