Một số quy định chế tài về vi phạm trong hoạt động tuyển sinh của dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục do Chính phủ ban hành đang được xem là quá nhẹ, không đủ sức răn đe đối với các trường hợp vi phạm tuyển sinh.
Thí sinh làm thủ tục nhập học tại một trường ĐH ở TP.HCM năm 2018. ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Đáng nói hơn, đại diện các trường ĐH còn cho rằng cần có một hệ thống văn bản thống nhất để đảm bảo các trường thực hiện đúng quy định.
Vượt 40% chỉ tiêu, phạt bằng học phí một sinh viên ?
Theo dự thảo nghị định này, các hành vi vi phạm quy định về hoạt động tuyển sinh và đào tạo của trường ĐH, CĐ và TC sư phạm có nhiều mức khác nhau tùy theo loại vi phạm (dao động từ 200.000 – 80 triệu đồng). Tuy nhiên, theo đại diện một số trường, mức phạt trong một số trường hợp quá thấp, nhất là những lỗi không có hình thức xử phạt bổ sung kèm theo.
Ví dụ điều 15 về vi phạm số lượng chỉ tiêu tuyển sinh, dự thảo đưa ra nhiều mức tiền phạt cho hành vi tuyển vượt số lượng người học so với chỉ tiêu được giao. Cụ thể, nếu tuyển vượt từ 5 – 10% chỉ tiêu bị phạt từ 5 – 10 triệu đồng, 10 – 15% phạt 10 – 20 triệu đồng, 15 – 20% phạt 20 – 40 triệu đồng, 20 – 40% phạt 40 – 60 triệu đồng. Đặc biệt, nếu tuyển vượt từ 40% chỉ tiêu trở lên mức phạt là 60 – 80 triệu đồng. Riêng điều này, dự thảo nghị định không có hình thức phạt bổ sung kèm theo.
PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, nhận định: “Số tiền và cách thức phạt này không đáng kể, không đủ sức để răn đe các trường. Bởi với những trường thu học phí cao, số tiền phạt cao nhất chỉ tương đương với học phí một sinh viên trong một năm”. Nếu áp dụng chung mức phạt này cho tất cả các trường, sẽ là không công bằng với trường thu học phí thấp (theo Nghị định 86 của Chính phủ trường ĐH công lập chưa tự chủ học phí năm học này khoảng 5,7 – 9,4 triệu đồng/năm/sinh viên).
Cần thêm các biện pháp chế tài khác
Từ đó, PGS-TS Dũng cho rằng cần tăng mức phạt tối đa để các trường sợ. Theo ông Dũng, trước đây Bộ từng đề xuất hình thức phạt là khấu trừ vào chỉ tiêu năm sau nếu năm nay tuyển vượt. Tuy nhiên, cách làm này các trường cho rằng không nên vì sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh xét tuyển vào trường năm đó vì chỉ tiêu thấp hơn mức cạnh tranh cao hơn.
“Vì vậy nên có các mức phạt lũy tiến, số tiền phạt nếu tái diễn lần 2 phải gấp đôi lần đầu và cứ thế tăng lên. Số tiền phạt cũng không phải con số chung cụ thể mà nên tính bằng 1% học phí của tổng số sinh viên tuyển vượt phải đóng trong toàn khóa học. Khi đó sẽ công bằng giữa trường thu học phí cao và thấp”, ông Dũng đề xuất.
Một số ý kiến lại đề xuất cách thức chế tài khác. Theo cán bộ tuyển sinh một trường ĐH ngoài công lập, việc trừ tiền trong dự thảo này là vô nghĩa vì không đáng bao nhiêu so với học phí thu được. Người này đề xuất: “Nếu tuyển vượt dưới 20% chỉ tiêu thì nên cấn trừ vào chỉ tiêu năm sau, còn từ 20% trở lên thì cần mạnh dạn đình chỉ tuyển sinh năm tới. Nhưng cần có văn bản xử phạt, công bố công khai và thực hiện nghiêm túc”.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, thì cho rằng quy định này chỉ là biện pháp xử lý hành chính. Còn trong quy chế tuyển sinh thì việc xử lý trưởng đơn vị mới là biện pháp chế tài mạnh hơn.
Vi phạm nhưng khó phạt?
Với các trường, mối lo ngại còn về khả năng thực hiện trong thực tế. Theo đại diện ban giám hiệu một trường ĐH tại TP.HCM, năm 2013 Chính phủ đã có văn bản tương tự nhưng việc thực hiện chưa nghiêm. Người này cho biết, bản thân trường khi bị thanh tra và có thông báo xác định chỉ tiêu tuyển sinh sai quy định nhưng chỉ nhắc nhở chứ chưa xử phạt.
Tương tự, cán bộ tuyển sinh một trường ĐH ngoài công lập tại TP.HCM cũng nói thực tế đã có nhiều quy định về xử phạt vi phạm trong tuyển sinh và đào tạo nhưng triển khai phạt trong thực tế gần như không thấy. Theo người này, việc trường ĐH vi phạm trong tuyển sinh không ít, không chỉ về khai số liệu đất đai, đội ngũ mà còn chỉ tiêu với từng hình thức tuyển sinh. Nếu Bộ làm nghiêm việc xử phạt, chỉ tiêu tuyển sinh các trường sẽ giảm mạnh. “Nhưng sau rất nhiều năm, Bộ vẫn nhắc nhở các trường vi phạm trong hội nghị tuyển sinh toàn quốc chứ không có thống kê và công bố các sai phạm. Cho đến năm ngoái, gần như lần đầu tiên Bộ công khai danh sách các trường ĐH xác định chỉ tiêu tuyển sinh không sát năng lực đào tạo”, người này nói.
Trong khi đó, PGS-TS Đồng Văn Hướng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, tỏ ra băn khoăn về khả năng các trường có thể thực hiện tốt quy định về tuyển sinh, nhất là khâu tuyển đúng chỉ tiêu. Ông Hướng nói: “Thực ra với cách thức tuyển sinh như những năm gần đây, tỷ lệ thí sinh “ảo” luôn ở mức cao dù Bộ đã có nhiều cách siết lại. Điều này khiến các trường luôn trong trạng thái bị động, căng thẳng và cảm thấy không đơn giản để tuyển vừa đủ chỉ tiêu”. Ông Hướng cho biết, như năm ngoái dù hội đồng tuyển sinh đã cân nhắc gọi thí sinh nhập học dư trên 9% nhưng thực tế vẫn bị hụt trên 200 chỉ tiêu.
Cũng theo PGS-TS Hướng, hệ thống văn bản còn một số điểm chưa đồng bộ cũng gây khó cho việc thực hiện quy định và cả việc xử phạt. Ví dụ, theo Thông tư 32 về xác định chỉ tiêu tuyển sinh, giảng viên cơ hữu được tính là người có hợp đồng lao động từ một năm trở lên. Nhưng ở Thông tư 06 về xác định chỉ tiêu mới ban hành sau đó, giảng viên cơ hữu phải tính là viên chức. Trong khi luật Viên chức dù ban hành từ năm 2011 nhưng đến nay việc xác định vị trí việc làm của viên chức vẫn chỉ dừng ở dự thảo.
Do vậy, theo ông Hướng dù trường có tới hơn 600 lao động có hợp đồng nhưng tính theo biên chế của Bộ Giao thông vận tải hiện chỉ có 281 người chính thức. Điều này sẽ khó khăn cho trường trong xác định năng lực đào tạo, chỉ tiêu tuyển sinh từng năm.
Hà Ánh/TNO
Bình luận (0)