Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Trải nghiệm của giáo viên giúp bài giảng thuyết phục hơn

Tạp Chí Giáo Dục

Cháu gái ca tôi t quê lên hc đi hc sư phm toán. Tt nghip, cô li thành ph tìm vic làm, trong lúc ch đưc tuyn dng thì sng bng ngh gia sư…


Giáo viên là ngưi làm công vic trao truyn thì cn đưc tri nghim, có như vy bài ging mi hay, thuyết phc (nh minh ha). Ảnh: Anh Khôi

Một thời gian sau, cô đăng ký học thạc sĩ. Khi ra trường thì mới được một trường THPT nhận công tác. Có lần cô nói với tôi: “Cháu luôn cập nhật kiến thức và các phương pháp giảng dạy mới nhưng vẫn cảm thấy thiêu thiếu gì đó chú…”. Tôi trả lời: “Có lẽ ở cháu, cái thiếu vừa là kinh nghiệm, vừa là trải nghiệm”.

1. Với một người đi dạy chưa lâu thì thiếu kinh nghiệm là điều dễ hiểu. Bởi kinh nghiệm cần được tích lũy, từ bản thân theo thời gian, từ việc chắt lọc kinh nghiệm của người khác… Kinh nghiệm không tự nhiên hình thành và cũng không thể có nếu bản thân không chú ý tích lũy, đúc kết. Còn trải nghiệm, có thể hiểu là rộng hơn kinh nghiệm, là những điều đã trải qua, đã biết, đã thấy, đã cảm nhận…, không nhất thiết được đúc kết thành các bài học. Nói cách khác, trải nghiệm là những vốn sống tự nhiên có được qua quá trình sống, chứ không phải chỉ do người khác truyền lại.

Như trong câu chuyện của cháu gái tôi, kinh nghiệm có thể là những bài học về ứng xử trên lớp, về cách thức giải một dạng toán, việc ứng dụng một số công thức toán học để giải quyết một số vấn đề thực tế… Còn trải nghiệm là cảm nhận, cảm giác khi giảng cho một lớp luyện thi tốt nghiệp THPT ra sao, dạy ở một lớp bồi dưỡng học sinh giỏi ra sao, khi có sự dự giờ của ban giám hiệu và các giáo viên khác thế nào… Những điều thu nhận được, tích lũy được qua trải nghiệm có thể liên quan đến cảm xúc, thái độ… của bản thân mà chỉ có được nếu được đặt trong môi trường, bối cảnh đó. Ta thử hình dung: Một người chiếu cảnh quay khi đi du lịch ở Đà Lạt rồi đề nghị người khác tận hưởng việc tham quan Đà Lạt qua hình ảnh, kết hợp với lời kể và sự chia sẻ. Có thể, người đó rất nhiệt tình cho biết ở đoạn đường này có độ dốc thế nào, hoa ở khu vực này phong phú ra sao, cà phê ở quán đó đậm đà giống như cà phê ở nơi nào đó mà cả hai từng thưởng thức…, nhưng bản thân người tiếp nhận cũng không thể nào có được cảm giác đầy đủ như khi đi du lịch thực tế. Bởi hình ảnh, âm thanh, lời kể… không thay thế được cảm giác lạnh, cảm giác bước lên dốc, cảm nhận về hoa nở tươi thắm, cà phê ngon hay thơm… Tức là, chúng ta phải được sống, được đặt mình trong hoàn cảnh thực tế đó thì ta mới có cảm nhận đầy đủ; đó chính là trải nghiệm.

2. Giáo viên là những người truyền thụ kiến thức, gợi mở những tình cảm tốt đẹp về nhiều mặt, bồi đắp lòng hăng say cống hiến, định hướng nghề nghiệp, làm gương về tư cách, đạo đức cho học sinh là một chức nghiệp rất đặc biệt so với nhiều công việc khác. Bởi có nhiều công việc người thực hiện có thể chủ động làm, vốn trải nghiệm nhiều – ít chỉ liên quan đến kết quả, hiệu suất, chất lượng làm việc chứ không liên quan đến việc tác động đến người khác, nên trải nghiệm có thể không quan trọng bằng kinh nghiệm. Còn giáo viên, qua trải nghiệm, bản thân được hun đúc, được tác động, được gợi mở…, từ đó có thể hình thành nên các ý tưởng, cảm xúc, ấn tượng để có thể tiếp tục truyền đạt đến học sinh hoặc truyền đạt hay hơn nữa từ những điều mình tích lũy, thâu thái được. Thí dụ, giáo viên dạy môn lịch sử, khi nói về chiến thắng của quân dân nhà Trần trước quân Nguyên trên sông Bạch Đằng mà bản thân đã đi đến bảo tàng về chiến thắng này, được nghe nói cụ thể về cách thức cắm cọc, đã được nhìn thấy các cọc gỗ, đã tham quan trực tiếp khu vực từng diễn ra các trận đánh… thì hẳn có cách giảng khác so với giáo viên chỉ có kiến thức thuần túy mà thiếu những trải nghiệm cụ thể. Đó là chưa kể khi truyền đạt, chất “lửa” của giáo viên còn được thể hiện rõ nét, tạo sự hấp dẫn, thuyết phục cho học sinh, bởi các em không chỉ được cung cấp kiến thức mà còn làm lan tỏa tình cảm, tinh thần từ giáo viên và cả từ quân dân nhà Trần thông qua lời giảng đó. Hay một giáo viên dạy môn địa lý nếu có điều kiện tham quan, tìm hiểu nhiều nơi, được hiểu rõ đặc điểm kinh tế ở những vùng mình đề cập, được sống tại những địa phương, khu vực mà mình nhắc tới thì chắc chắn bài giảng sẽ thuyết phục hơn nhiều. Một giáo viên dạy môn giáo dục công dân có kiến thức phong phú, hiểu biết về các đặc điểm văn hóa, lối sống, nhất là các biểu hiện về ứng xử, giao tiếp trên internet, từng tham gia xử lý những trường hợp cụ thể của học sinh về đạo đức, về pháp luật… thì hẳn sẽ có nhiều chất liệu thực tế, sẽ dễ dàng tạo sự liên tưởng phù hợp cho học sinh từ kiến thức với thực tiễn. Một giáo viên dạy môn ngữ văn chịu đọc, thường xuyên tìm hiểu những tác phẩm mới, từng tham gia sáng tác (kể cả viết báo, tiểu luận, nghiên cứu khoa học hoặc sáng tác văn học)… hẳn có nhiều chất liệu sinh động, có thể làm lan tỏa cảm xúc đến học sinh khi kể lại, đọc lại một tác phẩm nào đó mà mình tâm đắc, ấn tượng. Một giáo viên dạy môn tiếng Anh cũng cần nắm bắt sự phát triển liên tục của từ vựng và cách dùng mới trong tiếng Anh, đặc biệt là trên internet và trên báo chí, thường xuyên nghe nhạc và radio bằng tiếng Anh để gợi mở sự tìm hiểu cho học sinh, đồng thời tự giúp mình không lạc hậu cả về kiến thức lẫn phương pháp.

3. Có người nói: Trải nghiệm cho ta cuộc sống thực. Bởi nếu không trải nghiệm, chúng ta chỉ có thể “nghe nói lại” hoặc tưởng tượng thì thiếu hẳn tính “thực”, từ đó khiến bài giảng khó thực tế, nội dung thực hành khó thuyết phục, kiến thức khó bảo đảm tính thực tiễn và cũng vì vậy mà khó thực sự hấp dẫn. Như vậy, trải nghiệm thông qua thực tế tham gia, có hoạt động thực tiễn hoặc qua tìm hiểu, nghiên cứu sâu có thể giúp giáo viên không chỉ bồi bổ thêm kiến thức mà còn thêm vốn sống, thêm phương pháp và thêm kinh nghiệm. Trong đó, giáo viên cần được nâng cao nhận thức, tình cảm tốt đẹp thông qua các hoạt động tham quan (nhất là các chuyến về nguồn), học tập thực tế (trao đổi kinh nghiệm giữa các trường về những môn học hoặc vấn đề có sự tương đồng…), tham gia tọa đàm, gặp gỡ các chuyên gia, những người có nhiều kinh nghiệm…

Tư Mã Thiên (145-86 TCN) là nhà sử học nổi tiếng người Trung Quốc với tác phẩm vĩ đại là “Sử ký Tư Mã Thiên”. Nhiều người biết rằng ông xuất thân dòng dõi lâu đời làm công việc chép sử nhưng hẳn ít người biết ông đã có những trải nghiệm độc đáo nên mới để lại tác phẩm kinh điển đó. Lúc còn bé, Tư Mã Thiên sống ở vùng nông thôn cày ruộng, chăn cừu, kết bạn với những người nông dân bình thường và tự tìm học trong sách vở cổ nhân. Đến năm hai mươi tuổi, ông lên đường chu du khắp nơi để thấy tận mắt những thắng tích mà sau này ông sẽ phải viết vào sử. Những cuộc chu du ấy đã cung cấp cho ông vô số tài liệu, được nghe kể rất nhiều truyền thuyết, sự tích, từ đó giúp ông thấy được thái độ của nhân dân đối với những nhân vật, những biến cố của lịch sử. Nhờ đó Tư Mã Thiên đã thấy được rõ hơn đất nước của ông và có thể chuyển tải vào tác phẩm. Sau này có người nói: “Muốn học được văn của Tư Mã Thiên thì trước hết phải học cái đi chơi của Tư Mã Thiên”. “Đi chơi” đó thực ra là một dạng trải nghiệm.

Giáo viên là người làm công việc trao truyền thì cũng rất cần được trải nghiệm, có như vậy bài giảng mới thực sự hay, thực sự thuyết phục.

ThS. Nguyn Minh Hi

Bình luận (0)