Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Người dân có thể kiểm tra nguồn gốc thịt bằng smartphone

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 18/11, Sở Công thương TPHCM đã thông báo tiến độ triển khai kế hoạch thực hiện Đề án Quản lý, nhận diện và truy suất nguồn gốc thịt heo. Theo đó, đến ngày 10/12, người dân có thể dùng điện thoại thông minh để truy suất nguồn gốc thịt heo tại nhiều hệ thống siêu thị lớn và một số chợ trên địa bàn thành phố.
Thời gian tới, người kinh doanh sẽ dán tem nhận diện để khách hàng truy suất nguồn gốc thịt heo.
Thời gian tới, người kinh doanh sẽ dán tem nhận diện để khách hàng truy suất nguồn gốc thịt heo.

Hiện tại, đã có 24 công ty, HTX tham gia đề án với gần 1.000 trang trại, cung ứng tối đa sản lượng 10.000 con heo/ngày; 17 cơ sở giết mổ đăng ký thực hiện, trong đó mới có 4 cơ sở của TP gồm: Xuyên Á, Vissan, Cửa hàng thực phẩm Bình Đông và Trung tâm giết mổ gia súc Bình Tân. Đề án cũng được triển khai tại 2 chợ đầu mối Hóc Môn và Bình Điền, 4 chợ lẻ gồm Bến  Thành, Thái Bình, An Đông, Hòa Bình cùng với 59 siêu thị với 338 điểm bán.

Theo Sở Công thương, mỗi con heo trước khi xuất chuồng, chủ trang trại đeo hai vòng nhận diện nguồn gốc vào hai chân của chúng. Bước kế tiếp là kích hoạt để theo dõi các thông tin di chuyển heo từ trang trại đến lò giết mổ, xẻ thịt, đưa về chợ đầu mối, hệ thống siêu thị, chợ lẻ, điểm bán.

Tại các điểm bán lẻ, tiểu thương được cấp tem, rồi phải kích hoạt tem nhận diện trên mỗi miếng thịt. Sau đó đến lượt người dùng sử dụng điện thoại thông minh đã được cài đặt ứng dụng đọc mã vạch trên tem truy xuất nguồn gốc thịt heo. Người dùng sẽ được cung cấp bao gồm tên trang trại/lò giết mổ, thời gian xuất trại, thời gian giết mổ, quầy sạp nhập vào…

Trả lời câu hỏi, vậy thịt heo có an toàn hay không? Ông Nguyễn Ngọc Hòa – Phó giám đốc Sở Công thương cho biết: “Muốn biết thịt có thực sự sạch, an toàn hay không thì phải chờ đến giai đoạn 2. Còn ở giai đoạn này, người tiêu dùng chỉ mới biết nguồn gốc thịt từ đâu, còn heo được cho ăn gì thì bây giờ chưa truy suất”. Cũng theo ông Hòa, thời gian thực hiện giai đoạn 2 là sau 6 tháng đến 1 năm, khi giai đoạn 1 được triển khai trên diện rộng.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa thông tin thêm, hiện đề án đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, đến thời điểm này chưa có cơ sở chăn nuôi, hộ cá thể nào đăng ký tham gia đề án; việc vận động thương lái tham gia cũng rất khó khăn do họ không có giấy phép đăng ký kinh doanh, không có tổ chức pháp nhân nên rất khó để tiếp cận tuyên truyền. Thêm nữa, hoạt động giết mổ lậu vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm, ảnh hưởng đến công tác triển khai đề án…

Uyên Phương/ TPO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)