Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

TP.HCM: 6 tháng đầu năm có 82.589 người lao động nghỉ việc

Tạp Chí Giáo Dục

Chiều 6-7, UBND TP.HCM tổ chức họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế – xã hội và công tác phòng, chống dịch trên địa bàn TP.


Tại họp báo, ông Nguyễn Văn Lâm – Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP chia sẻ nguyên nhân chính khiến nhiều lao động nghỉ việc do doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất – kinh doanh dẫn đến giảm giờ làm, thiếu việc

Tại họp báo, thông tin tình hình lao động, ông Nguyễn Văn Lâm – Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, TP ghi nhận có 82.589 người lao động nghỉ việc làm hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, so với cùng kỳ tăng 5.066 người.

Có nhiều nguyên nhân người lao động nghỉ việc, trong đó nguyên nhân chính do doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất – kinh doanh dẫn đến giảm giờ làm, thiếu việc; giữa doanh nghiệp và người lao động tiến hành thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động, hoặc doanh nghiệp không tiếp tục gia hạn hợp đồng lao động.

Trong thời gian qua, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm TP tăng cường thu thập thông tin nhu cầu tuyển dụng lao động tại các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển lao động để kết nối với người lao động. Bên cạnh trung tâm dịch vụ việc làm công lập, hệ thống các doanh nghiệp dịch vụ việc làm (130 doanh nghiệp) tham gia tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động có nhu cầu tìm việc.

Trong 6 tháng cuối năm, nhu cầu lao động vẫn tập trung cao ở khu vực thương mại – dịch vụ (thương mại, vận tải kho bãi, công nghệ thông tin – truyền thông…) khoảng 90.000 lao động, chiếm tỉ lệ 64,57% trên tổng số nhu cầu.

Cũng tại họp báo, thông tin về công tác đào tạo nghề, ông Nguyễn Văn Lâm cho biết hiện trên địa bàn TP có 368 cơ sở giáo dục nghề nghiệp với tổng quy mô đào tạo khoảng 300.000 người học các trình độ.

Trong năm 2022, đã có 320.716 người tham gia học nghề. Tỷ trọng nguồn nhân lực sau đào tạo giáo dục nghề nghiệp ở các nhóm ngành, nghề trọng yếu (chế biến lương thực thực phẩm; hóa dược – cao su; điện tử; cơ khí chế tạo) là 40,65%; và 50,06% ở các ngành dịch vụ chủ yếu (gồm vận tải kho bãi; thông tin và truyền thông; kinh doanh bất động sản; y tế và hoạt động cứu trợ xã hội; bán buôn, bán lẻ; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; dịch vụ hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ; giáo dục và đào tạo; ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống); 2,13% ở nhóm nghề tự do dịch chuyển lao động trong khối ASEAN và 7,15% ở các ngành khác.

Năm 2022, số lượng người học tốt nghiệp các trình độ ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tăng 161,21% so với năm 2021.

Theo ông Nguyễn Văn Lâm, chất lượng nhân lực sau đào tạo giáo dục nghề nghiệp dần khẳng định vị thế với xã hội. Kiến thức chuyên môn, trình độ kỹ năng nghề của người học sau tốt nghiệp ngày càng tiệm cận thực tế sản xuất, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Các ngành nghề trình độ sơ cấp, đào tạo kỹ năng nghề dưới 3 tháng đáp ứng nhu cầu của người học và doanh nghiệp, góp phần giải quyết việc làm cho thị trường sức lao động của TP.

Năm 2023, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP đã tham mưu UBND TP ban hành kế hoạch về chương trình nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TP.

Theo đó, nhiều giải pháp được thực hiện như: Công tác phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh; Tổ chức các ngày hội tuyển sinh, ngày hội tuyển dụng; Tổ chức đào tạo bổ sung, đào tạo nâng cao cho người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa; Đào tạo nghề cho lao động nông thôn; Đào tạo nghề cho các đối tượng chính sách; Tổ chức đầu tư nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật dạy học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo.

Trong năm 2021 – 2022, các nhóm ngành dịch vụ tiếp tục chiếm tỷ trọng cao trong tổng số người học tuyển mới (chiếm khoảng 50%: tập trung các ngành kinh doanh tài sản – bất động sản; du lịch; thương mại – quản trị doanh nghiệp).

Còn lại lần lượt là nhóm ngành công nghiệp trọng yếu chiếm khoảng 40% (cơ khí – ô tô; công nghệ thông tin), các nghề tự do dịch chuyển lao động trong khối ASEAN (kế toán – kiểm toán) chiếm khoảng 3% và các nghề khác chiếm 7% (chăm sóc sắc đẹp).

N.Trinh

Bình luận (0)