Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Đầu tư bồi dưỡng chuyên môn

Tạp Chí Giáo Dục

Bồi dưỡng chuyên môn là một công việc quan trọng của nhà quản lý giáo dục, nhất là trong công cuộc đổi mới giáo dục hiện nay. Giáo dục TP.HCM đã có cuộc trò chuyện với TS. Huỳnh Công Minh (Chủ tịch Hội đồng cố vấn chuyên môn Trường THCS, THPT Quang Trung – Nguyễn Huệ, TP.HCM) xung quanh vấn đề này.

Công tác bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên chỉ thành công khi đơn vị có cán bộ quản lý quan tâm, đầu tư đúng mức (ảnh minh họa). Ảnh: N.Trinh

– TS. Huỳnh Công Minh nói: Tu nghiệp, bồi dưỡng chuyên môn kỹ thuật cho lực lượng lao động là một hoạt động vô cùng cần thiết để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, cập nhật kỹ thuật tiên tiến trong thời đại ngày nay. Đặc biệt, lực lượng lao động ấy là thầy cô giáo đào tạo ra những con người sáng tạo, đón đầu, đáp ứng yêu cầu phát triển tương lai của xã hội trong xu thế đổi mới, hội nhập quốc tế hiện nay.

Quán triệt tinh thần Nghị quyết 29 TW 8 khóa XI, giáo dục nước nhà phải đổi mới căn bản và toàn diện, đổi mới các yếu tố căn bản của sự nghiệp giáo dục và đổi mới đồng thời các thành tố giáo dục như mục tiêu đào tạo, nội dung giáo dục, phương pháp dạy học, thiết chế tổ chức nhà trường và phương thức thi cử đánh giá. Trong khi đó, lực lượng sư phạm hiện có trong nhà trường hầu hết được học tập, đào tạo và trải nghiệm trong thời gian dài với hệ thống giáo dục cũ không còn phù hợp cần phải đổi mới mạnh mẽ và kịp thời, không thể trong một thời gian ngắn ngủi lực lượng sư phạm ấy có thể tự thay đổi ngay được để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ có tính quyết định cho sự thành công của công cuộc đổi mới.

PV: Như vậy, chúng ta phải làm gì về công tác bồi dưỡng giáo viên, thưa ông?

– Chúng ta phải nhận thức một cách đầy đủ về công tác bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên và cán bộ quản lý của ngành. Từ đó xây dựng kế hoạch, lộ trình bồi dưỡng một cách khoa học và hiệu quả, nhằm nâng cao năng lực của đội ngũ sư phạm địa phương lên một đẳng cấp mới, cập nhật với tình hình và nhiệm vụ hiện nay.

Ông có thể nói rõ hơn về kế hoạch và lộ trình bồi dưỡng sao cho khoa học, hiệu quả?

– Trước hết các cấp quản lý phải xác định rõ yêu cầu nhiệm vụ đổi mới. Tiếp đến là nắm rõ thực trạng của đội ngũ, tìm khoảng cách giữa tình hình và yêu cầu nhiệm vụ để xác định nội dung bồi dưỡng. Từ yêu cầu nội dung bồi dưỡng, chúng ta chọn phương thức và thời gian bồi dưỡng thích hợp, xây dựng lực lượng bồi dưỡng, hình thành kế hoạch bồi dưỡng một cách khoa học và hiệu quả.

Tính khoa học của công tác bồi dưỡng được đề cập ở đây là sự phù hợp, thu hút người được bồi dưỡng. Vì lực lượng bồi dưỡng khác với lực lượng đào tạo, tính thuần nhất không cao nên báo cáo đại trà thường không thu hút sự quan tâm hợp tác của người được bồi dưỡng như tổ chức workshop cho từng nhóm đối tượng giống nhau.

Tính hiệu quả của công tác bồi dưỡng thường được đánh giá qua sự hưởng ứng và thu hoạch được từ người được bồi dưỡng. Kinh nghiệm cho thấy những đợt bồi dưỡng trước đây, hầu hết đều mang tính hình thức, chưa có tác động thiết thực đến hoạt động giáo dục thực tế trong nhà trường.

Theo ông, nội dung bồi dưỡng cần thiết hiện nay là gì?

– Nội dung bồi dưỡng có thể phân thành hai loại: Bồi dưỡng căn bản giúp cho các nhà sư phạm nắm rõ được quy luật nhận thức, hình thành nhân cách học sinh và bồi dưỡng kỹ năng giúp cho các thầy cô giáo nâng cao năng lực tổ chức cho tất cả học sinh trong lớp học tập một cách chủ động và tích cực.

Triết học  Mác – Lênin và tâm lý học đều chỉ ra rằng nhận thức là một quá trình phát triển, từ nông đến sâu, từ cảm tính đến lý tính, từ thực tế khách quan đến tư duy trừu tượng và hình thành nhân cách tốt nhất là qua trải nghiệm, hành vi thành thói quen, thói quen thành nhân cách… Thế nhưng các nhà sư phạm của chúng ta thường không giải thích được ý nghĩa giáo dục hiện đại của các trường quốc tế thông qua hoạt động vui chơi hơn là học tập hoặc bắt chước một cách hình thức không nắm được bản chất vấn đề để phát huy đúng mức ý nghĩa giáo dục mà các trường quốc tế áp dụng.

Qua bồi dưỡng, chúng ta phải làm cho mỗi thầy cô giáo trở thành những nhà giáo dục thực thụ thoát ra khỏi hình ảnh của người thợ dạy ngày nay. Mỗi nhà giáo dục đều có năng lực và điều kiện để quyết định những giải pháp giáo dục của mình trước mọi tình huống khác với người thợ dạy phải chờ chỉ dẫn hoặc sao chép máy móc nên khó phù hợp với đối tượng giáo dục cụ thể mà mình phụ trách.

Dạy học ngày nay là tổ chức, hướng dẫn cho học sinh học tập nên công tác bồi dưỡng giáo dục là phải cung cấp cho thầy cô giáo những kỹ năng cần thiết cho việc tổ chức hoạt động của lớp học từ kỹ năng xác định mục đích yêu cầu giờ dạy, kỹ năng nắm bắt tình hình lực lượng học sinh trong lớp và kỹ năng tổ chức hoạt động để cả lớp đạt được yêu cầu mục tiêu đào tạo.

Các hình thức bồi dưỡng phổ biến thường được áp dụng là gì, thưa ông?

– Có thể nêu cơ bản ba hoạt động bồi dưỡng phổ biến: Một là bồi dưỡng tập trung định kỳ như bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng hè… nhằm giải quyết những vấn đề chung như thực hiện cải cách giáo dục, thực hiện nhiệm vụ năm học mới; hai là bồi dưỡng chuyên đề theo từng yêu cầu nhiệm vụ của địa phương, đơn vị hay cụm trường; ba là tự bồi dưỡng theo yêu cầu của cá nhân hay đơn vị trong quá trình công tác và hoạt động.

Mỗi loại bồi dưỡng đều có thể áp dụng các hình thức sau đây tùy theo đặc điểm đối tượng bồi dưỡng, nội dung yêu cầu và thời gian bồi dưỡng như thuyết giảng, phổ biến đồng loạt; hội thảo, workshop, tọa đàm từng nhóm nhỏ; hay tham quan, thuyết trình, trao đổi.

Theo ông, vai trò của trường bồi dưỡng giáo dục quận/huyện hiện nay thế nào?

– Trường bồi dưỡng giáo dục quận/huyện là một tổ chức được thành lập để giúp cho cấp quản lý giáo dục quận/huyện làm công tác bồi dưỡng nâng cao năng lực giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển của ngành mỗi ngày một cao hơn. Với chức năng nói trên, trường bồi dưỡng giáo dục quận/ huyện có vai trò rất quan trọng trong công cuộc đổi mới hiện nay của ngành. Tuy nhiên, sự quan trọng ấy chỉ có giá trị khi nhân sự và năng lực của trường bồi dưỡng có khả năng tổ chức thực hiện chức năng bồi dưỡng đạt yêu cầu khoa học và hiệu quả như đã nói trên.

Ngoài những yêu cầu bồi dưỡng mang tính chủ trương chung thì bồi dưỡng chuyên đề đáp ứng yêu cầu cụ thể của địa phương đơn vị dưới hình thức workshop và tự bồi dưỡng của cá nhân giáo viên theo yêu cầu của nhà trường thông qua công tác hàng ngày là những hoạt động bồi dưỡng có tác dụng nâng cao năng lực của đội ngũ tốt nhất.

Thưa ông, những khó khăn trong công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ chúng ta thường gặp phải là gì?

– Xác định nội dung và hình thức bồi dưỡng phù hợp là khó khăn nhất nhưng rất quan trọng, nếu vượt qua được khó khăn này thì hoạt động bồi dưỡng sẽ thành công. Một khó khăn khác là thói quen, quán tính cũ trong nhận thức của giáo viên, ấn tượng về những đợt bồi dưỡng mang tính hình thức vô bổ trước đây đã làm ảnh hưởng không ít đến ý thức và thái độ tham gia bồi dưỡng của giáo viên.

Ông đánh giá như thế nào về công tác bồi dưỡng trong hệ thống quản lý chung của ngành?

– Thật ra, công tác bồi dưỡng giáo dục chính là công tác tu nghiệp trong hoạt động tất yếu của người giáo viên và cán bộ quản lý của ngành do các trường sư phạm thực hiện thường xuyên và định kỳ. Trong điều kiện hiện nay, công tác bồi dưỡng phải do các cấp quản lý đảm trách, đây là một khó khăn nên chỉ thành công ở những đơn vị có cán bộ quản lý quan tâm và đầu tư đúng mức.

Xin cảm ơn ông!

Phan Ngọc Quang (thực hiện)

Bình luận (0)