Chuyên viên tư vấn đang giải đáp thắc mắc của học viên Trung tâm GDTX Q.2 trong chương trình hướng nghiệp “Học nghề – Bước kế tiếp cho tương lai” do Báo Giáo Dục TP.HCM tổ chức. Ảnh: D.B
|
Giáo dục hướng nghiệp nhằm phát triển và bồi dưỡng phẩm chất nghề nghiệp cho học sinh (HS), giúp các em hiểu mình, hiểu yêu cầu của nghề; định hướng cho HS đi vào những lĩnh vực mà xã hội đang có yêu cầu…
Hiện nay hình thức giới thiệu trường để học thường bị nhầm lẫn và xem đó là việc hướng nghiệp. Nhưng thực chất đây là hai công tác mang tính chất khác nhau và việc giới thiệu trường có thể chỉ xem là một hình thức bổ trợ cho hướng nghiệp.
1. Giới thiệu trường để học chỉ là một hình thức được tiến hành sau khi HS đã được hướng nghiệp. Tức là sau khi HS xác định được những phẩm chất, năng lực, sở thích và điều kiện kinh tế của bản thân phù hợp với nghề nghiệp nào thì các em sẽ xác định nghề mình sẽ chọn. Điều này đồng nghĩa với việc các em đã chọn được nghề, việc còn lại chỉ là chọn trường để theo học. Lẽ đương nhiên, việc tìm hiểu nội dung, phương pháp, chất lượng giáo dục và sự hỗ trợ đào tạo, tìm kiếm việc làm từ phía nhà trường là một trong những điều kiện quan trọng giúp các em hoàn thiện và phát triển chuyên môn, nghề nghiệp, đây là điều quan trọng. Nhưng gọi công tác này là hướng nghiệp thì quả thật không đúng với khái niệm hướng nghiệp. Hướng nghiệp thường được hiểu trên hai bình diện: Bình diện xã hội và bình diện nhà trường trung học.
Trên bình diện xã hội, hướng nghiệp có thể hiểu là một hệ thống tác động của xã hội về giáo dục học, y học, xã hội học, kinh tế học… nhằm giúp cho thế hệ trẻ chọn được nghề vừa phù hợp với hứng thú, năng lực, nguyện vọng, sở trường của cá nhân, vừa đáp ứng được nhu cầu nhân lực của các lĩnh vực sản xuất trong nền kinh tế quốc dân. Hướng nghiệp là công việc mà toàn xã hội có trách nhiệm tham gia. Trên bình diện trường trung học, hướng nghiệp là một hình thức hoạt động dạy của thầy và hoạt động học của trò. Với tư cách là hoạt động dạy của thầy, hướng nghiệp được coi như là công việc của tập thể giáo viên, tập thể sư phạm, có mục đích giáo dục HS trong việc chọn nghề, giúp các em tự quyết định nghề nghiệp tương lai trên cơ sở phân tích khoa học về năng lực, hứng thú của bản thân và nhu cầu nhân lực của các ngành sản xuất trong xã hội.
2. Hướng nghiệp là quá trình chuẩn bị cho con người lựa chọn nghề nghiệp một cách có ý thức và chuẩn bị tính thích ứng nghề trong tương lai. Như vậy, rõ ràng giới thiệu trường để đi học – hình thức thường gặp nhất trong các đợt chuẩn bị tuyển sinh ĐH không thể gọi là hướng nghiệp và càng không thể gọi là tư vấn hướng nghiệp. Mặc dù trong các buổi giới thiệu trường cũng giải đáp một số thắc mắc của HS về nghề mình dự định chọn và những băn khoăn về năng lực, sự phát triển nghề nghiệp trong tương lai… Bởi tư vấn hướng nghiệp là một hệ thống những biện pháp tâm lý – giáo dục nhằm đánh giá toàn bộ năng lực thể chất và trí tuệ của thanh thiếu niên, đối chiếu các năng lực đó với những yêu cầu do nghề đặt ra đối với người lao động, có cân nhắc đến nhu cầu nhân lực của địa phương và xã hội, trên cơ sở đó cho họ những lời khuyên về chọn nghề có căn cứ khoa học, loại bỏ những trường hợp may rủi, thiếu chín chắn trong khi chọn nghề. Khi tư vấn đòi hỏi sự tham gia của nhiều nhà chuyên môn như: Nhà giáo dục, tâm lý, bác sĩ… Còn phát biểu trước HS trung học về một nghề cụ thể (tuyên truyền nghề) là công việc vừa sức với giáo viên dạy kỹ thuật ở trường trung học, dạy lý thuyết và thực hành ở trường nghề. Chính vì vậy, gọi hoạt động giới thiệu trường để HS lựa chọn dưới góc cạnh xã hội là tư vấn tuyển sinh là phù hợp nhất.
3. Phân biệt rõ ràng giữa hình thức giới thiệu trường để học và hướng nghiệp là việc hết sức quan trọng và cần thiết. Bởi trong thực tế, chính nhà trường vẫn còn nhầm lẫn giữa hai hoạt động này và từ đó không hỗ trợ được HS hình thức tư vấn hướng nghiệp một cách chính xác trước giai đoạn chọn nghề. Ở đây, tư vấn hướng nghiệp có hai hình thức là tư vấn sơ bộ và tư vấn chuyên sâu. Trong điều kiện hiện nay, nhà trường có thể hỗ trợ HS phần nào trong định hướng nghề nghiệp qua hình thức tư vấn sơ bộ. Hình thức này là loại tư vấn đơn giản có thể thực hiện ở nhiều trường vì không đòi hỏi phải có thiết bị, các phương tiện kỹ thuật. Việc xác định những phẩm chất nhân cách của HS không đòi hỏi phải có đội ngũ chuyên gia tư vấn hướng nghiệp tay nghề cao, am hiểu sâu sắc các lĩnh vực tâm sinh lý, giáo dục học, y học, kinh tế học. Ở đây, giáo viên (chủ nhiệm hoặc bộ môn) đóng vai trò “nhà tư vấn” cần có những hiểu biết về yêu cầu của một số ngành nghề ở một số trường hoặc ở địa phương, về nhu cầu nhân lực, về năng lực của HS. Từ đó cho HS lời khuyên nên học nghề gì và học ở đâu. Hoặc là qua những điều giảng giải của giáo viên để HS tự trả lời được ba câu hỏi: Em có muốn (thích) học nghề đó không? Em có khả năng làm nghề đó không? Xã hội, địa phương có cần nghề đó không?
Khi tham gia các hoạt động hướng nghiệp, nhận thức về bản thân mình, về tầm quan trọng của việc lựa chọn nghề nghiệp đối với HS sẽ được nâng cao. Đây là yếu tố quan trọng bậc nhất để các em có thể tiến hành lựa chọn nghề nghiệp một cách đúng đắn, phù hợp. Nếu hoạt động hướng nghiệp không được tiến hành khoa học thì HS sẽ không nhận thức được điều này, sự lựa chọn nghề nghiệp của các em với tư cách là một trong những việc quan trọng nhất của cuộc đời thường dễ tiến hành một cách ngẫu nhiên, cảm tính.
ThS. Nguyễn Thị Mỹ Hạnh
(Giám đốc Trung tâm Tư vấn và đào tạo Ý tưởng Việt)
HS không thể chọn ngành nghề vì môi trường đào tạo
Hướng nghiệp trong trường trung học được thể hiện như một hệ thống tác động sư phạm nhằm giúp cho HS chọn được nghề một cách hợp lý; là một trong những hình thức hoạt động học tập của HS. Qua đó, mỗi HS phải lĩnh hội được những thông tin về nghề nghiệp trong xã hội, đặc biệt là nghề nghiệp ở địa phương, nắm được hệ thống yêu cầu của từng nghề cụ thể mà mình muốn chọn, phải có kỹ năng tự đối chiếu những phẩm chất, những đặc điểm tâm – sinh lý của mình với hệ thống yêu cầu của nghề đang đặt ra cho người lao động… Hoạt động giới thiệu trường đi học chỉ chú trọng việc giới thiệu về các ngành nghề, hoạt động đào tạo ở trường và hiệu quả đào tạo bỏ qua rất nhiều yếu tố về mặt đặc điểm tâm lý, năng lực ở HS. HS không thể chọn ngành nghề vì môi trường đào tạo hay hiệu quả đào tạo, những yếu tố này không thể giúp HS hiểu mình, hiểu yêu cầu của nghề, định hướng cho các em đi vào những lĩnh vực mà xã hội đang có yêu cầu.
|
Bình luận (0)