Y tế - Văn hóaThư giãn

Phim hoạt hình nhiều cảnh hở hang, thô tục trên HTV3

Tạp Chí Giáo Dục

Cùng đứa cháu xem qua một phần tập 2 của bộ phim hoạt hình Bảy viên ngọc rồng đang chiếu trên kênh HTV3, bà Kim Ánh khá bất ngờ vì có nhiều cảnh hở hang, đối thoại thô tục không nên để trẻ em xem.
Phim hoạt hình nhiều cảnh hở hang, thô tục trên HTV3
Một hình ảnh từ phim hoạt hình không phù hợp với trẻ em phát trên HTV3 – Ảnh chụp từ màn hình TV

Bà Kim Ánh (57 tuổi, quê An Giang) khá bất ngờ, bởi các cháu vẫn thường hay xem phim hoạt hình được nhà đài chiếu. Bà đã phải chuyển kênh và thốt lên: “Tôi không thể để các cháu xem qua bộ phim hoạt hình có nhiều cảnh hở hang, đối thoại thô tục không phù hợp cho trẻ như thế này”. Bà còn gọi điện cho một người con khác cảnh báo tránh cho trẻ xem phim.

Vừa được chiếu lại trên sóng HTV3 từ ngày 30-5, bản phim Bảy viên ngọc rồng có khá nhiều cảnh không nên để trẻ em xem. Chuyển thể từ bộ truyện tranh cùng tên của Nhật, bên cạnh yếu tố bạo lực đã được cảnh báo từ nhiều năm trước, phim còn mang nhiều yếu tố văn hóa khác biệt với văn hóa người Việt.

Nhà đài khi chiếu tuyệt nhiên cũng không kèm cảnh báo có cảnh bạo lực, hay yêu cầu người lớn giám sát trẻ.

Xem vài đoạn clip thu lại trên đài, một phụ huynh bày tỏ: “Thật hết sức bậy bạ khi để trẻ con căng mắt nhìn vào những hình ảnh này”. Như một cảnh trong tập 1, nhân vật cậu bé Son Goku dùng gậy vén cao chiếc váy của nhân vật nữ để xem… có đuôi hay không.

Còn trong tập 2, có nhiều cảnh trong phim mô tả các nhân vật tắm, cởi truồng; cảnh nhân vật nữ nằm hở hang đùi, ngực trong bồn tắm…

Chưa kể, phần đối thoại giữa các nhân vật chỉ hài hước đối với khán giả là người lớn, hoàn toàn không phù hợp với trẻ em.

Phụ huynh phát hoảng khi nghe nhân vật nữ vô tư đối thoại rằng ngực của phụ nữ được trẻ em và những thằng con trai yêu thích. Cậu bé Son Goku nhìn phụ nữ tắm và nhận ra phụ nữ khác đàn ông vì đem mông lên phía trên (ngực). Cô gái nói: “Mình chỉ biết đàn ông có mỗi cái đuôi ở phía trước”…

Đặc biệt, trong tập 2 của phim còn có cảnh rất phản cảm. Nhân vật cậu bé thức dậy vào buổi sáng sớm bên cạnh nhân vật nữ ngủ hớ hênh lộ cả quần lót ra ngoài. Cậu bé liền nằm gối đầu lên phần bụng dưới của cô gái, sau đó là… chạm tay vào vùng kín khám phá (!).

Phụ huynh không khỏi ngỡ ngàng đặt câu hỏi tại sao hình ảnh phản cảm trên lại được người ta cho trình chiếu trên truyền hình, lại là khung giờ phim hoạt hình cho đối tượng trẻ em? Những đứa trẻ non nớt sẽ học được gì với những hình ảnh, chi tiết này?

Khi phim chiếu trên truyền hình cho cả đối tượng thiếu nhi xem, việc giữ cho ngôn ngữ, hình ảnh sạch sẽ là cần thiết. Bởi trẻ sẽ dễ bắt chước câu nói, hành động của nhân vật trong phim. Nhiều gia đình thường mở kênh phim hoạt hình cho trẻ xem như một cách để “trông giữ” trẻ tại chỗ. Việc nhà đài thiếu cẩn trọng, phụ huynh thiếu kiểm soát có thể gây hậu quả xấu, ảnh hưởng đến tâm lý trẻ.

Phụ huynh Việt cũng thường mặc định phim hoạt hình là dành cho thiếu nhi nên yên tâm về nội dung, nhưng xem ra cần phải quan tâm tìm hiểu, chọn lọc hơn khi mở phim cho con xem.

Tại Nhật, phim hoạt hình, truyện tranh rất phổ biến, là sở thích của nhiều độ tuổi, kể cả người lớn. Khi nhà nhập khẩu mua bản quyền và phát sóng cho đủ loại đối tượng, trong đó có trẻ em, thiết nghĩ nhà đài phải biên tập kỹ lại nội dung, xử lý kỹ thuật hình ảnh cho phù hợp văn hóa, tâm lý… của người Việt.

Sẽ xem xét lại nội dung phim Bảy viên ngọc rồng

Ghi nhận và cảm ơn ý kiến đóng góp của khán giả, trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Thị Ngọc Cầm – trưởng phòng chương trình Công ty Purpose Media, đối tác liên kết của Đài truyền hình TP.HCM trong việc sản xuất và phát sóng chương trình trên HTV3 – cho biết: “Bảy viên ngọc rồng là bộ phim hoạt hình nổi tiếng của Nhật Bản, được phát sóng ở nhiều nước trên thế giới và ở Việt Nam. Dù ở nước nào phim cũng nhận được sự đón nhận nhiệt tình của khán giả. Tiếp thu ý kiến của khán giả, chúng tôi sẽ xem xét lại phần nội dung và biên tập lại cho phù hợp hơn với đối tượng khán giả nhỏ tuổi”.

Đại diện của Purpose Media cũng thông tin thêm kênh HTV3 hiện đang trong giai đoạn tái cấu trúc. Các nội dung đang phát hiện tại vẫn chủ yếu được mua bản quyền và sản xuất từ nước ngoài. Thời gian tới, 90% nội dung của kênh truyền hình dành cho đối tượng khán giả nhỏ này sẽ được phát triển và sản xuất trong nước để ngày càng thiết thân với trẻ em Việt Nam hơn.

Q.N. ghi

 

KHÔI NGUYÊN (TTO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)