Điều này khiến lãnh đạo các địa phương dù cho phép hoạt động nhưng rất run vì không biết phải dựa trên cơ sở pháp lý nào để quản lý bán trú vệ tinh.
Từ chỗ học thiếu an toàn…
Đa số các cơ sở bán trú này chỉ thuê một phòng cho học sinh vừa học vừa ăn, ngủ. Những phòng học này chỉ rộng tối đa 30 m2, trong đó các dãy bàn học đã choán hết gần nửa diện tích
|
|
Chúng tôi đi vòng quanh các cơ sở được Trường tiểu học Dĩ An B (Bình Dương) thuê lại thì thấy đây là những nhà dân được cải tạo lại thành các lớp học bán trú. Tùy theo số lượng học sinh (HS), mỗi nhà như vậy sẽ làm thành các lớp học phù hợp. Các cô giáo chủ nhiệm cũng trực tiếp theo HS đến những địa điểm này để dạy vào các buổi không học trên trường. Khoảng 4 giờ chiều trên đường Thắng Lợi, con đường nhỏ đối diện trường, hàng chục phụ huynh đón con. Một phụ huynh tỏ vẻ không hài lòng: “Tình thế bắt buộc nên phải gửi con ở đây. So với trước kia học bán trú trong trường, bây giờ mỗi tháng tôi phải đóng thêm khoảng 200.000 đồng. Trong khi gửi ở đây cũng không thể yên tâm như ở trong trường được”.
Ngoài những cơ sở được đầu tư chuyên nghiệp, phòng ốc rộng rãi, đa số các cơ sở bán trú này chỉ thuê một phòng cho HS vừa học vừa ăn, ngủ. Những phòng học này chỉ rộng tối đa 30 m2, trong đó các dãy bàn học đã choán hết gần nửa diện tích. Chẳng hạn, chủ cơ sở bán trú Ngôi Sao (đường Nguyễn Thị Kiểu, Q.12, TP.HCM) chỉ thuê tầng trệt của ngôi nhà 3 tầng để làm bán trú. Vì thế, tầng này gánh vác tất cả chức năng cần thiết của một cơ sở bán trú.
Với những cơ sở có HS bán trú đông nhưng diện tích không rộng rãi như cơ sở Thần Đồng, Bình Minh (hẻm 51 đường Phạm Văn Chiêu, P.14, Q.Gò Vấp), Hồng Hà (Hương lộ 2, P.Bình Trị Đông, Q.Bình Tân, TP.HCM)… càng nóng nực hơn khi HS ken đặc, ra vào liên tục. Chưa kể những vấn đề khác về phòng cháy chữa cháy và các mối bận tâm khác khi giao trẻ đến những cơ sở bán trú tạm bợ.
Ngày 12.10 vừa qua, Công an H.Châu Đức (Bà Rịa-Vũng Tàu) cho biết ngày 10.10, ông S., phụ huynh của một HS lớp 5, đến Công an xã Quảng Thành trình báo việc con mình bị ông Nguyễn Văn H. (55 tuổi, ngụ xã Quảng Thành) nhiều lần thực hiện hành vi dâm ô. Ông S. cho biết do gia đình khó khăn, nhà xa trường nên từ năm lớp 1 đã gửi con gái tại nhà cô D. (hiện đã nghỉ hưu, vợ ông H.) để cô này cho ăn trưa và ngủ. Cùng con ông có thêm 2 HS khác. Nhiều năm liền, con ông S. ở nhà cô D., cho đến năm lớp 4 thì bị ông H. thực hiện hành vi dâm ô mỗi khi cháu chuẩn bị ngủ trưa. Sáng 12.10, gia đình đưa 3 HS đi giám định để phục vụ công tác điều tra vụ án. Ông S. cũng đã thừa nhận hành vi của mình.
… Đến thực phẩm không đảm bảo
Trường tư nhận HS bán trú cho trường công
Tại TP.HCM đang thí điểm một hình thức bán trú vệ tinh có thể khiến phụ huynh yên tâm hơn so với các cơ sở tự phát. Hai năm nay, Trường tư thục Nguyễn Tri Phương nhận HS của hai trường tiểu học công lập gần đó về ở bán trú. Sau giờ học, xe đưa rước của trường này sẽ đưa HS về, ăn uống, nghỉ trưa, học buổi chiều chờ cha mẹ đến đón.
|
|
Trong vai người đi xin học cho con, chúng tôi hỏi về chuyện ăn uống cho trẻ ở cơ sở Thiên Phát (Q.Bình Tân), bà T.H, chủ cơ sở, cho biết cứ yên tâm vì bà nấu ăn đã nhiều năm cho các em. Bà quay về các HS trong phòng và hỏi: “Ăn ở đây có ngon không?”. HS đồng thanh dạ ran: “Dạ, ngon ạ”. Tuy nhiên, do không có sự quản lý nào của cơ quan chức năng vấn đề thực phẩm nên nhiều phụ huynh khi gửi con ở các cơ sở bán trú tự phát đều rất lo ngại về vấn đề này.
Chúng tôi bắt chuyện với anh K., một phụ huynh gửi con tại Thiên Phát. Anh cho biết quê ở Quảng Ngãi, mới vào TP.HCM để bán hủ tíu. Trước đó, anh gửi con tại một cơ sở bán trú cách đây khoảng 500 m. Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn, con anh bị bệnh cả tháng trời. Lo ngại về sức khỏe của con, anh phải đưa qua đây mặc dù chưa hoàn toàn yên tâm.
Phóng viên Thanh Niên cũng đến “mục sở thị” một nhà dân nhận giữ bán trú 3 lớp học khối lớp 1 của Trường tiểu học Dĩ An (đường Nguyễn An Ninh, TX.Dĩ An, tỉnh Bình Dương). HS ngủ trưa trên các bàn học ghép lại. Có hai lớp nằm cạnh địa điểm trước đây là chuồng gà nay vẫn còn bốc mùi phân gà dù đã ngưng nuôi và dọn dẹp lại để trồng rau xanh.
Chưa có hành lang pháp lý
Thực tế này khiến không chỉ phụ huynh lo lắng mà các nhà quản lý cũng rất bối rối trước mô hình này.
Ông Đỗ Đình Thiện, Phó chủ tịch UBND Q.Bình Tân (TP.HCM), cho biết hiện tại quận chỉ đáp ứng được gần 30% HS học bán trú trong nhà trường. Gửi HS bán trú là nhu cầu có thật của phụ huynh và nhu cầu này ngày càng cao nhưng hiện nay cơ sở pháp lý để quy định bán trú vệ tinh chưa có. Vừa rồi, UBND Q.Bình Tân đề nghị Sở GD-ĐT kiến nghị lên UBND TP.HCM tạo ra một hành lang pháp lý để quản lý, theo dõi, xử phạt nếu các cơ sở bán trú vệ tinh làm không đúng.
Theo ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT TP.HCM, việc quản lý các trung tâm, cơ sở trông giữ trẻ em ngoài giờ học đã được Sở GD-ĐT và Sở LĐ-TB-XH tham mưu để UBND TP đã có Công văn số 6692/UBND-VX ngày 22.11.2016 và Công văn số 3221/UBND-VX ngày 20.7.2018.
Tuy nhiên, ông Thiện cho rằng: “Quản lý ra sao, theo dõi ra sao thì không có gì cụ thể. Chúng tôi cần những quy định cụ thể, chẳng hạn nếu các đơn vị này làm sai thì cơ sở nào để đóng cửa, đội ngũ giáo viên ra sao, chất lượng thế nào, ăn uống làm sao, quy mô diện tích bao nhiêu trên một HS… Chúng tôi cũng lúng túng nhưng chưa có gì cụ thể cả. Vừa qua, chúng tôi đã có văn bản gửi lên UBND TP.HCM để được hướng dẫn về vấn đề này nhưng chưa có trả lời”.
Theo ông Thiện, UBND Q.Bình Tân cũng giao cho UBND phường, phòng giáo dục đi kiểm tra các đơn vị. Nếu thấy có dấu hiệu phức tạp thì báo cáo UBND quận để báo cáo lên thành phố xử lý.
Chị Nguyễn Thanh Thơ, chủ cơ sở bán trú tiểu học Tân Định An (P.Tân Định, TX.Bến Cát, Bình Dương), cho biết dù muốn hoạt động thật sự chuyên nghiệp, chị cũng không có cách nào xin được giấy phép hoạt động bán trú vì không có quy định. Hiện tại, chị chỉ xin giấy phép thành lập doanh nghiệp và dạy thêm học thêm, tuy nhiên Phòng Giáo dục TX.Bến Cát có yêu cầu khắt khe hơn về điều kiện phòng cháy chữa cháy, an toàn vệ sinh thực phẩm, giáo viên…
Thực tế, các cơ sở bán trú vệ tinh hiện nay đều chỉ có giấy phép thành lập doanh nghiệp, dạy thêm học thêm như một trung tâm văn hóa ngoài giờ, trong khi các cơ sở này lại hoạt động như một trường học có bán trú vừa dạy văn hóa vừa lo ăn ngủ… Vì thế, hầu hết các cơ sở bán trú vệ tinh đều tự phát và không có quy định cụ thể đảm bảo về cơ sở vật chất, giáo viên, an toàn vệ sinh thực phẩm… (còn tiếp).
Đăng Nguyên-Trac Rin/TNO
Bình luận (0)