Nam bộ chuyển mùa mưa từ đầu tháng 5
Không khí lạnh hoàn toàn suy yếu, trong 4 ngày tới thời tiết miền Bắc và miền Trung chịu ảnh hưởng bởi áp thấp nóng từ phía tây lấn sang, nhiệt độ tăng mạnh, bắt đầu đợt nắng nóng đầu tiên trong năm nay.
Ảnh minh họa: Đào Ngọc Thạch
Nơi nóng nhất trên cả nước là vùng phía tây của miền Bắc và miền Trung, nhiệt độ cao nhất 35 – 37oC, một số nơi có thể trên 38oC, nắng nóng từ sau 10 giờ đến 16 giờ.
Các tỉnh phía đông thì 33 – 35oC. Giữa đến cuối tuần sau, sẽ có một đợt không khí lạnh từ phía bắc đẩy rãnh áp thấp xuống nước ta, độ bất ổn định tăng mạnh làm cho thời tiết chuyển mưa rào, giông vào chiều tối và đêm về sáng, đề phòng sét và lốc xoáy có khả năng xảy ra.
Khu vực miền Trung nắng nhiều và bắt đầu khô nóng, vùng núi phía tây Nghệ An, Hà Tĩnh nắng nóng gay gắt 35 – 37oC, vùng ven biển và Tây nguyên thời tiết dễ chịu hơn, hầu hết nắng cả ngày với nhiệt độ 31 – 34oC. Ngày 12 và 13.4, từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế có mưa rào và giông, đề phòng lốc xoáy.
Đối với miền Nam, do rãnh áp thấp suy yếu nên mưa trái mùa có xu hướng giảm những ngày cuối tuần đến đầu tuần sau, nắng nhiều với cường độ bức xạ tăng mạnh nên miền Đông nắng nóng, tại Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Dương và TP.HCM, nhiệt độ cao nhất có ngày đạt tới 35 – 37oC hoặc cao hơn, ngoài trời nhiệt độ cảm giác như là 38 – 39oC. Thời gian nắng nóng cao điểm là từ 10 đến 15 giờ, tia tử ngoại mạnh có thể gây hại cho sức khỏe khi ở ngoài trời quá lâu, cần chú ý bảo vệ sức khỏe nhất là mắt, da và đối với người có bệnh huyết áp cao, tim mạch.
Miền Tây cũng bắt đầu vào giai đoạn nóng và oi bức, nhất là Long An, An Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long với nhiệt độ 34 – 35oC. Do những nhiễu động từ biển theo đới gió đông nam vào đất liền nên về chiều tối và đêm có mưa, giông chủ yếu ở bắc miền Đông, TP.HCM, vùng ven biển Kiên Giang, Cà Mau.
Khoảng ngày 11 – 12.4 xuất hiện gió tây nam yếu ở tầng thấp, sau đó gió quay sang đông đến đông bắc tới 23.4. Sự thay đổi gió tuy chưa đủ mạnh nhưng cho thấy dấu hiệu khoảng gần cuối tháng 4 sẽ chuyển mùa, như vậy khả năng mùa mưa có thể đến sớm hơn bình thường khoảng 1 tuần.
Từ đầu tháng 5 trở đi, lần lượt các tỉnh thành Nam bộ sẽ bắt đầu vào mùa mưa với những cơn mưa giông đầu mùa luôn tiềm ẩn nguy hiểm do sét, lốc xoáy, gió giật, có nơi xuất hiện mưa đá. Do vậy cần chú ý đề phòng, khi trời chuyển giông với mây đen kéo đến (trước cơn giông trời rất oi bức, có khả năng nghe tiếng gió rít từ xa) là phải tìm ngay nơi trú ẩn an toàn.
Đợt triều cường sắp tới giữa tháng 3 âm lịch, kết hợp gió chướng nên mặn có thể tăng trở lại nhưng vẫn ở mức thấp hơn so với cùng thời kỳ năm 2016.
Theo dự báo, ở Bến Tre mặn xâm nhập sâu nhất xuất hiện trong các ngày 8 – 10.4, độ mặn 40/00 có khả năng xâm nhập sâu 34 – 36 km trên sông Cửa Đại, 36 – 38 km trên sông Hàm Luông và 40 km trên sông Cổ Chiên. Tỉnh Hậu Giang độ mặn trên sông Cái Lớn tăng đáng kể. Như vậy, đến cuối tháng 4 xâm nhập mặn ở ĐBSCL vẫn có khả năng ảnh hưởng đến nguồn nước sản xuất và sinh hoạt của người dân trong phạm vi cách biển 20 – 25 km.
Thời tiết thay đổi thất thường trong giai đoạn giao mùa, nắng nóng rồi mưa giông… nên trong những ngày tới cần lưu ý bệnh đạo ôn lá tiếp tục phát sinh gây hại tăng nhanh trên lúa giai đoạn đẻ nhánh – làm đòng tập trung nhiều ở Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa.
Ở Nam bộ, sau đợt mưa trái mùa kéo dài quá bất thường, bệnh rầy nâu tiếp tục phát tán nên cần xuống giống né rầy để tránh bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá, đặc biệt chú ý trên lúa hè thu có thể bệnh đạo ôn lá và muỗi hành (sâu năn).
Đối với các vườn điều, ngoài bọ xít muỗi tiếp tục hại trên các diện tích chưa được phun trừ, có chồi non hoặc quả non, cần chú ý một số dịch hại như thán thư, bọ trĩ.
Từ cuối tuần sau có thể mưa trái mùa trở lại, làm giảm quá trình thụ phấn và đậu trái, rụng hoa và trái non của các vườn cây ăn trái như xoài, chôm chôm, nhãn và cà phê, do vậy cần bổ sung thêm dinh dưỡng cho cây, gom lá khô và cỏ dại đốt hun khói vào buổi chiều tối để xua đuổi bọ xít muỗi đến gây hại.
Chuyên gia Lê Thị Xuân Lan
Bình luận (0)