Hôm qua (5.8), nhiều trường ĐH đã công bố điểm chuẩn theo phương án xét kết quả thi THPT quốc gia. Điểm chuẩn các ngành nhìn chung giảm mạnh, có trường phải xét tuyển bổ sung tất cả các ngành.
Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển bằng học bạ tại một trường ĐH ở TP.HCM. ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Bách Khoa, Y giảm gần 5 điểm
Trường ĐH Bách khoa TP.HCM có điểm chuẩn ngành cao nhất với 23,25 là nhóm ngành khoa học máy tính và kỹ thuật máy tính (năm ngoái điểm chuẩn ngành này là 28). Như vậy, so với năm ngoái điểm chuẩn ngành cao nhất đã giảm gần 5 điểm. Ngoài ra, các ngành/nhóm ngành có điểm chuẩn từ 22 trở lên gồm: nhóm ngành kỹ thuật hóa học, công nghệ thực phẩm và công nghệ sinh học; ngành quản lý công nghiệp; nhóm ngành kỹ thuật hệ thống công nghiệp, logistic và quản lý chuỗi cung ứng; ngành kỹ thuật ô tô.
Tiến sĩ Bùi Hoài Thắng, Phó trưởng phòng Đào tạo nhà trường, cho biết thống kê cho thấy trong số thí sinh trúng tuyển vào trường có khoảng 250 người đạt từ 25 điểm trở lên và khoảng 60% trên 22 điểm.
Trường ĐH Y Hà Nội ngành y đa khoa giảm so với năm ngoái là 4,5 điểm. Cụ thể: y đa khoa 24,75; y đa khoa phân hiệu Thanh Hóa 22,1; y học dự phòng 20; y học cổ truyền 21,85; điều dưỡng 21,25; dinh dưỡng 19,65; răng hàm mặt 24,3; xét nghiệm y học 21,55; khúc xạ nhãn khoa 21,6; y tế công cộng 18,1.
Trường ĐH Bách khoa Hà Nội ngành có điểm chuẩn cao nhất năm nay là công nghệ thông tin 25,35; trong khi đó năm ngoái là 28,25. Năm ngoái, trường này có hơn 12 ngành điểm từ 25,5 trở lên.
Trường ĐH Ngoại thương (cơ sở Hà Nội), những ngành xét tổ hợp gốc là A: kinh tế, kinh tế quốc tế và luật, kinh doanh quốc tế và quản trị kinh doanh đều 24,1; tài chính – ngân hàng và kế toán 23,65. Các tổ hợp A1; D1; D3; D4; D6; D7 điểm chuẩn giảm 0,5 điểm. Những ngành xét tổ hợp gốc D1/D3: ngôn ngữ Anh 23,73; ngôn ngữ Pháp 22,65; ngôn ngữ Trung 23,69; ngôn ngữ Nhật 23,7. Năm ngoái ngành cao nhất khối A: 28,25, còn tất cả các ngành điểm từ 27 – 28, đều cao hơn năm nay.
Tại cơ sở TP.HCM, ngành kinh tế và quản trị kinh doanh 24,25; tài chính ngân hàng và kế toán 23,5. Đây là điểm chuẩn với tổ hợp A; các tổ hợp A1, D1, D6, D7 giảm 0,5 điểm.
Trường ĐH Kinh tế quốc dân, ngành cao điểm nhất là kinh doanh quốc tế 24,25. Năm ngoái ngành cao nhất 27 điểm, các ngành còn lại từ 24 – 25, thấp nhất 23,25.
Điểm chuẩn của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM cũng giảm nhiều so với năm ngoái. Trong đó, ngành có điểm chuẩn cao nhất là du lịch khối C với 24,9 điểm. Kế đến là ngành báo chí khối C với 24,6 điểm.
Thấp hơn cả dự kiến
Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM công bố điểm chuẩn các ngành thấp hơn nhiều so với dự kiến. Trong đó, ngành công nghệ thực phẩm có điểm chuẩn cao nhất là 18,75 và một số ngành trường lấy điểm chuẩn ở mức 15 gồm: công nghệ chế biến thủy sản, công nghệ vật liệu, quản lý tài nguyên môi trường.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp nhà trường, cho biết những ngành có điểm chuẩn năm ngoái trên mức 21 thì năm nay giảm đến 3 điểm. Các ngành dưới 20 điểm giảm khoảng 2 điểm.
Ngành có điểm chuẩn cao nhất của Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM với 21,2 điểm là quản trị logistic và vận tải đa phương thức, quản lý và kinh doanh vận tải. Kế đến là quản trị logistic và vận tải đa phương thức (chất lượng cao) với 20,9 điểm. Đáng chú ý, nhiều chuyên ngành trường điểm chuẩn chỉ ở mức 14 gồm: kỹ thuật xây dựng công trình giao thông, điều khiển tàu biển, vận hành khai thác máy tàu biển… Như vậy, so với mức điểm “sàn” năm ngoái điểm chuẩn ngành thấp nhất năm nay giảm 1,5 điểm.
Trường ĐH Mở TP.HCM điểm trúng tuyển cao từ trên 19 điểm gồm các ngành ngoại ngữ, luật và quản trị. So với điểm trúng tuyển năm 2017 thì năm nay điểm các ngành của trường thấp hơn từ 2 – 4 điểm.
Còn nhiều cơ hội xét bổ sung
Theo tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, có khả năng trường sẽ xét bổ sung với một vài ngành thuộc chương trình chất lượng cao: nhóm ngành môi trường và các ngành thuộc phân hiệu Quảng Ngãi. Chỉ tiêu khoảng vài trăm cho toàn bộ đợt bổ sung và điểm xét từng ngành bằng điểm chuẩn đợt 1 trở lên.
Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM dự kiến xét nguyện vọng bổ sung cho tất cả các ngành ĐH. Chỉ tiêu và hình thức xét tuyển cụ thể được nhà trường công bố vào ngày 8.8. Tuy nhiên, dự kiến chỉ tiêu chia đều cho các ngành, mỗi ngành khoảng 30 thí sinh.
PGS-TS Nguyễn Minh Hà, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Mở TP.HCM, nhận định: “Trường có thể sẽ tiếp tục xét tuyển bổ sung những ngành có điểm chuẩn bằng “sàn”. Tuy nhiên, tùy thuộc vào tình hình thí sinh nhập học thực tế, trường sẽ có thông báo chính thức vào chiều 13.8”.
Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM sẽ xét tuyển bổ sung với 200 chỉ tiêu cho mỗi phân hiệu Gia Lai, Ninh Thuận từ 15 điểm trở lên.
Theo TNO
Bình luận (0)