Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Trường nghề đầu tư ngành mới hút người học

Tạp Chí Giáo Dục

Trước thực trạng một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp đỏ mắt tìm người học, nhiều trường đã đi tắt đón đầu mở chuyên ngành mới để hút người học, đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực của thành phố.

Hiện nay, nhiều học sinh quan tâm đến nhóm ngành kỹ thuật tại các trường CĐ, TC nghề. Ảnh: T.Tri

Đón đầu với chuyên ngành mới

Theo ông Trần Anh Tuấn (Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM), tổng chỉ tiêu tuyển sinh nhóm ngành kinh doanh và quản lý gấp 3,41 lần chỉ tiêu tuyển sinh của nhóm ngành kỹ thuật. Điều này cho thấy sự mất cân đối trong tuyển sinh đào tạo giữa các ngành. Nhóm ngành kinh tế đào tạo quá nhiều dẫn đến sự dư thừa lao động, trong khi đó nhóm ngành kỹ thuật đang thiếu trầm trọng.

Nắm bắt được nhu cầu đó, năm 2017, nhiều trường CĐ, TC nghề đã mở chuyên ngành mới hoặc nâng cao chất lượng đào tạo các ngành cũ nhằm phục vụ thị trường lao động trình độ TC và CĐ. Ông Đinh Văn Đệ (Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng) cho biết năm nay trường tuyển sinh chuyên ngành mới là thang cuốn và thang máy, thuộc ngành cơ điện tử. Theo khảo sát, nhu cầu lao động kỹ thuật chuyên ngành này rất cao và hứa hẹn là một ngành có nhiều cơ hội để phát triển. Tương tự, TS. Nguyễn Thị Hằng (Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ nghệ II) cũng cho biết, ngành ứng dụng phần mềm của trường đào tạo theo chương trình Úc là ngành mới, thu hút khá đông người học.

Ngành kỹ thuật mạng ngoại vi và thiết bị đầu cuối cũng là một ngành mũi nhọn được các trường đầu tư với nhiều chuyên ngành đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao của thành phố. Tại Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật TP.HCM, ngành này được đào tạo theo chương trình tiên tiến của Singapore.

Ngoài nhóm ngành sức khỏe như: y sĩ, dược sĩ, điều dưỡng và hộ sinh luôn tuyển vượt chỉ tiêu, mùa tuyển sinh này Trường TC Bách khoa Sài Gòn cũng tuyển sinh ngành mới là kỹ thuật phục hình răng. Ngoài ra, trường này còn đào tạo ngắn hạn từ 3,5 tháng đến 6 tháng các chương trình: Quản lý trường mầm non, nghiệp vụ cấp dưỡng ở trường mầm non, nghiệp vụ nuôi dạy trẻ (tốt nghiệp THCS trở lên), chứng chỉ điều dưỡng (tốt nghiệp TCCN trở lên các ngành y sĩ, hộ sinh, kỹ thuật viên y khoa), y sĩ định hướng y học cổ truyền và y sĩ định hướng y học dự phòng (tốt nghiệp TCCN ngành y sĩ).

“Tổng chỉ tiêu tuyển sinh nhóm ngành kinh doanh và quản lý gấp 3,41 lần chỉ tiêu tuyển sinh của nhóm ngành kỹ thuật. Điều này cho thấy sự mất cân đối trong tuyển sinh đào tạo giữa các ngành”, ông Trần Anh Tuấn (Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM) nói.

Theo đại diện nhiều trường, trong khoảng 2 năm trở lại đây, các ngành chế biến lương thực thực phẩm, kiểm nghiệm chất lượng lương thực thực phẩm, công nghệ kỹ thuật môi trường, công nghệ sinh học… có số lượng học sinh đăng ký học đông. Bà Hằng cho rằng đó là hiệu ứng tích cực trong phối hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp. “Để hạn chế tình trạng thừa thầy thiếu thợ, mất cân đối lao động giữa các ngành nghề, tránh lãng phí, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp cần khảo sát, đào tạo theo đơn đặt hàng, đào tạo đúng địa chỉ”, bà Hằng nói.

Không lo thất nghiệp

Ông Nguyễn Quang Nguyên (Phó Trưởng khoa Điện – Điện tử viễn thông, Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật TP.HCM) cho biết đối với bậc TC, ngành điện ra trường có việc làm ngay với mức lương cao. Ngoài ngành điện, cơ khí cũng là một trong những ngành có tỷ lệ học sinh ra trường có việc làm cao. Ông Nguyên khẳng định: “Các công ty xây dựng có nhu cầu sử dụng nhân sự kỹ thuật điện công trình thường xuyên gọi điện nhờ chúng tôi tìm giúp sinh viên mới ra trường. Lao động chuyên môn ở trình độ này mà thất nghiệp là vì họ không muốn đi làm”. Trong khi đó, kỹ sư điện Nguyễn Ngọc Tri (Công ty TNHH BHT, TP.HCM) cho hay với mức lương khởi điểm từ 6-8 triệu đồng/tháng, các bạn trẻ mới ra trường dễ dàng tìm được một vị trí có cơ hội thăng tiến. Tuy nhiên, bản thân các bạn phải chứng minh được khả năng chuyên môn và các kỹ năng cần thiết.

Ông Trần Anh Tuấn cũng khẳng định, nhóm ngành cơ khí, kỹ thuật, sức khỏe và dịch vụ ra trường sẽ có việc làm ngay. Để có cơ hội thăng tiến hơn nữa trong nghề nghiệp, người học cần trang bị kiến thức ngoại ngữ, học liên thông…

Tại buổi làm việc giữa Sở LĐ-TB&XH và các trường CĐ, TC nghề về công tác tuyển sinh, đại diện các trường cho biết trong khoảng 2 năm trở lại đây, nhóm ngành công nghệ – kỹ thuật và nhóm ngành du lịch – dịch vụ là những nhóm ngành có nhiều người đăng ký học. Và đây cũng là những ngành ra trường có việc làm ngay. Ông Nguyễn Văn Lâm (Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) cho biết đây cũng là nhóm ngành nghề mà thành phố đang đầu tư để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực của thành phố giai đoạn từ nay đến năm 2020 và xu hướng đến năm 2025.

T.Anh

Bình luận (0)