Đợt mưa lũ từ ngày 2-5/11 đã khiến vùng nuôi trồng thủy sản ở thị xã Sông Cầu (Phú Yên), nơi có sản lượng tôm hùm lớn nhất Việt Nam bị thiệt hại nặng nề.
Tôm hùm chết hàng loạt
Đợt lũ vừa qua, lượng nước ngọt đổ về đầm Cù Mông rất lớn làm ngọt hóa nước đầm, khiến tôm hùm nuôi bị sốc nước, chết hàng loạt. “Tổng số tiền đầu tư hơn 700 triệu đồng, trong đó vay ngân hàng và người quen hơn 100 triệu đồng, còn lại là gia đình tôi tích góp hơn 10 năm nay, giờ thì trắng tay”, ông Nguyễn Xuân Tình ở thôn Hòa Lợi (xã Xuân Cảnh, thị xã Sông Cầu) cho biết.
Vụ nuôi này, gia đình ông Tình nuôi 25 lồng tôm hùm, đến nay tôm từ 3 – 12 tháng tuổi. Các ngày mưa lũ, ông thường xuyên lặn kiểm tra và phát hiện tôm chết nhưng không thể kéo lồng lên mặt nước để kiểm tra kỹ, vì sợ tôm bị sốc nước ngọt ở tầng trên sẽ chết hết. Đến ngày 6/11, ông Tình lặn kiểm tra, thấy tôm hùm của gia đình đã chết hơn 80% số lượng.
Ông Tô Văn Luôn cũng ở thôn Hòa Lợi cho biết, gia đình ông có hơn 3.000 con tôm hùm từ 2-6 tháng tuổi, đến ngày 6/11 tôm chết hơn một nửa và vẫn tiếp tục chết. “Số tiền đầu tư hơn 400 triệu đồng chủ yếu là tiền vay, tôm chết như thế này gia đình tôi không biết lấy gì để trả nợ, chứ đừng nói chuyện đầu tư nuôi lại”, ông Luôn than thở.
Theo ông Tô Ngọc Quân ở thôn Hòa Lợi, trước khi mưa lũ đổ về người nuôi tôm hùm ở đây đã hạ lồng nuôi xuống gần đáy để phòng tránh nước ngọt. Tuy nhiên, lượng nước lũ đổ về quá lớn làm độ mặn của nước ở đầm Cù Mông xuống rất thấp…
Theo Phòng Kinh tế thị xã Sông Cầu, đến chiều ngày 7/11, tổng thiệt hại do lũ lụt gây ra trên địa bàn khoảng 80,5 tỷ đồng, trong đó thiệt hại về nuôi trồng thủy sản hơn 69 tỷ đồng, chủ yếu là tôm hùm nuôi ở đầm Cù Mông.
Riêng tại xã Xuân Cảnh có hơn 360 hộ nuôi bị thiệt hại với khoảng 656.000 con tôm hùm các loại bị chết, ước thiệt hại hơn 53,4 tỷ đồng. Hiện lượng nước ngọt ở tầng nước mặt vẫn nhiều, người nuôi chưa thể kéo lồng lên mặt nước để kiểm tra nhưng họ cho rằng, lượng tôm nuôi bị chết còn ở dưới nước là rất lớn.
Ốc hương, tôm thẻ chung cảnh ngộ
Nhiều diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng ở thị xã Sông Cầu cũng bị nước lũ gây ngập, sạt lở bờ, cuốn trôi làm thiệt hại nặng. Ông Lê Văn Tư ở thôn Hòa Mỹ (xã Xuân Cảnh) cho biết, gia đình ông có một hồ hơn 3.000m2 nuôi tôm thẻ chân trắng, tôm nuôi đã được 2 tháng tuổi, với số vốn đã đầu tư hơn 100 triệu đồng.
Tối ngày 2/11 đến sáng ngày 3/11, nước lũ từ thượng nguồn đổ về gây ngập hồ, tôm nuôi của ông Tư bị nước lũ cuốn trôi gây thiệt hại nặng. Cùng xã Xuân Cảnh, hộ ông Nguyễn Hữu Phận có hai hồ nuôi với diện tích hơn 5.000m2 bị thiệt hại hơn 400 triệu đồng, hộ ông Trương Đình Khoa nuôi với diện tích 3.000m2, bị nước lũ làm sạt lở bờ, tôm nuôi bị cuốn trôi gây thiệt hại hơn 150 triệu đồng…
Trong khi đó, nhiều hộ nuôi ốc hương ở thị xã Sông Cầu cũng trong cảnh trắng tay. Gia đình ông Huỳnh Văn Quân ở thôn Hòa Hiệp (xã Xuân Thịnh) cùng ba gia đình khác hùn nhau nuôi ốc hương, tổng số tiền đã đầu tư vụ này là hơn 1,1 tỷ đồng, ốc nuôi đã được 6 tháng tuổi, đạt kích cỡ khoảng 140-160 con/kg và cũng đến thời kỳ thu hoạch.
Tuy nhiên, do giá ốc hương thương phẩm hạ từ 150.000 đồng/kg (loại 150 con/kg) xuống còn 100.000 đồng/kg nên họ chờ giá tăng lên mới xuất bán. Rủi thay, khi mưa lớn, ngoài nước lũ ở đầm Cù Mông dâng lên, hồ nuôi còn bị một lượng lớn nước mưa từ trên QL1 đổ trực tiếp vào, gây ngọt hóa.
“Chúng tôi đã đổ xuống hồ hàng chục tấn muối nhưng ốc hương vẫn chết sạch, mất trắng”. Ông Quân cho biết. Theo ông Đặng Văn Nhanh ở thôn Hòa Thạnh (xã Xuân Cảnh), gia đình ông nuôi ốc hương với diện tích khoảng 1.500m2, khi nước lũ tràn vào hồ nuôi gia đình vội thu hoạch. Nhưng ốc hương thu hoạch đưa lên bờ đã chết hơn một nửa, còn lại bán với giá từ 20.000 – 50.000 đồng/kg, lỗ vốn hơn 110 triệu đồng…
Ông Lương Công Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu cho biết, đầm Cù Mông rất rộng và dài, nhưng chỉ có duy nhất một cửa đổ ra biển, trong khi đó thượng nguồn rất rộng nên khi có mưa lũ lượng nước ngọt đổ về đầm rất lớn.
Năm 2007, lũ lớn cũng đổ về khu vực đầm Cù Mông và đã gây thiệt hại gần 100% đối với thủy sản nuôi ở đầm này. UBND thị xã đã chỉ đạo tổ chức kê khai thiệt hại cụ thể để báo cáo lên trên xem xét, có chính sách hỗ trợ kịp thời, đồng thời kiến nghị UBND tỉnh có ý kiến đối với các ngân hàng cho vay nuôi trồng thủy sản có chính sách khoanh nợ, giãn nợ và tiếp tục cho vay để bà con tái sản xuất.
Mưa lũ gây thiệt hại gần 600 tỷ đồng
Ngày 7/11, Chi cục phòng chống thiên tai khu vực miền Trung-Tây Nguyên (đóng tại Đà Nẵng) cho biết: có 6 hồ chứa thủy điện vừa và lớn trong khu vực đang vận hành xả lũ với tổng lượng xả trên 200 m3/s, trong đó có 3 hồ xả với lưu lượng lớn là: thủy điện sông Ba Hạ có tổng lượng xả 700 m3/s; thủy điện Buôn Kuốp có tổng lượng xả 1.444 m3/s; thủy điện Srêpốk 3 có tổng lượng xả 1.400 m3/s.
Theo báo cáo nhanh của các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, tính đến 7 giờ ngày 7/11 đã có 15 người chết, 6 người mất tích và 20 người bị thương do mưa lũ. 225 nhà dân thiệt hại hoàn toàn (trên 70%). Tổng thiệt hại ban đầu trên 590 tỷ đồng (Quảng Bình: 55 tỷ; Quảng Trị: 95 tỷ; Phú Yên: 311,5 tỷ; Khánh Hòa: 124 tỷ; Kon Tum: 5,038 tỷ). Tỉnh Phú Yên đề nghị hỗ trợ 1.100 tấn gạo cứu đói (hỗ trợ cho 11.200 hộ /33.600 nhân khẩu); 1.000kg Cloramine B; 30.000 viên Aquatabs; 500 lít Permethrin; 10 máy phun ULV…
Nguyễn Thành
Ngọc Chung (TPO)
Bình luận (0)