Sau khi Chính phủ công bố nguyên nhân cá chết hàng loạt ở miền Trung, ngày 1-7, ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn các vấn đề Văn hóa- Xã hội (Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam) đã có trao đổi với báo chí liên quan đến vấn đề này.
Phóng viên: Chính phủ đã công bố nguyên nhân cá chết thời gian qua. Ông có đánh giá gì về sự vào cuộc của Đảng, Chính phủ trong việc tìm ra nguyên nhân hiện tượng này?
Ông Nguyễn Túc: Có thể nói rằng, trong gần 3 tháng qua nhân dân ta, đặc biệt là nhân dân ở các vùng Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế rất băn khoăn lo lắng không hiểu vì sao cá chết hàng loạt như vậy. Nhiều tin đồn, nhiều dư luận, có những dư luận đúng và không đúng đã đồn thổi và làm cho nhân dân càng hoang mang. Trước tình hình đó, Chính phủ nhiệm kỳ mới vừa mới ra mắt cả Thủ tướng, các Phó thủ tướng và Bộ trưởng đã dồn sức để tìm nguyên nhân cá chết hàng loạt. Tôi cho rằng, đấy là sự cố gắng rất lớn của các đồng chí trong Chính phủ mới dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị.
Ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn các vấn đề về Văn hóa- Xã hội
Có người nói rằng, sao không kết luận ngay. Tôi thì nghĩ khác, đây là việc đầu tiên xảy ra ở Việt Nam, nói phải có chứng cứ. Xử một vụ án bao giờ cũng thế. Tôi trước là Thư ký của Viện trưởng Viện Kiểm sát Hoàng Quốc Việt nên rất hiểu điều này. Với sự vào cuộc tích cực khẩn trương ngày đêm của cả hệ thống chính trị mà nòng cốt là các nhà khoa học Việt Nam, chúng ta đã kết luận được nguyên nhân một cách thuyết phục. Kết luận của chúng ta trên cơ sở khoa học nên nhà đầu tư đã phải chấp nhận thiếu sót, khuyết điểm của mình. Tôi cho rằng, với sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng và bộ máy làm việc của Chính phủ ta, chúng ta đã khẩn trương, bài bản để có được kết luận. Tôi không đồng tình với một vài người võ đoán cho rằng chậm và thiếu, không phải như vậy.
Formosa đã nhận trách nhiệm về mình. Vậy theo ông, trách nhiệm tiếp theo từ thời điểm này trở đi của Formosa cần phải làm gì?
Thứ nhất, hậu quả mà Formosa gây ra vừa có hậu quả trước mắt và lâu dài. Tôi nghĩ, dân tộc ta là dân tộc có tư tưởng bao dung. Chúng ta đánh kẻ chạy đi chứ không bao giờ đánh người chạy lại. Bước đầu chúng ta chấp nhận sự xin lỗi của những người lãnh đạo cao nhất của Formosa. Chấp nhận cái họ đền bù. Điều đó chứng tỏ họ đã thấy được cái sai của họ. Họ hứa sẽ đền bù và cam kết không để tái diễn. Tôi nghĩ rằng đấy là thắng lợi bước đầu trong đấu tranh ta. Mặt trận Tổ quốc sẽ đề nghị Chính phủ để giám sát lời họ hứa.
Nhưng đó là xử lý bước đầu. Sự cố gây hậu quả trong nhiều năm sau nên chúng ta phải tiếp tục đấu tranh, đòi hỏi họ đảm bảo thực hiện các cam kết.
Cùng với đó, số tiền bồi thường phải được sử dụng công bằng, hợp lý, phải thực hiện một cách dân chủ. Qua vụ Vedan chúng tôi thấy rất rõ thế này, khi có đền bù rồi thì phải bảo đảm người dân tổn hại đến đâu thì được nhận đền bù đến đó. Để bảo đảm công bằng trong nhận bồi thường thì vai trò của chính quyền địa phương, MTTQ và các cơ quan pháp luật rất lớn, phải giúp cho bà con. Điều này là để quyền lợi của bà con được đảm bảo một cách chính đáng, khỏi bị thiệt thòi nhưng đồng thời cũng hạn chế hiện tượng khai khống lên để được nhận bồi thường.
Theo ông, mức đền bù như vậy đã thỏa đáng chưa khi chúng ta mới chỉ tính được mức độ kinh tế trước mắt, còn hậu quả sau này?
Như tôi đã nói sự cố này còn gây hậu quả lâu dài. Bây giờ bảo thỏa đáng chưa thì chưa ai dám nói. Nhưng trước mắt ta chấp nhận họ bồi thường đền bù, sau này nhà nước ta với Formosa còn phải tiếp tục giải quyết hậu quả lâu dài. Tập đoàn này còn ở đây 60-70 năm, nếu không hợp tác tốt với dân, dân không ủng hộ thì chắc họ cũng khó làm ăn. Do đó, ở đây cần sự đồng thuận, thông cảm giữa tập đoàn với nhân dân các địa phương đó. Chỉ trên cơ sở đồng thuận với nhau thì tập đoàn Formosa mới phát triển được ở Việt Nam. Vai trò của Mặt trận là góp phần tạo ra đồng thuận giữa Formosa với bà con ngư dân và nông dân ở vùng đó trong những năm tới.
MTTQ sẽ giám sát việc triển khai số tiền đền bù thiệt hại cũng như hoạt động của Formosa ra sao?
Vừa qua mặt trận đã thường xuyên đến những vùng có chết và hỗ trợ mỗi tỉnh 1 tỷ đồng. Thời gian tới, mặt trận phải vào cuộc mạnh hơn nữa để đảm bảo được cả lợi ích của nhân dân cũng như lợi ích của nhà doanh nghiệp. Mục đích cuối cùng của chúng ta là đoàn kết, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa- hiện đại hóa.Trước mắt, cần nhanh chóng ổn định tình hình để góp phần hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay, bởi tình hình hiện nay đang rất khó khăn.
PHAN THẢO/SGGP
Bình luận (0)