Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Cấm giao bài tập về nhà cho học sinh sao cho hiệu quả?

Tạp Chí Giáo Dục

Thông tin Sở GD-ĐT cấm giao bài tập về nhà cho học sinh tiểu học học hai buổi ở trường đã làm nức lòng nhiều phụ huynh. Làm sao thực hiện hiệu quả vấn đề này?

Cấm giao bài tập về nhà cho học sinh sao cho hiệu quả?

Học sinh ôn bài ở nhà – Ảnh: Như Hùng

Nhiều ý kiến băn khoăn về cách thực hiện sao cho thật hiệu quả vấn đề này vì các thầy cô giáo lâu nay vẫn có thói quen cho bài tập về nhà.

Phụ huynh quá mệt mỏi

Theo PGS.TS Hoàng Thị Tuyết (khoa Giáo dục tiểu học, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM), việc cấm giao bài tập về nhà với mục tiêu giảm tải cho học sinh là điều rất tốt. Không thể phủ nhận hiện nay nhiều giáo viên cho bài tập quá nhiều, phụ huynh giúp con mà cũng thấy mệt mỏi theo.

Theo văn bản hướng dẫn tổ chức dạy hai buổi/ngày ở bậc tiểu học, buổi học thứ hai được mong đợi là khoảng thời gian để trẻ tự học, củng cố lại kiến thức đã học từ buổi học thứ nhất. Nếu làm được như vậy thì việc cấm giao bài tập về nhà là hoàn toàn khả thi.

Cô Nguyễn Thị Thu, trưởng bộ môn Nghiệp vụ, khoa Giáo dục Tiểu học, trường ĐHSP TP.HCM để thực hiện có hiệu quả việc không giao bài tập về nhà mà vẫn đảm bảo sự sát sao và gắn kết của bố mẹ với nhà trường trong việc giáo dục trẻ thì phải tính đến các phương án như tạo thêm kênh liên kết giữa nhà trường và phụ huynh.

Cần thay đổi quan niệm “bài tập về nhà”

Hiệu trưởng một trường tiểu học cho biết bà vừa có cuộc gặp với các vị phụ huynh và thống nhất thay đổi quan niệm thế nào là bài tập về nhà.

“Đừng quan niệm rằng bài tập về nhà sẽ là những bài Toán, tiếng Anh, tiếng Việt và trẻ sẽ phải vùi đầu vào làm đến khuya. Chẳng hạn giáo viên nói với học sinh rằng “hôm nay con về nhà và kể một câu chuyện cho bố mẹ con nghe nhé" – Đó cũng là một dạng bài tập về nhà chứ. Tôi nói với phụ huynh rằng hãy dành cho trẻ 15-30 phút mỗi ngày để tự học dưới nhiều hình thức và không xem đấy là bài tập về nhà”, vị hiệu trưởng này chia sẻ.

Vị hiệu trưởng này kể, bà trò chuyện cùng một hiệu trưởng trường tiểu học tại Mỹ và nhận được câu trả lời rằng: Chúng tôi cho học sinh bài tập về nhà bằng kiểu: trẻ hãy về nhà và trò chuyện với người thân 15 phút, hôm sau sẽ kể câu chuyện đó với giáo viên chủ nhiệm trên lớp. Đấy là một hình thức gắn kết bố mẹ và con cái. Qua những câu chuyện đó, các con cũng mở mang kiến thức cho mình.

Theo bà Hoàng Thị Tuyết, phụ huynh có thể khuyến khích trẻ dành từ 15 phút đến một tiếng để tự học mỗi ngày vào buổi tối. Trong quá trình này, phụ huynh nên hỗ trợ trẻ, làm sao cho trẻ cảm thấy càng thoải mái, càng nhẹ nhàng càng tốt.

Các hoạt động học tập vào buổi tối không nhất thiết phải là làm bài tập về nhà, có thể là các hoạt động như đọc sách, hay viết những đoạn văn ngắn về một chủ đề nào đó, hoặc làm các bài toán vui, đọc lại bài tập đọc trên lớp,… chỉ cần là một hoạt động nào đấy liên quan đến việc học tập, để trẻ có thói quen là được.

Phụ huynh nên giúp đỡ, hợp tác với nhà trường, không nên để nhà trường nhận mọi trách nhiệm trong việc giáo dục học sinh về các thói quen tốt trong học tập. 

Trước những lo lắng về việc không giao bài tập về nhà sẽ không thể hình thành được thói quen tự học ở trẻ, cô Nguyễn Thị Thu, trưởng bộ môn nghiệp vụ, Khoa Giáo dục tiểu học, trường ĐHSP TP.HCM cho rằng thói quen tự học của một đứa trẻ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, không phải cứ giao bài tập về nhà là trẻ sẽ có thói quen tự học.

Có nhiều bé học hai buổi một ngày ở trường, về nhà phụ huynh còn bắt bé học thêm nhưng cũng không có nghĩa bé có thể hình thói quen này.

Bên cạnh đó, buổi học thứ hai ở trường, các thầy cô cũng đã tập trung vào vấn đề tổ chức, hướng dẫn cho các bé tự học, tự làm bài tập.

Trả lại tuổi thơ cho các em: cần thêm giảm chương trình và đề thi

Chủ trương cấm giao bài tập nhà cho học sinh tiểu học nhận được nhiều sự ủng hộ của các phụ huynh. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng để thực hiện hiệu quả việc này, cần phải giám sát chặt chẽ quy định, cần giảm tải chương trình, đơn giản hóa đề thi và triệu tiêu “căn bệnh thành tích” trong giáo dục.

Bạn đọc Vu Thanh An cho rằng quy định này sẽ “trả lại tuổi thơ cho học sinh” và góp phần giúp trẻ phát triển toàn diện, thay vì chỉ biết học 3 buổi/ngày.

“Con tôi đang học ở một trường tiểu học ở Thủ Đức 2 buổi, tối về còn bị cô giao bài tập nữa. Cô còn nói các em đến học thêm, mới đầu năm mà như vậy rồi…Rất cảm ơn lãnh đạo thành phố ra quy định này”, bạn đọc Quế Anh viết.

Cấm giao bài tập về nhà cho học sinh sao cho hiệu quả?
Một buổi vui chơi cùng thiên nhiên của em bé tiểu học – Ảnh tư liệu

Nhiều bạn đọc khác tán thành chủ trương này vì cho rằng sẽ giúp các cháu cân bằng giữa việc học ở trường và những hoạt động thể chất, tinh thần, gia đình, cộng đồng và xã hội của các cháu.

"Các cháu tiểu học đã phải học hai buổi một ngày, giáo viên phải có trách nhiệm truyền tải hết các nội dung trong ngày cho các cháu. Các cháu đã được làm bài tập ngay tại lớp, không có lý do gì buổi tối về nhà lại tiếp tục hì hục làm bài tập đến đêm. Hãy để thời gian cho các cháu nghỉ ngơi, vui chơi tham gia các môn ngoại khóa như đá bóng, chơi đàn, cờ vua…" 
Bạn đọc Quỳnh Hương

Nhiều bạn đọc cũng cho rằng quan trọng là phải thay đổi luôn cách ra đề thi, ra đề đừng quá nặng, quá nhiều, quá khó theo kiểu đánh đố trẻ, bắt trẻ phải vắt óc ra học mà hãy hỏi các em những câu hỏi đơn giản có lồng ghép kiến thức xã hội vào đề thi.

"Để không giao bài tập về nhà thì nên điều chỉnh lại chương trình trong sách giáo khoa. Đề nghị đề thi và chương trình học nên nhẹ nhàng hơn" – một phụ huynh có con là học sinh lớp 2 đề xuất.

Nhiều độc giả mong muốn quy định này cũng sẽ sớm được áp dụng trên cả nước để trả lại tuổi thơ vui vẻ cho con trẻ.

Có bạn đọc đề xuất: "Phải thay đổi, không nên tạo áp lực quá nhiều cho học sinh và cũng nên nghiên cứu áp dụng luôn cho cấp THCS để các cháu bớt khổ.

Bên cạnh sự vui mừng rất nhiều người đặt câu hỏi nếu thầy cô giáo ở các trường vẫn ra bài tập về nhà cho trẻ thì hình thức xử lý sẽ như thế nào? Ai là người giám sát?

Tất cả các bộ môn khoa học đều có nguồn gốc từ cuộc sống, dù đó là khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội. Vì vậy, lao động hay vui chơi ngoài đời đều là cơ hội tốt để học, và học một cách có kết quả mà không căng thẳng. Không phải ngẫu nhiên mà khái niệm "play to learn" được truyền bá trên khắp thế giới. Đáng tiếc là đến ngày nay vẫn còn rất nhiều người quan niệm rằng phải giam mình và "tụng" trong 4 bức tường, hoàn toàn tách rời khỏi thực tế, thì mới gọi là học".

MAI LAN

VÕ HƯƠNG – AN NHIÊN – MAI NGUYỄN/TTO

 

Bình luận (0)