Bảo mẫu đang chăm sóc HS bán trú. Ảnh: H.Triều
|
Thiếu kỹ năng tự phục vụ sẽ dẫn đến hệ lụy trẻ lười biếng, thụ động và khó khăn khi tham gia vào các hoạt động của tập thể. Vì thế, muốn trẻ nên người, chúng ta cần rèn kỹ năng tự phục vụ cho trẻ ngay từ những bậc học nhỏ nhất.
Hiện nay, việc rèn kỹ năng sống (KNS) cho học sinh (HS) trong nhà trường đã được quan tâm chú ý, song nhiều trường nhất là các trường tiểu học còn gặp không ít khó khăn trong việc tổ chức, thực hiện các hoạt động rèn KNS cho các em.
Thực trạng
Thời gian qua, dư luận đã phản ánh khá nhiều về thực trạng thanh thiếu niên thiếu kiến thức về KNS mà trong đó kỹ năng cơ bản nhất là kỹ năng tự phục vụ các em cũng không có. Phần lớn các em sống rất ích kỉ, chỉ biết nghĩ đến bản thân, chỉ biết nhận, biết hưởng thụ mà không biết cho đi… Thực tế, điều này tại Trường TH Lương Thế Vinh những năm trước đây cũng không phải là ngoại lệ. Đa số HS sống trong hai môi trường có hoàn cảnh khác nhau: Một là các em được sự quan tâm chăm sóc hết sức chu đáo của phụ huynh vì sống trong gia đình ít con, hoàn cảnh kinh tế ổn định; hai là những em sống trong gia đình khó khăn, phụ huynh bỏ mặc con cái. Chính môi trường hoàn cảnh khác nhau ấy lại mang đến cho các em những thiếu sót lớn trong KNS, nhất là trong kỹ năng tự phục vụ bản thân.
Ở trường cũng như ở nhà, các em hầu như hoàn toàn thiếu sự sáng tạo, luôn ỷ lại, phụ thuộc vào người lớn; mỗi khi gặp các tình huống trong thực tế thì lúng túng không biết xử lý thế nào… Thậm chí, có một số em, phụ huynh chỉ biết phàn nàn với giáo viên chủ nhiệm hoặc bảo mẫu rằng: Ở trường các em có thể tự ăn, tự thực hiện một số thao tác cá nhân đơn giản nhưng khi về đến nhà thì không chịu làm gì, chỉ có học và chơi, không quan tâm đến ai; đến bữa cơm được dọn sẵn, ăn xong đi về phòng riêng chơi game, không bao giờ dọn dẹp bát đũa; ngủ dậy không biết gấp chăn gối, không biết tự đánh răng, chuẩn bị tập vở; không biết phụ giúp bố mẹ dù những việc đơn giản như: Rót nước, nhặt rau, lau bàn… Nói tóm lại, đối với các em, chỉ có học, ăn, chơi và “người làm”.
Biện pháp giúp HS nâng cao KNS
Thứ nhất, bảo mẫu cần nhận thức đúng đắn về việc rèn luyện kỹ năng tự phục vụ cho HS. Việc rèn kỹ năng này cho HS không phải là những công việc quá to tát, mà chỉ là những thao tác rất đơn giản như: Rửa tay, lau mặt, tự lấy thức ăn, tự thay quần áo, tự sắp xếp các đồ dùng học tập, vệ sinh lớp học sân trường, chăm sóc cây xanh tại lớp và trực nhật (lau bảng, lau bàn học)… Thứ hai, bảo mẫu phải dành thật nhiều thời gian để trò chuyện và quan sát hành vi ứng xử của từng HS trong giờ chơi, giờ ăn, giờ ngủ để hiểu tính ý của từng em.Từ đó, đề ra những kỹ năng tự phục vụ cần rèn cho HS. Từ những kỹ năng đơn giản cho đến những kỹ năng có tính tập thể trong các giờ hoạt động bán trú mỗi ngày của lớp.
Trong quá trình tổ chức lao động để rèn kỹ năng tự phục vụ cho HS, bảo mẫu cần đảm bảo các yêu cầu sư phạm sau:Sớm cho HS làm quen với các công việc lao động. Đảm bảo các công việc HS lao động phải vừa sức, phải phù hợp với đặc điểm tâm sinh lí trên cơ sở đòi hỏi trẻ có sự cố gắng cao. Không áp đặt HS phải làm gì và không được làm gì. Luôn đảm bảo nguyên tắc tự giác, tôn trọng sự độc lập, sáng tạo của HS. Tạo tâm lí thoải mái và giải thích rõ cho HS biết tại sao phải làm việc này và để cho các em tự kiểm tra lẫn nhau trong khi thực hiện.Tạo không khí làm việc tập thể, làm việc theo nhóm, sở thích và chú trọng “hiệu ứng lan tỏa” để tạo sự tương tác, sự cộng hưởng, lôi kéo tất cả HS tham gia. Đặc biệt cần có sự công bằng, khách quan trong việc đánh giá từng kỹ năng tự phục vụ của HS. Và các kỹ năng mà bảo mẫu chọn để rèn luyện cho HS phải luôn xuất phát từ chính nhu cầu của các em… Thứ ba, tham gia vào quá trình hình thành thói quen kỹ năng tự phục vụ cho HS không chỉ có nhà trường mà còn có gia đình. Do đó, trong suốt quá trình rèn luyện kỹ năng này, bảo mẫu cần có sự liên hệ và phối hợp chặt chẽ với phụ huynh để cùng hỗ trợ HS thực hiện. Tại lớp, bảo mẫu nhờ giáo viên chủ nhiệm trang bị một góc nhỏ bảng thông tin tuyên truyền về các KNS cần thiết đối với HS tiểu học dành cho phụ huynh. Bên cạnh đó, bảo mẫu yêu cầu phụ huynh mạnh dạn giao những công việc nhà vừa sức để các em thực hiện. Ngoài ra, bảo mẫu cũng chủ động lắng nghe ý kiến đóng góp, trao đổi của phụ huynh để từ đó có sự điều chỉnh kịp thời những thiếu sót của bản thân…
Lê Thị Thúy Cẩn (Bảo mẫu Trường TH Lương Thế Vinh, Q.1, TP.HCM)
Ba nguyên nhân khiến HS yếu KNS
Thứ nhất là gia đình: Các em được nuông chiều quá mức, do kinh tế gia đình khá giả; một số em thiếu sự quan tâm sâu sát của gia đình do kinh tế khó khăn; các em thiếu hụt về mặt tình cảm gia đình. Thứ hai là nhà trường: Đa số bảo mẫu chưa nhận thức hết tầm quan trọng của việc rèn luyện kỹ năng tự phục vụ; ngại va chạm sợ phật lòng với phụ huynh nên thường chiều theo ý của các em; HS chưa được trang bị những kỹ năng cần thiết để ứng phó với những tình huống thường ngày. Thứ ba là xã hội: Các ban ngành đoàn thể có quan tâm nhưng chưa đầu tư đúng mức; CNTT quá phát triển làm ảnh hưởng đến kỹ năng tự phục vụ của các em.
|
Bình luận (0)