Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Học sinh đuối nước, giật mình đến bao giờ?

Tạp Chí Giáo Dục

Với con số mỗi năm có khoảng 5.000 đến 6.000 ca đuối nước, trong đó phần lớn là các em trong độ tuổi đi học, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ đuối nước cao nhất khu vực, gấp 10 lần so với các nước phát triển. Làm cách nào để kéo giảm tai nạn đuối nước ở học sinh khi các em không được phổ cập về bơi lội, thiếu kỹ năng an toàn khi xuống nước?

Tai nạn thương tâm vẫn tiếp diễn…

Rất ít trường học ở TPHCM có hồ bơi đạt chuẩn (trong ảnh: Học sinh Trường Ngô Thời Nhiệm, quận 9, trong giờ học bơi). Ảnh: KHÁNH BÌNH

Suốt tuần qua, câu chuyện đuối nước thương tâm xảy ra ở sông Trà Khúc (thành phố Quảng Ngãi) cướp đi mạng sống của 9 học sinh lớp 6 Trường THCS Nghĩa Hà đè nặng tâm can của chúng ta và nó xới lên nhiều câu hỏi nhói lòng người ở lại. Hình ảnh cả xóm nghèo nhuốm màu tang tóc và những bậc cha mẹ ngất xỉu bên quan tài của những thiên thần áo trắng khiến chúng ta rưng rưng! Chỉ vì thời tiết nắng nóng và trường học không có hồ bơi nên các em phải rủ nhau ra dòng sông để thư giãn, đùa vui trước giờ đến trường. Và trong khoảnh khắc định mệnh, nghiệt ngã không lường trước sự nguy hiểm, thiếu an toàn khi ở dưới dòng nước mát, các em đã ra đi vĩnh viễn… Thế nhưng, tai nạn đuối nước thương tâm này không phải là cá biệt, nó đang diễn ra ở khắp mọi nơi, nhất là những vùng quê nghèo nhiều sông nước. Khi nỗi đau ở dòng Trà Khúc chưa kịp nguôi ngoai thì 3 ngày sau (18-4), tại xã Phước Bình, huyện Long Thành (Đồng Nai) lại xảy ra vụ đuối nước thương tâm khiến 2 học sinh là Ngô Văn Đức (12 tuổi, quê Bà Rịa – Vũng Tàu) và Nguyễn Khánh Đăng (13 tuổi, quê Trà Vinh) tử vong.

Trưa hôm đó, Đăng và Đức cùng hai bạn khác đến sông Gò Dầu khu vực chân đập thủy lợi xã Phước Bình tắm. Trong lúc đang tắm, thấy Đức chới với nên Đăng bơi đến cứu bạn. Nào ngờ dòng nước sâu đã nhấn chìm cả hai em. Tuy hai em còn lại đã nhanh trí chạy lên bờ, tìm người ứng cứu, nhưng mọi việc đều đã muộn. Được biết, công trình thủy lợi Phước Bình là đập ngăn nước mặn từ sông Thị Vải ngược lên thượng nguồn và thời điểm các em xuống tắm thủy triều đang lên, nước ở chân đập dâng cao từ 4m – 5m. Giá như các em có hiểu biết và lường trước nguy hiểm đang rình rập ở dưới nước…

Chỉ riêng từ đầu mùa khô năm 2016 đến nay, cả nước đã xảy ra hàng chục vụ trẻ em, học sinh đuối nước ở ao hồ, sông nước và bể bơi. Làm gì để giảm thiểu tai nạn thương tâm cứ tái diễn và hàng năm cướp đi hàng ngàn sinh mạng học trò?

Phổ cập bơi đến đâu?

Trong rất nhiều tai nạn đuối nước xảy ra ở những vùng quê hoặc ở biển cả, sông hồ thì sự ra đi tập thể hay còn gọi là “chết chùm” bắt nguồn từ nguyên nhân cứu nhau không đúng cách. Trong lúc hoảng loạn, thấy bạn mình chới với, đuối nước, phần đông các em biết bơi đều nhảy ngay xuống nước để cứu ứng, rồi bị kéo theo, bị nhấn chìm xuống dòng nước. Thực tế đau lòng này đòi hỏi gia đình, trường học phải trang bị kỹ năng sống an toàn, tự bảo vệ mình cho học sinh trước nhiều nguy cơ, rủi ro đang rình rập khi xuống nước, chơi gần nước.

Trước những con số báo động ngày càng tăng cao về trẻ em, học sinh ở Việt Nam tử vong vì đuối nước, từ năm 2010, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo ngành GD-ĐT các địa phương phải phổ cập kiến thức, kỹ năng môn bơi cho học sinh tiểu học. Theo nhiều hiệu trưởng, chuyên gia giáo dục, việc dạy bơi là cần thiết không chỉ với học sinh ở vùng sông nước mà còn với cả học sinh ở thành phố. Nếu được trang bị kiến thức, kỹ năng về bơi lội sẽ giúp học sinh tránh được nhiều rủi ro và kịp thời ứng phó khi gặp tình huống nguy hiểm. Thế nhưng, dù thấy điều này cần thiết và nó trở thành nhu cầu của nhiều học sinh, nhưng ngành GD-ĐT cũng bất lực. Chỉ có một số địa phương, thành phố lớn mới có điều kiện đẩy mạnh thực hiện chủ trương đúng đắn này. Còn lại hầu hết đều gặp khó khăn, trở ngại, do trường học không có kinh phí xây hồ bơi, trên địa bàn cũng rất ít hồ bơi công cộng hoặc do tư nhân đầu tư. Theo các tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long, dù cố gắng nhưng việc phổ cập bơi cho học sinh tiểu học vẫn chỉ là mong muốn xa vời của ngành giáo dục, của từng trường học và mỗi năm họ vẫn phải chứng kiến hàng chục vụ trẻ em tử vong vì tai nạn đuối nước.

Riêng ngành GD-ĐT TPHCM, dù rất quan tâm và đi đầu trong việc phổ cập bơi lội cho học sinh tiểu học, nhưng sau 4 năm triển khai, chương trình này vẫn gặp không ít khó khăn, trở ngại. Dù các quận, huyện đã cố gắng phổ cập bơi cho 100% học sinh tiểu học nhưng hiệu quả còn hạn chế, do trường học phần nhiều thiếu hồ bơi, thiếu hướng dẫn viên chuyên nghiệp. Thầy Vũ Văn Quan (Trung tâm Bồi dưỡng giáo dục quận 9 TPHCM) cho biết: “Dù được phổ cập học bơi với 12 tiết/năm theo quy định chung, nhưng học sinh chỉ dừng ở mức căn bản, chập chững biết bơi, xuống hồ có thể nổi lên. Vì thế, nếu các gia đình không có điều kiện đưa con em họ đi bơi thường xuyên thì khi xuống nước, các em cũng không thể bơi thành thạo”. Cũng theo thầy Quan, trong nội dung học bơi, học sinh được học về lý thuyết, xử lý tình huống phát sinh sao cho an toàn, kể cả sơ cứu, ứng cứu người hay bạn bè khi bị đuối nước. Thế nhưng, khi gặp sự cố, tai nạn, các em biết ứng phó sao cho an toàn lại là chuyện khác!

Thực tế trên đòi hỏi ngành GD-ĐT và các ngành chức năng ở từng địa phương phải quan tâm nhiều hơn đến thực trạng đuối nước ở học sinh, trẻ vị thành niên. Thay vì nhồi nhét quá nhiều nội dung, kiến thức không cần thiết, hãy dạy các em kỹ năng sống, ứng phó với những rủi ro, hiểm nguy rình rập sau cổng trường, trên đường về nhà. Một khi môi trường học đường còn thiếu quá nhiều thứ, trong đó có hồ bơi, sân chơi, sân tập luyện đa năng để các em vui chơi, giải trí an toàn, rèn luyện kỹ năng sống… thì đừng nói đến phạm trù giáo dục toàn diện.

Khánh Hà/ SGGP

 

Bình luận (0)