Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

TP.HCM: Tổ chức nhiều hoạt động bảo vệ môi trường

Tạp Chí Giáo Dục

Hàng năm, trên địa bàn TP có hàng trăm hoạt động bảo vệ môi trường được tổ chức như: Thu gom chất thải, ngày hội Sống xanh, tọa đàm, hội thi, ra quân tổng vệ sinh, trồng cây xanh, tạo mảng xanh qua đó góp phần nâng cao chất lượng môi trường nông thôn nói riêng và toàn TP nói chung.


Tại họp báo, ông Trần Minh Quân – Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường TP nói về chương trình nâng cao chất lượng môi trường

Chiều 6-7, UBND TP.HCM tổ chức họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế – xã hội và công tác phòng, chống dịch trên địa bàn TP.

Tại họp báo, ông Trần Minh Quân – Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường TP đã nói về chương trình nâng cao chất lượng môi trường nông thôn nói riêng và toàn TP nói chung.

Theo ông Trần Minh Quân, công tác giữ  gìn vệ sinh môi trường môi thôn, xóa các điểm ô nhiễm do rác thải, xây dựng cảnh quan môi trường xanh sạch đẹp được triển khai đồng bộ trong thời gian qua gắn với thực hiện Chỉ thị số 19 của Ban Thường vụ Thành ủy TP và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Sở Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng và tham mưu UBND TP ban hành Quyết định số 3709 ngày 2-11-2022 về ban hành Kế hoạch thực hiện Cuộc vận động “Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch, xanh và thân thiện môi trường” giai đoạn 2022-2025.

Hàng năm, các sở ngành, UBND các huyện với sự phối hợp, hỗ trợ của  Ủy ban MTTQ Việt Nam TP, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP, các sở ban ngành và UBND các huyện đều đã có kế hoạch, văn bản triển khai các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động vì môi trường trên địa bàn TP phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị, địa phương.


Quang cảnh buổi họp báo chiều 6-7

Theo thống kê, năm 2022, có 375 hoạt động. Năm 2023 có khoảng 500 hoạt động hưởng ứng được tổ chức đồng loạt trên toàn thành phố với hình thức đa dạng, phong phú tạo điều kiện cho người dân trực tiếp tham gia như: thu gom chất thải nguy hại hộ gia đình, thu gom chất thải có thể tái chế, ngày hội Sống xanh, tọa đàm, hội  thi, ra quân tổng vệ sinh, trồng cây xanh, tạo mảng xanh…

Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam TP và các tổ chức thành viên trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ môi trường, nhân rộng các mô hình bảo vệ môi trường dựa vào cộng đồng.

Cũng theo ông Trần Minh Quân, nhằm đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, vận động người dân thực hiện Chỉ thị số 19, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường TP triển khai kế hoạch phối hợp tổ chức Hội thi xây dựng công trình sạch – xanh – thân thiện môi trường dựa vào cộng đồng tại khu dân cư năm 2022 và kế hoạch phối hợp tổ chức hội thi xây dựng công trình sạch – xanh – thân thiện môi trường dựa vào cộng đồng dân cư lần 2 năm 2023.

Qua 2 năm tổ chức hội thi có 1.251 công trình sạch – xanh – thân thiện môi trường của hơn 300 đơn vị dự thi cấp quận, huyện, thành phố Thủ đức, trong đó có 88 sản phẩm công trình dự thi cấp TP và có 71 sản phẩm đoạt giải.

Hiện nay, toàn TP đang tiếp tục duy trì 1.920 điểm, công trình sạch, xanh, thân thiện môi trường. Đã có 198 điểm ô nhiễm chuyển hóa thành khu vực sinh hoạt cộng đồng như sân chơi thể thao, vườn hoa, công viên, khu sinh hoạt cộng đồng.

Sở Tài nguyên và Môi trường TP tiếp tục phối hợp với Hội Nông dân TP tổ chức 8 lớp tập huấn cho các cán bộ, hội viên nông dân tại các quận huyện: Hóc Môn, Củ Chi, Cần Giờ, Nhà Bè, Bình Chánh, Bình Tân, quận 12 và thành phố Thủ Đức về tuyên truyền về bảo vệ môi trường nông thôn trên địa bàn TP.

Phối hợp với Hội liên hiệp Phụ nữ TP, Hội Cựu chiến binh TP, Liên đoàn lao động TP tổ chức các lớp tập huấn tuyên truyền về bảo vệ môi trường khu dân cư và nơi công cộng.

Cũng theo ông Trần Minh Quân, Sở Tài nguyên và Môi trường TP đã dự thảo trình UBND TP Kế hoạch triển khai thực hiện chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn TP giai đoạn 2023 – 2025.

Theo đó, chỉ tiêu cụ thể đến năm 2025, tối thiểu 55% dân số nông thôn được tiếp cận bền vững với nước sạch đạt quy chuẩn với số lượng tối thiểu 60 lít/người/ngày; ≥ 65% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung; đảm bảo cấp nước sạch sinh hoạt quy mô hộ gia đình cho các hộ dân tại những khu vực chưa có khả năng tiếp cận với nước cấp tập trung, vùng khan hiếm, khó khăn về nguồn nước, vùng thường xuyên bị ảnh hưởng thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn.

Ít nhất 70% số hộ nông thôn triển khai các giải pháp phân loại chất thải tại nguồn; ≥ 98% chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý; ≥ 50% số hộ nông thôn có nước thải sinh hoạt được thu gom và xử lý bằng các biện pháp phù hợp, hiệu quả; 50% số đơn vị cấp huyện có triển khai mô hình thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt phi tập trung theo cụm hoặc theo khu vực phù hợp, hiệu quả.

Ít nhất 80% chất thải chăn nuôi và ≥ 80% phụ phẩm nông nghiệp phải được thu gom, tái sử dụng, tái chế thành các nguyên liệu, nhiên liệu và các sản phẩm thân thiện với môi trường; 100% bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng được thu gom và xử lý theo đúng quy định.

Có 100% chất thải rắn và 100% nước thải sản xuất của các làng nghề truyền thống được thu gom và xử lý theo quy định; ít nhất 35% số huyện có đề án cải tạo chất lượng môi trường nước mặt khu vực công cộng hoặc có mô hình xây dựng hoặc cải tạo cảnh quan ao hồ, kênh rạch.

Có 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm; 80% số xã có tổ cộng đồng tự quản về vệ sinh an toàn thực phẩm; 100% hộ gia đình nông thôn và 100% trường học, trạm y tế có nhà tiêu hợp vệ sinh được xây dựng và quản lý sử dụng đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn.

N.Trinh

 

 

Bình luận (0)