Nhiều trường THPT tại TP HCM, nhất là những trường đang hoạt động theo mô hình tiên tiến, muốn đề xuất nhập khẩu chương trình quốc tế
Trong buổi gặp gỡ nhân ngày Nhà giáo Việt Nam vừa qua, ThS Hà Hữu Thạch, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3, TP HCM), đã đề xuất nhập khẩu chương trình tiên tiến dạy song song với chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT).
Ngăn chảy máu chất xám
Theo ông Thạch, Trường THPT Lê Quý Đôn mỗi năm giảm gần 3 lớp học vì học sinh (HS) đi du học, chủ yếu là qua Mỹ. Mặc dù có những HS đã học 2 năm tại Việt Nam nhưng khi ra nước ngoài, các em không được học chuyển tiếp mà phải học lại từ đầu theo chương trình của nước sở tại quy định.
Cô và trò Trường THPT Lê Quý Đôn (TP HCM) Ảnh:TẤN THẠNH
Điều này khiến HS thiệt thòi khi tốn nguồn kinh phí để học lại. Chính vì thế, nhà trường đề xuất nhập khẩu chương trình tiên tiến ở nước ngoài, có thẩm định của các cơ quan quản lý để dạy song song với chương trình của Bộ GD-ĐT. Khi đó, kết thúc bậc phổ thông, HS được cấp 2 bằng là bằng của Bộ GD-ĐT Việt Nam và bằng quốc tế. Như vậy, vừa tạo điều kiện giữ lại nguồn chất xám cho các trường phổ thông đồng thời nếu đi du học, HS cũng có quyền được học chuyển tiếp vì chương trình và bằng cấp được quốc tế công nhận.
Theo số liệu từ các trường phổ thông, tình trạng HS đi du học ngay từ bậc học này ngày càng nhiều, nhất là những trường có đầu vào cao, gia đình HS có điều kiện. Theo ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10), mỗi năm, trường cũng "mất" khoảng 30-40 HS do đi du học. "Phần đông những trường hợp này nằm trong diện nhà có điều kiện nên các em có cơ hội là đi ngay" – ông Phú cho biết.
Không thể "giẫm chân tại chỗ"
TP HCM có 3 trường THPT đang hoạt động theo mô hình trường tiên tiến là Trường THPT Nguyễn Du (quận 10), THPT Nguyễn Hiền (quận 11) và Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3). Thế nhưng, từ năm 2015 – năm bắt đầu được phê duyệt mô hình – đến nay, có trường hoạt động dễ dàng, ngược lại cũng có trường chật vật, khó khăn. Trong đó, đáng nói nhất là Trường THPT Lê Quý Đôn, đã vươn lên nằm trong tốp đầu các trường có điểm đầu vào lớp 10 cao nhất. Trường THPT Nguyễn Du năm qua đã tăng điểm tuyển sinh. Riêng Trường THPT Nguyễn Hiền, có năm điểm chuẩn tuyển sinh vào lớp 10 giảm thê thảm.
Ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, cho rằng mô hình trường tiên tiến là mục đích, xu hướng tốt của giáo dục vì trong điều kiện phát triển không thể để các trường dàn hàng ngang đi. Tuy nhiên, cần phải có quá trình tổng kết để biết hướng đi tiếp theo sẽ thế nào, cần bổ sung gì. "Theo tôi được biết, hiện nay, trường tiên tiến mới chỉ có khác biệt về sĩ số, cơ sở vật chất; còn chất lượng, chương trình vẫn phải nhờ hết vào giáo viên và HS" – ông nói.
Theo ông Huỳnh Thanh Phú, việc nhập khẩu chương trình tiên tiến để dạy song song với chương trình phổ thông của Bộ GD-ĐT hoàn toàn là ý tưởng tốt trong điều kiện mô hình trường tiên tiến chưa thật sự rõ ràng như hiện nay. Tuy nhiên, đó chỉ nên là giải pháp tạm thời, còn về lâu dài thì không ổn.
Ngay lúc này, cần tăng cường một số môn toán, lý, hóa và các môn khoa học theo hướng tiên tiến. Điều này giúp HS được chuẩn bị lộ trình và kiến thức chu đáo cho các bậc học tiếp theo. Lý tưởng nhất là TP cho các trường THPT cơ chế liên kết với các trường ĐH quốc tế tại Việt Nam. Như vậy, đây là hình thức du học tại chỗ, giảm chi phí đồng thời tạo việc làm, hướng đi lâu dài, bền vững sau bậc trung học cho HS.
Khó khả thi! Ông Đỗ Minh Hoàng, Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT TP HCM, cho rằng việc nhập khẩu một chương trình giáo dục không thuộc thẩm quyền của sở, đây chỉ là đề xuất của một số trường. Theo quan điểm cá nhân của ông Hoàng, việc liên kết mở các chương trình quốc tế, được các tổ chức kiểm định quốc tế công nhận sẽ khả thi hơn là nhập khẩu hẳn một chương trình cụ thể ở một quốc gia cụ thể. |
Bình luận (0)