Người thầy quan tâm, ân cần với HS hiệu quả hơn là dùng hình phạt
|
Học yếu hay đùa nghịch quá mức, khó bảo… là những lý do khiến giáo viên (GV) phải “nhắc nhở” học sinh (HS) bằng roi vọt để các em tiến bộ hơn. Hành động đó có thể khiến GV nguôi giận nhưng đối với HS thì dấu ấn bị thầy cô đánh sẽ hằn sâu trong tâm trí…
Roi vọt có giúp HS tiến bộ hơn?
Sự việc thầy giáo đánh học trò gần nhất xảy ra ở một trường tiểu học trên địa bàn Q.Thủ Đức (TP.HCM). Vì học yếu mà một nữ sinh lớp 4 phải nhận hình phạt bằng roi vào mông đến độ bầm tím, khiến em này không ngồi được. Khi ăn uống em phải đứng, học bài phải nằm và sợ đến lớp. Mặc dù đến nay sự việc đã qua, thầy giáo đã nhận lỗi trước gia đình HS và sự khiển trách của lãnh đạo ngành nhưng dư luận xã hội đặt ra câu hỏi: Liệu đến bao giờ mới chấm dứt tình trạng GV đánh học trò? Đặc biệt là HS tiểu học, khi ý thức các em chưa đủ lớn để hiểu hết sự việc!
Chị Đinh Thanh Chúc (Q.Bình Thạnh) – một phụ huynh có con sắp vào lớp 1 – chia sẻ: “Đứng ở góc độ tâm lí, chắc chắn phụ huynh nào cũng từng dùng roi đánh con khi con hư, khó bảo. Vì thế mới có câu “Thương cho roi cho vọt”. Nhưng đó là chuyện “đóng cửa bảo nhau” trong gia đình, còn khi đến trường bị thầy cô đánh thì không ai đồng ý dù con mình đúng hay sai. Đó là theo nguyên tắc giáo dục lẫn tình người…”.
Ở vị trí là lãnh đạo một ngôi trường, thầy Từ Quốc Tuấn, Hiệu trưởng Trường TH Lương Định Của (Q.3), cho biết: “Đối với GV đứng lớp, đặc biệt là GV tiểu học thì tuyệt đối không dùng roi vọt để răn đe HS. Như vậy là sai trái, vi phạm quy chế giáo dục đối với GV. Bản thân HS bị nhận hình phạt trước tập thể lớp nên khó tránh khỏi tổn thương tâm sinh lý như xấu hổ, mặc cảm, mất tự tin, sợ và không dám đến lớp. Dấu ấn này còn ghi sâu vào ký ức, đi theo năm tháng về sau”. Theo thầy Tuấn, không dấu ấn nào in đậm và sâu sắc như những dấu ấn trẻ thơ. Bất kỳ hình ảnh, sự việc gì trải qua thời thơ ấu luôn để lại trong tâm trí, đi cùng cuộc đời và có phần ảnh hưởng đến cuộc sống sau này của một đứa trẻ.
Hiệu trưởng một trường tiểu học tại Q.3 khẳng định: “Nếu nói một ngôi trường không bao giờ xảy ra sự việc tương tự thì hoàn toàn không đúng. Vấn đề là “phạt” nặng hay nhẹ, ở mức nhắc nhở hay nghiêm trọng. Nhưng một câu hỏi được đặt ra là nếu GV dùng các hình phạt liệu có giúp HS học giỏi lên không hay kết quả ngược lại: Tổn thương tinh thần, ảnh hưởng đến việc học của các em. Chưa kể bản thân phụ huynh khi nghe tin con mình bị đánh cũng cảm thấy buồn. Nghĩ rằng có thể GV có thành kiến, ghét bỏ con mình. Thiết nghĩ có nhiều phương pháp sư phạm để khắc phục khuyết điểm của HS thay vì dùng roi vọt đánh các em”.
GV cần bình tĩnh, khéo léo
Điều lệ trường tiểu học do Bộ GD-ĐT ban hành quy định các hành vi GV không được làm, trong đó ghi rõ: GV không được xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể HS và đồng nghiệp (điều 38).
|
Đối với HS, đặc biệt là HS tiểu học, suy nghĩ của các em còn ngây thơ, đơn giản, ý thức hình thành chưa đủ để hiểu hết bản chất sự việc. Việc HS nghịch, ương bướng, học khá – học yếu… là hết sức bình thường. Quan trọng là khi GV gặp những tình huống trên đòi hỏi phải hết sức bình tĩnh, khéo léo giải quyết sự việc.
Chị Đinh Thanh Chúc cho rằng ở phương diện cá nhân, phụ huynh và GV cần nói chuyện thẳng thắn để cùng tìm ra cách giải quyết vấn đề, đó mới là điều quan trọng. Về phía nhà trường, nếu phụ huynh không hợp tác thì nhà trường cũng có hình thức kỷ luật riêng. Thầy Từ Quốc Tuấn cũng nêu quan điểm tương tự: “HS học yếu, GV cần có trách nhiệm ôn tập, củng cố lại kiến thức cho các em. Sau một quá trình nếu HS không tiến bộ thì cần trao đổi với phụ huynh để khắc phục một cách khách quan nhất. Trường hợp phụ huynh không hợp tác thì nên trao đổi với ban giám hiệu để khắc phục. Đây là một cách làm tích cực cũng như tránh được những tình huống không đáng có đối với GV đứng lớp”.
Tại Trường TH T. (Q.3), trường hợp HS học yếu, ương bướng hoặc thường xuyên đánh nhau thì trách nhiệm của GV là trao đổi ngay với ban giám hiệu để cùng tìm cách khắc phục, giúp đỡ các em. Bước đầu nhà trường liên hệ với phụ huynh để chia sẻ sự việc, nói lên những ưu, khuyết điểm của HS cho phụ huynh biết mà cùng hỗ trợ với nhà trường. Ngoài ra, nếu HS quá cá biệt, GV nhắc nhở mà không nghe thì GV phân công làm việc như giám sát lớp học, làm sao đỏ… Lúc này các em không có thời gian nghịch phá mà tập trung vào công việc mình đang làm và nghe lời thầy cô chăm chỉ học tập.
Hiệu trưởng trường này chia sẻ: “Đây là biện pháp “lấy độc trị độc” hay đúng hơn là biện pháp “nhắc nhở” tích cực, không phá vỡ môi trường học thân thiện. Bằng biện pháp này sẽ không xảy ra tình trạng GV đánh HS. Đối với HS, được làm việc, phát huy khả năng bản thân khiến các em rất thích thú, hãnh diện. Từ đó, các em trở nên ngoan ngoãn, biết nghe lời thầy cô và phấn đấu học tốt hơn nhiều”.
Bài, ảnh: Ngọc Trinh
Dễ bị biến đổi tâm lí
ThS. tâm lý Nguyễn Hữu Long (giảng viên Trường CĐ Sư phạm Trung ương TP.HCM) cho biết: Đánh người khác là hành vi không thể chấp nhận, thậm chí là vi phạm pháp luật và càng nguy hơn khi đánh HS. Hiện nay, ở lứa tuổi HS lớp 4, 5 – đặc biệt là các em nữ bắt đầu có một vài dấu hiệu “lớn trước tuổi”, vì vậy khi có những tác động quá mạnh sẽ làm các em dễ bị biến đổi tâm lí. Cụ thể, các em sẽ có những suy nghĩ sai về cuộc sống, dễ tự ti và nghiêm trọng hơn là chán nản, thất vọng… Nhân cách của một con người chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố gia đình, nhà trường và xã hội. Ở gia đình thường bị yếu tố tình cảm chi phối, cha mẹ có thể đánh con vì quan niệm “thương cho roi cho vọt”. Còn nhà trường, giáo dục có mục đích, có kế hoạch và đặc biệt hơn là có những người làm gương. Theo đó, GV lên lớp phải hội tụ nhiều yếu tố: Dạy kiến thức bằng khoa học, truyền cảm hứng bằng lòng nhiệt thành, khen ngợi HS bằng tình yêu thương chân thành nhưng kỉ luật thì phải dựa trên nguyên tắc giáo dục. Vì thế, GV không nên dùng roi vọt để giáo dục HS.
|
Bình luận (0)