Trong chương trình kỹ thuật lớp 5 ở tiểu học, chương đầu tiên là “Kỹ thuật phục vụ”. Ở chương này, các em học sinh được học về đính khuy 2 lỗ, thêu dấu X, nấu cơm, luộc rau, rửa chén…
Nhiều giáo viên trẻ cứ nghĩ dạy chương này thật đơn giản vì nó là chuyện thường ngày. Thực tế, khi dạy những bài này, giáo viên sẽ rất ngỡ ngàng vì hầu hết học sinh hiện nay không biết gì cả.
Năm nào cũng vậy, khi dạy chương này, tôi không cho học sinh mở sách giáo khoa mà để các em tự nêu trình tự của những việc này để kiểm tra xem học sinh của mình biết làm hoặc có quan sát khi người lớn làm ở nhà hay không. Điều đáng buồn là càng ngày càng ít học sinh nêu được trình tự thực hiện công việc. Cụ thể, nấu cơm là một công việc thường ngày và khá đơn giản vậy mà học sinh trả lời là “bỏ gạo vào nồi, đậy nắp, nhấn nút”, có em giơ tay xin bổ sung là “phải rửa gạo trước”, ngay cả từ vo gạo các em cũng không biết. Đó là nấu cơm bằng nồi điện còn nấu cơm bằng bếp gas, than, củi thì giáo viên chỉ có diễn giải, minh họa chứ các em hoàn toàn mù tịt. Phần dạy học sinh thêu may còn khó khăn hơn. Cụ thể là các em không thể xỏ kim được, không cắt vải đúng kích thước… dù giáo viên hướng dẫn từng nhóm 2-3 học sinh. Để đảm bảo tiết học ở lớp, giáo viên đành yêu cầu học sinh cắt vải, xỏ kim ở nhà. Từ những điều học sinh thể hiện trên lớp đã cho thấy ở nhà các em không được người lớn hướng dẫn về những kỹ năng tự phục vụ cần thiết cho trẻ sau này.
Học sinh Trường TH Lương Định Của (Q.3, TP.HCM) được giáo viên chia sẻ quá trình phát triển của cây lúa. Ảnh: N.Trinh |
Hiện nay, đa số các gia đình từ việc nhỏ đến việc lớn đều do người lớn làm thay và xem các chuyện tự làm, kỹ năng tự phục vụ này là chuyện nhỏ. Có phụ huynh còn quan niệm rằng chỉ cần con cái học giỏi, làm nhiều tiền thì những chuyện vụn vặt này mướn người làm. Chính vì thế, dần dần các em không biết làm gì hết ngoài học hành, vui chơi. Tôi đã từng chứng kiến một học sinh nữ lớp 8 dùng băng keo 2 mặt dán áo đi học khi bị đứt nút áo vì không có mẹ ở nhà kết nút giúp và chỉ còn duy nhất một chiếc áo sạch để mặc đi học hay một nam sinh 17 tuổi đã ăn mì gói sống khi đói bụng vì không biết bật bếp gas lúc không có cha mẹ ở nhà.
Lỗi không phải do các em. Nấu cơm, giặt đồ, rửa chén, kết nút áo… không phải là chuyện nhỏ. Người lớn cần hướng dẫn và tập các em làm những việc ấy. Mùa hè đã đến, phụ huynh hãy biến thời gian này là học kì III trong năm để dạy con cái những chuyện nhỏ nhưng hết sức quan trọng trong cuộc sống các em sau này. Đó là kỹ năng sống cần thiết mà mọi người cần phải biết để có thể tự phục vụ chính bản thân mình và giúp đỡ gia đình, người xung quanh khi cần thiết.
Lê Phương Nhân Tâm
“Cho rau ngắn lại dễ nhai” Khi tôi cho học sinh viết các bước luộc rau mà nhà em thường làm thì đa số các em bỏ trống, có em ghi như sau: “Đầu tiên mua rau về, sau đó nhúng nước rồi bỏ vào nồi. Tiếp theo là để lên nấu”. Tôi phải gợi ý, rồi minh họa các em mới hình dung ra được từng công đoạn. Tôi hỏi các em lặt rau để làm gì, câu trả lời thường gặp là “cho rau ngắn lại dễ nhai” chứ không hề biết là phải loại bỏ phần rau già, héo úa, có sâu. |
Bình luận (0)