Sinh viên Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức thực hành tại một DN
|
Kỹ thuật – công nghệ (KT-CN) được xác định là một trong những khối ngành kinh tế chủ lực của TP.HCM từ nay đến năm 2020. Tuy nhiên, hiện nay công tác đào tạo khối ngành này vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.
Đây là ý kiến được nhiều đại biểu nêu lên tại Hội nghị đào tạo theo nhu cầu xã hội và thành lập hội đồng hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ và TCCN khối ngành KT-CN trên địa bàn TP.HCM, do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức ngày 11-9.
Thiếu lao động chất lượng cao
Thị trường lao động TP.HCM đang đẩy mạnh phát triển công nghệ, quản lý và kỹ năng tay nghề nhưng thời gian qua lại thiếu hụt lao động có kỹ năng tay nghề. Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, cho biết: “Hầu hết doanh nghiệp (DN) đánh giá lao động Việt Nam trong lĩnh vực KT-CN giỏi về kiến thức chuyên môn nhưng kỹ năng tay nghề lại rất yếu, hầu hết DN phải tổ chức các khóa tập huấn đào tạo lại kỹ năng cho họ. Hơn nữa, công tác đào tạo khối ngành này chưa đáp ứng nhu cầu lao động nhưng khi tốt nghiệp, người học kỹ thuật lại nghiêng về dịch vụ kinh doanh khiến nhiều sinh viên tốt nghiệp không có việc làm”.
Tại hội nghị, đại diện các DN cũng thừa nhận, sinh viên vừa tốt nghiệp tham gia vào lao động sản xuất ở các DN thường lúng túng, đặc biệt là đối với những công nghệ mới. Ông Hồ Xuân Lâm, Chánh văn phòng Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM, chia sẻ: “Hiện chúng tôi đang quản lý hơn 10.000 DN với 270.000 lao động. Từ năm 2009, chúng tôi xác định chỉ nhận những nhà đầu tư vào các ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố, trong đó chủ yếu là các ngành thuộc khối KT-CN. Tuy nhiên, nguồn lao động trong lĩnh vực này hiện vẫn chưa đáp ứng nhu cầu lao động, nhiều nhà đầu tư đòi hỏi cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao mà chúng ta không tuyển được những lao động có thể đáp ứng nên họ không đầu tư nữa”.
Đối với lĩnh vực nông nghiệp, mỗi năm chỉ chiếm khoảng 1% GDP của thành phố nhưng trình độ canh tác của lao động trong lĩnh vực này so với các tỉnh/thành khác cao hơn. Tuy nhiên, các chuyên gia và lao động kỹ thuật cao trong lĩnh vực này vẫn chưa đáp ứng được những yêu cầu mới về kỹ thuật. “Dự kiến từ nay đến năm 2015, thành phố cần khoảng 130.000 lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có khoảng 20% lao động phải canh tác theo hướng kỹ thuật cao. Mỗi năm, Việt Nam cử hơn 50% người sang nước ngoài nghiên cứu lĩnh vực này nhưng hầu hết các giống cây trồng chúng ta vẫn hưởng thụ từ nước ngoài. Hơn nữa, hiện chúng ta sản xuất ra sản phẩm nhưng đội ngũ kiểm tra đánh giá chất lượng chỉ đếm trên đầu ngón tay nên một số sản phẩm xuất khẩu ra thị trường nước ngoài bị trả lại. Vì vậy, các trường cần tăng cường đào tạo các nhóm chuyên gia về phân tích, kiểm nghiệm, đánh giá cây trồng vật nuôi… cũng như các kỹ sư nông nghiệp có tay nghề cao”, TS. Đỗ Việt Hà, Phó trưởng ban quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM, cho hay.
Đối với các vấn đề này, ông Phạm Ngọc Thanh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho rằng: “Nhà trường sẽ đào tạo kiến thức cơ bản, còn khi vào làm việc, mỗi lĩnh vực đều có những đặc thù riêng. Chẳng hạn, cùng là tài xế nhưng tài xế taxi có những yêu cầu riêng so với tài xế xe tải. Vì thế, khi tuyển sinh viên mới ra trường vào làm việc, các DN cần có một khóa đào tạo ngắn hạn về kỹ năng cho các em”.
Liên kết DN còn nhiều khó khăn
Tại hội thảo, đại diện các trường khẳng định không thể có đầy đủ cơ sở vật chất, thiết bị mới để sinh viên thực hành thực tế. Vì thế, để sinh viên được thực hành tại các DN qua các kỳ thực tập là hướng đi của nhiều trường. Tuy nhiên, DN vẫn còn ngại liên kết với nhà trường.
Ông Phạm Ngọc Thanh cho hay: “Hiện DN vẫn còn ngại sinh viên thực tập vì nếu để các em vào làm tại xí nghiệp, họ sẽ tốn thêm thời gian chỉ dẫn. Ngoài ra, do dây chuyền sản xuất thường đã cố định, đưa thêm sinh viên thực tập vào họ sợ không sắp xếp được vị trí lao động cho các em. Vì vậy, việc thành lập hội đồng hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ và TCCN khối ngành KT-CN là nhằm có các phương pháp tạo mối liên hệ giữa nhà trường và DN chặt chẽ hơn”.
PGS.TS Vũ Đình Thành, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, chia sẻ: “Trường chúng tôi chuyên đào tạo khối ngành KT-CN, trong 11 khoa thì có tới 10 khoa đào tạo khối ngành này. Qua nhiều năm đào tạo, chúng tôi thấy môi trường ĐH cung cấp kiến thức nền để sinh viên có thể làm ở nhiều đơn vị thuộc các lĩnh vực chứ không phải một sinh viên đào tạo cho một DN. Vì vậy, DN cần có một khóa học chuyên đề bổ sung cho sinh viên – sinh viên dù làm ở lĩnh vực nào cũng có kiến thức nền sẽ nắm bắt và hòa nhập rất nhanh. Ngoài ra, nhà trường nên lập các hệ thống thăm dò, khảo sát DN khi tuyển dụng các em để biết những môn học nào DN không cần hay môn học nào có lý thuyết quá nhiều, quá cứng nhắc thì nên điều chỉnh, thay đổi”.
Đại diện các DN cũng thừa nhận lao động Việt Nam ở các khu công nghiệp, khu chế xuất hiện không bền vững, thường nhảy việc. “Một thực tế đáng lưu ý hiện nay là DN khi có đơn đặt hàng thì tuyển lao động, khi hết đơn đặt hàng lại cho người lao động nghỉ việc hay trả lương chờ việc. Ngoài ra, người lao động thường nhảy việc vì không đáp ứng nhu cầu DN. Vì vậy, nguồn nhân lực phải tính toán lâu dài, nhà trường và DN cần “bắt tay” với nhau để có kế hoạch đào tạo dài hạn hay ngắn hạn cho người lao động thì mới tạo ra được nguồn lao động đáp ứng nhu cầu xã hội”, ông Hồ Xuân Lâm khẳng định.
Bài, ảnh: Dương Bình
Tại hội nghị, các đại biểu đã nhất trí bầu PGS.TS Vũ Đình Thành, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, giữ chức Chủ tịch Hội đồng hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ và TCCN khối ngành KT-CN trên địa bàn TP.HCM. Hội đồng hiệu trưởng đã thông qua các nội dung trong dự thảo quy chế tạm thời về tổ chức và hoạt động của hội như những quy định chung, nhiệm vụ, quyền hạn của hội, nguyên tắc và phương pháp hoạt động… |
Bình luận (0)