Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Đồng phục không làm nên chất lượng học sinh

Tạp Chí Giáo Dục

HS mặc đồng phục áo trắng quần xanh
Nhằm thể hiện nét đẹp đặc trưng của từng trường cũng như tiện lợi trong việc quản lý học sinh (HS), không ít trường học đã đưa ra nhiều quy định về đồng phục HS khác nhau. Từ giày dép, cặp xách đến quần áo…
Nhìn đẹp thì có đẹp và tiện quản lý cũng có. Song không phải phụ huynh và HS nào cũng cảm thấy thoải mái.
Đồng phục cả cặp đi học
Vào mùa này, mưa nhiều hơn là nắng. Người ra đường luôn sắm các loại quần áo, giày dép đơn giản cho thuận tiện công việc, ít nhất là để cảm thấy thoải mái. Đặc biệt là đôi chân, chẳng ai tìm đến giày vải để đi vì nếu dính nước mưa thì xem như tháo giày cả buổi, về nhà lại giặt, phơi, sấy… Vậy mà, HS một số trường học phải chấp nhận mang giày bata đến trường, bất kể trời nắng hay mưa.
Hỏi ra thì mới biết, là quy định của trường, nếu không mang sẽ vi phạm, bị trừ điểm thi đua. Em N. (HS lớp 6, Trường THCS P., Q.Tân Bình, TP.HCM) cho biết: “Nhà trường quy định tất cả HS phải mang giày bata đến trường nên chúng em phải chấp hành. Nhiều hôm trời mưa, ướt giày, ướt chân nhưng chúng em vẫn phải mang. Những hôm mưa buổi sáng, em phải cho giày vào bịch nilon xách theo, đến trường mới bỏ ra đi vào chứ đi từ nhà giày sẽ ướt, không thể đi suốt buổi được”. Để đề phòng giày ướt, đa số HS được cha mẹ sắm ít nhất 2 đôi. Giá mỗi đôi bình thường cũng trên dưới 100 ngàn đồng.
Một nữ sinh lớp 11 Trường THPT T. (Q.Tân Bình) chia sẻ: “Em có bạn học Trường THPT C. (Q.Tân Bình) cũng phải mang giày bata trắng đến trường để hợp với váy đồng phục. Đẹp thì có đẹp nhưng rất bất tiện. Mưa xuống giày ướt, dơ bẩn, chân cũng đành ngâm nước. Nắng lên thì nóng, ngồi học cũng không được thoải mái”. So với bạn bè thì nữ sinh này không “dính” quy định mang giày bata nhưng lại “dính” quy định phải đeo cặp đồng phục, có logo của trường. Nếu không đeo xem như vi phạm nội quy và bị trừ điểm hạnh kiểm. Vậy là cứ đầu năm HS phải đăng ký mua cặp tại trường, vì nếu ra ngoài thì không có cặp đúng kiểu, đúng màu sắc và không có logo. Giá một chiếc cặp như thế khoảng 150 ngàn đồng.
Có thể nói trường nào cũng có những quy định rất cụ thể. Nếu như không quy định giày dép, cặp xách thì có những quy định về đồng phục khá nhiêu khê. Đã gọi là đồng phục thì phải đồng một kiểu, một màu, thể hiện đặc trưng riêng của trường và làm sao tạo điều kiện thuận tiện, dễ chịu cho HS. Vậy mà một số trường, đặc biệt là các trường bán trú, các em HS phải có ít nhất 3 loại quần áo: Đồng phục lên lớp, đồng phục thể dục và đồng phục… ngủ.
Buổi trưa vào Trường THCS N. (Q.Gò Vấp), phụ huynh dễ choáng ngợp trước nhiều màu sắc của đồng phục HS. Một số em mặc quần áo thể dục màu xanh, một số mặc áo trắng quần xanh, một số nữ mặc áo thun ngủ màu hồng, nam mặc áo thun ngủ màu xanh… Qua tìm hiểu, chúng tôi mới hay một bộ mặc lên lớp, một bộ mặc học thể dục và một bộ mặc ngủ buổi trưa. Vậy là mỗi ngày đến trường, ít nhất HS phải mang theo bộ đồ ngủ trong cặp. Chưa kể, trong một trường, HS học một buổi mặc một màu khác, HS bán trú mặc một màu khác, phân biệt rạch ròi. Và tất cả đều đăng ký mua tại trường.
Về vấn đề này, một số hiệu trưởng cho rằng mặc như thế giúp nhà trường tiện quản lý.
Quy định đồng phục theo… chiết khấu hoa hồng?
Đầu năm học này, chị T.T (có con học lớp 1 tại Q.Tân Bình) đã tốn hơn 1 triệu đồng mua đồng phục, sách vở, giày dép, ba lô, dụng cụ học tập cho con. Trong đó, riêng tiền đồng phục trên lớp và thể dục tốn hơn 700 ngàn đồng. Còn anh H. (có con học lớp 1 tại Q.Bình Thạnh) tốn gần 3 triệu đồng; riêng tiền đồng phục trên lớp, đồ mặc ngủ bán trú, quần áo thể dục lên đến 1,2 triệu đồng. Chưa kể, tiền ăn uống bán trú của con… tính ra tháng lương 5 triệu đồng của anh cũng đi đứt.
Đấy mới chỉ là lớp 1, còn ở bậc THCS hay THPT, số tiền này tăng theo cấp số nhân. Chúng tôi gặp một phụ huynh đang đón con học Trường THPT T. (lớp 10 – PV) thì được cho biết vừa rồi chị tốn gần 5 triệu đồng cho một số khoản phí về bảo hiểm, ba lô và đồng phục… của con gái. Trong đó tiền đồng phục áo dài mất hơn 1,5 triệu đồng/3 bộ. Chị tâm sự: “Tiền may áo dài rất đắt, gần 500 ngàn đồng/bộ. Các cháu lại mặc trong suốt 1 tuần, thế nên cha mẹ phải mua ít nhất là 2 hoặc 3 bộ, thay đổi phòng khi mưa gió. May mà tôi có một đứa con, nếu có 2-3 đứa thì số tiền hơn chục triệu đồng gia đình tôi lo không nổi”.
Chưa kể, giá bán đồng phục tại các trường cũng không giống nhau, trong khi chất lượng vải lại tương đương nhau. Đơn cử, giá một bộ đồ thể dục tại Trường THPT T. khoảng 200 ngàn đồng thì tại Trường THPT M. (Q.3) là 240 ngàn đồng…
Theo thầy Trịnh Vĩnh Thanh, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du (Q.Gò Vấp), thông thường khi đặt may đồng phục, nhà trường có nhận được chiết khấu hoa hồng từ nhà phân phối. Đôi khi vì những lợi nhuận này mà một vài trường đưa ra nhiều quy định về đồng phục “ép” phụ huynh, ít nhiều gây khó khăn cho họ.
Năm học trước, tại Q.5 đã có trường hợp phụ huynh phản ánh về tình trạng đồng phục lên Phòng GD-ĐT. Sau đó lãnh đạo phòng nhanh chóng chấn chỉnh để phụ huynh không thiệt thòi. Cô Võ Ngọc Thu, Trưởng phòng GD-ĐT Q.5, cho biết: “HS đến trường chỉ cần một bộ đồng phục, một bộ thể dục và có logo nhà trường là được. Giá (chung cho cả 3 bậc học) dao động từ 150 ngàn đồng/bộ trở lại. Điều quan trọng là các em mặc gọn gàng, sạch đẹp, thoải mái và học tốt là được. Riêng chuyện quy định phải mang giày bata thì đây là quy định hay vì tránh trường hợp HS mang dép cao, dép thấp không đồng đều nhưng chỉ nên đi những lúc trời nắng ráo. Nhìn chung các trường cần có những quy định hợp lý, không nên gây khó dễ cho HS và phụ huynh”.
Bài, ảnh: Ngọc Trinh
“Đồng phục đi học chỉ nên áo trắng quần xanh. Nếu phụ huynh không thích mua vì giá đắt hay chất liệu vải không ưng ý thì có thể mua bên ngoài. Chỉ cần HS mặc áo trắng quần xanh gọn gàng, tươm tất, sạch đẹp đến lớp học tốt là được. Quần áo không làm nên chất lượng HS nên không nhất thiết phải cầu kỳ. Đối với gia đình khá giả thì không sao chứ với gia đình khó khăn thì đó là cả vấn đề lớn”, thầy Trịnh Vĩnh Thanh cho biết.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)