Dự thảo Luật giáo dục sửa đổi có đề xuất cho học sinh (HS) phổ thông nghỉ ngày thứ Bảy. Phụ huynh, học sinh, giáo viên đều mừng. Nhưng liệu có thực hiện được không?
Dự thảo Luật giáo dục sửa đổi có đề xuất cho HS phổ thông nghỉ ngày thứ Bảy. Phụ huynh, học sinh, giáo viên đều mừng. Nhưng liệu có thực hiện được không, khi chương trình học hiện nay đang được cho là quá tải? Liệu các trường có dám cắt bớt giờ học trong tình hình dạy – học – thi như hiện nay?
Học sinh có nhiều thời gian cho hoạt động ngoại khóa sẽ có thêm động lực để sáng tạo |
Phụ huynh, giáo viên mừng…
Vừa nghe tin con sẽ được nghỉ trọn ngày thứ Bảy, chị Ngọc Thụy, phụ huynh HS Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, phấn khởi ngay, bởi chuyện cô con gái học miệt mài cả tuần là trăn trở lâu nay của gia đình.
Chị nói: “Hồi trước, trường có cho nghỉ buổi chiều thứ Tư nhưng sau này thì không còn. Cả con bé và gia đình đều thấy khổ sở vô cùng vì không có thời gian cho nhau. Ở trường cả ngày nhưng đâu có cân bằng với thể thao, vận động, chỉ có học và học. Và lượng kiến thức trên trường cũng không đủ, phải đi học thêm rồi về nhà trễ, ăn tối xong lại lo bài vở ngày mai. Nếu con chỉ học ở trường một buổi, buổi chiều tự học, hoàn thành bài tập, có thể học thêm những kiến thức còn thiếu. Buổi tối và cuối tuần được tự do với sở thích, với gia đình thì hay
biết mấy”.
“HS tiểu học chưa thể tự chăm sóc bản thân nên phụ huynh cần gửi ở trường để đi làm. Còn HS phổ thông tự lo được nên không nhất thiết phải gửi trọn tuần ở trường. HS nghỉ thì giáo viên cũng có thời gian để nghỉ ngơi, tái tạo năng lượng; đọc sách, xem phim, xem kịch… có thêm kiến thức. Người thầy cũng cần ngày cuối tuần cho gia đình” một giáo viên ở TP.HCM chia sẻ.
Được vui chơi cùng người thân vào dịp cuối tuần luôn là mơ ước của học sinh |
Cũng như những giáo viên đứng lớp, ông Huỳnh Thanh Phú – Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du – khẳng định: đề xuất này rất tích cực vì đáp ứng nguyện vọng của phụ huynh, HS. Cha mẹ, con cái có thêm thời gian gặp gỡ. HS được giảm thời gian học bắt buộc, thay vào đó có thể tự học. Nghỉ trọn hai ngày cuối tuần đủ thời gian để các em đầu tư, rèn luyện một môn yêu thích nào đó. Thế nhưng…
Khó khả thi
Ông Phú cho rằng, muốn định lượng lại thời gian học trước hết phải định lượng lại khối lượng kiến thức. Muốn thầy cô và HS được nghỉ thứ Bảy thì phải thay đổi chương trình theo hướng giảm tải nội dung. Cái khó khác là cơ sở vật chất thiếu thốn, nhiều trường còn học một buổi. Với quy định 30 tiết học/tuần thì không dạy ngày thứ Bảy, không học 5 tiết/buổi thì không đảm bảo.
“Chương trình hiện gồm 13 môn là quá nặng, nếu có thay đổi nên theo hướng giảm tải chứ nếu đưa thêm kiến thức của đại học xuống thì chỉ có nặng thêm. Hay như trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, HS phải học thêm chương trình lớp 10 và 11, bắt buộc phải đi học thêm, vì giáo viên không thể dùng thời gian dạy chương trình 12 để ôn chương trình 10 và 11. Cả thầy và trò đều rất mệt”, ông Phú nói.
Theo nhiều giáo viên đứng lớp, dù cấp quản lý vẫn nói trường được tự chủ trong việc sắp xếp thời khóa biểu nhưng thực tế thì đâu có được như thế. Sở GD-ĐT vẫn quy định mỗi ngày học không quá tám tiết và trong buổi chiều với các lớp học hai buổi thì không được dạy văn hóa quá 10 tiết/tuần. Để đảm bảo thời lượng 30 tiết/tuần, các trường buộc phải chia lịch theo kiểu sáng bốn chiều ba, trong đó phải có ba buổi chiều không học văn hóa. Vì thế, dù nói cho phép linh động nhưng lại tạo ra cái khung cứng, các trường không làm khác đi được.
Học sinh chúng em cần được chơi |
Các giáo viên cho rằng, khi chương trình và sách giáo khoa chưa thay đổi thì Bộ GD-ĐT cũng có thể xem xét cắt bỏ kiến thức không cần thiết. Nhưng căn cơ vẫn phải định lượng lại nội dung mới có thể cho HS nghỉ ngày thứ Bảy.
Một số nước, thậm chí là các trường quốc tế tại Việt Nam, họ có nhiều đợt nghỉ trong năm. Cứ sau hai tháng học sẽ được nghỉ một tuần, lễ giáng sinh nghỉ hai tuần… Họ có nghiên cứu hẳn hoi chứ không tùy tiện. được nhiều thời điểm nghỉ sau thời gian học tập và làm việc, con người sẽ có tinh thần khoan khoái và hứng thú khi trở lại guồng quay, có thêm động lực để sáng tạo, một giáo viên tiếng Anh tại Q.11 cho biết. |
Trả lời truyền thông, giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới cho rằng, Luật Giáo dục nên để các trường tự quyết căn cứ vào tình hình cụ thể. Với trường học hai buổi/ngày thì thứ Bảy hoàn toàn có thể cho HS nghỉ học, còn trường học một buổi/ngày mà nghỉ thứ Bảy thì không thể đảm bảo được chương trình.
So sánh chương trình giáo dục Việt Nam với chương trình của các nước phát triển, riêng khối tiểu học và THCS chúng ta hụt khoảng 1.500 giờ học, chưa kể khối THPT. Có sự chênh lệch này là bởi HS các nước khác đều học cả ngày, còn chúng ta chưa đủ điều kiện nên chỉ có thể học một buổi.
Học sinh Việt Nam đang mệt nhoài vì chương trình quá tải. Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, học sinh tiểu học và THCS Việt Nam vẫn còn thiếu hụt khoảng 1500 giờ học với thế giới, nếu học đủ thì không biết sức khoẻ thể chất và tinh thần cùa các em sẽ như thế nào! |
Nếu cắt ngắn thời gian học sẽ xảy ra hai khả năng: hoặc phải cắt giảm chương trình dẫn đến thiếu hụt kiến thức so với thế giới, bằng tốt nghiệp phổ thông sẽ không được các nước công nhận, HS du học sẽ gặp khó khăn; hoặc quá tải vì không đủ thời gian thực hiện.
Thế nhưng, nếu không đưa thành luật quy định thì e rằng mọi thứ vẫn sẽ y như cũ. Với quyền tự chủ đó, các trường sẽ xếp lịch kín mít để HS có thể đạt thành tích cao nhất. Bởi tâm lý ở cả người dạy lẫn phụ huynh đều quan niệm học càng nhiều càng tốt, thà học thừa chứ không muốn bỏ sót. Ngay như vị chủ biên chương trình phổ thông mới cũng lo sợ HS mình học ít kiến thức hơn so với thế giới.
Thiết nghĩ, giá trị của bằng quốc gia không nằm ở chỗ HS nước này học nhiều hay ít hơn học sinh nước khác. Những kỹ năng tự học, ngoại ngữ, tư duy sáng tạo, phản biện… mới là thứ các trường đại học lựa chọn và đánh giá người học.
Muốn là làm được Theo một giảng viên của Trường John Robert Powers Việt Nam, không nên đổ thừa quy định chương trình cứng nhắc. Trường học có thể linh động sắp xếp lịch học theo khả năng của học sinh. Ví dụ, HS trường chuyên có khả năng tự học cao thì xếp thời gian chính khóa ít lại. HS trường thường thì ngược lại. Không nhất thiết bắt tất cả HS với khả năng khác nhau đều phải học với thời khóa biểu như nhau. Bộ, sở chỉ nên quản chất lượng bằng những kỳ đánh giá chung. Nếu thật sự vì người học thì giáo viên có thể cùng nhau xây dựng chuyên đề để dạy, phần nào cần nhấn mạnh, phần nào nên lược bỏ, không nhất thiết phải dạy từ đầu đến cuối. Ở nhiều trường quốc tế, có khi 2-3 giáo viên cùng hợp tác để ra một chuyên đề cho HS. Họ không cần sách giáo khoa hay theo chương trình cứng gì cả. Vì vậy, HS sẽ thu lượm được nhiều kiến thức ngoài chương trình. |
Gia Tuệ/ PNO
Bình luận (0)