Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Tiềm năng điện mặt trời áp mái

Tạp Chí Giáo Dục

Đến thời điểm này, việc vận động người dân lắp đặt điện mặt trời áp mái vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.
Với mục tiêu phát triển điện mặt trời đạt 1GWp vào năm 2020, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 2068/2015 phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quyết định số 11/2017 về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam.
TP HCM tiên phong
Tính đến thời điểm này, cả nước có 815 khách hàng lắp đặt điện mặt trời áp mái. Trong đó, TP HCM là một trong những địa phương đi đầu với 762 khách hàng là doanh nghiệp, hộ gia đình lắp đặt điện mặt trời áp mái, tổng công suất đạt 8,18 MWp; một bộ phận trong đó có nhu cầu bán lại phần điện dư cho Tổng Công ty Điện lực TP HCM (EVNHCMC).
Ông Nguyễn Hoàng Gia, Tổng Giám đốc Công ty CP Giải pháp Năng lượng TP HCM, cho biết thời gian qua, công ty chỉ lắp đặt hệ thống điện mặt trời hòa lưới cho hơn 60 khách hàng là hộ dân, doanh nghiệp, tòa nhà ở TP HCM và gần 40 khách hàng ở các tỉnh. Theo ông Gia, tại TP HCM và một số tỉnh, thành khác, ngành điện đều miễn phí đo kiểm hệ thống điện mặt trời, thay đồng hồ đo đếm 2 chiều miễn phí. Tuy nhiên, ở một số tỉnh, thành miền Trung, điện lực địa phương lại tính chi phí đo kiểm hệ thống điện mặt trời với mức phí lên đến 5 triệu đồng.
Tiềm năng điện mặt trời áp mái - Ảnh 1.
Hệ thống điện mặt trời dành cho hộ gia đình ở TP HCM

Theo ông Diệp Thế Cường, Trưởng Phòng Giải pháp năng lượng và Năng lượng mới thuộc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ – Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM, đơn vị vẫn đang tiếp tục triển khai một số chương trình hỗ trợ về tư vấn, thiết kế hệ thống điện mặt trời. Đến thời điểm này đã hỗ trợ tư vấn cho 24 tòa nhà công sở, 15 bệnh viện (trong đó có một số bệnh viện đang xin chủ trương đầu tư) và hàng trăm hộ gia đình.
Cũng theo đơn vị này, nhà nước đang có chính sách khuyến khích sử dụng điện mặt trời như lắp đặt miễn phí đồng hồ 2 chiều, mua lại điện còn dư với giá 2.086 đồng/KWh. Theo đó, một hộ gia đình cơ bản (4 người) chỉ cần đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời hòa lưới có công suất 3 KWh với chi phí từ 60-70 triệu đồng sẽ cung cấp được 12 KWh/ngày (khoảng 360 KWh/tháng).
Ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng Giám đốc EVNHCMC, cho biết để quảng bá cho điện mặt trời, trong tháng 12 này, EVNHCMC sẽ hỗ trợ lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái miễn phí cho ít nhất 5 địa chỉ ở TP HCM, bao gồm: trường học, trường dạy trẻ khuyết tật, các mái ấm… "Việc làm này vừa có ý nghĩa hỗ trợ các trường sử dụng hệ thống năng lượng sạch, góp phần giảm chi phí tiền điện mà còn tuyên truyền đến người dân TP về lợi ích của nguồn năng lượng sạch, khuyến khích sử dụng điện mặt trời" – ông Lý nói.
Chi phí quá cao, chưa bán được điện
Trong khi đó, những khách hàng đã sử dụng hệ thống điện mặt trời cho biết họ chưa được hưởng lợi từ việc bán điện dư thừa cho ngành điện như cam kết ban đầu mà chỉ đang trong giai đoạn "cấn trừ" qua lại giữa nguồn điện lưới và điện mặt trời. Nguyên nhân chủ yếu do ngành điện và Bộ Công Thương chưa thống nhất được giá điện trong giờ cao điểm và thấp điểm để tính cho điện mặt trời.
Ông Nguyễn Như Hưng, Giám đốc Công ty CP South Solar, cho biết công ty của ông đã lắp điện kế 2 chiều cho hệ thống điện mặt trời áp mái nối lưới từ tháng 2-2018 nhưng đến nay vẫn chưa được ký hợp đồng mua bán điện với công ty điện lực cũng như nhận lại các thông tin về chỉ số điện mặt trời nên ảnh hưởng đến việc đầu tư mở rộng hệ thống. "Nhà nước khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời, Thủ tướng cũng đã phê duyệt giá mua điện mặt trời là 2.086 đồng/KWh nhưng chúng tôi chưa thể đầu tư thêm vì chưa có hướng dẫn cụ thể về hợp đồng mua bán, cách tính bù trừ điện năng tiêu thụ" – ông Hưng nói.
Cũng theo ông Hưng, công ty ông có làm dịch vụ tư vấn, thi công lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái; từ đầu năm đến nay đã khảo sát, tư vấn cho rất nhiều hộ gia đình, doanh nghiệp nhưng chưa lắp đặt cho khách hàng nào. Nguyên nhân là đầu tư điện mặt trời áp mái chi phí còn cao, khách hàng có tâm lý chờ hướng dẫn từ Bộ Tài chính.
Thừa nhận chưa thể ký hợp đồng mua bán điện mặt trời với khách hàng vì chưa có hướng dẫn chính thức về cách thức tính toán bù trừ điện năng tiêu thụ, thuế GTGT và phát hành hóa đơn cho khách hàng theo quy định của Bộ Tài chính, ông Nguyễn Văn Lý cho biết EVNHCMC đã kiến nghị vấn đề này lên Bộ Công Thương và vẫn đang chờ hướng dẫn để triển khai. "Mặc dù công suất điện mặt trời áp mái hiện còn thấp nhưng tiềm năng lớn, tốc độ phát triển nhanh. Năm 2019 được dự báo là có khó khăn trong việc cấp điện cho khu vực phía Nam, nếu vận động thêm được điện mặt trời áp mái nối lưới sẽ góp phần tăng nguồn cung ứng điện cho TP HCM" – ông Lý thông tin thêm.
Trao đổi với phóng viên, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết theo Quyết định số 11/2017 của Thủ tướng, các dự án điện mặt trời lắp mái nối lưới điện quốc gia được thực hiện theo cơ chế bù trừ điện năng, sử dụng công-tơ hai chiều. Trong một chu kỳ thanh toán, lượng điện phát ra từ các dự án này lớn hơn lượng điện tiêu thụ sẽ được chuyển sang chu kỳ thanh toán kế tiếp. Kết thúc năm hoặc khi kết thúc hợp đồng mua bán điện, lượng điện phát dư sẽ được bán cho bên mua điện với giá bán điện theo quy định. Tuy nhiên đến nay, giao dịch mua bán vẫn chưa thể triển khai. Đây là vướng mắc lớn nhất khiến điện mặt trời áp mái bị cầm chừng thời gian qua, việc thanh toán tiền cho người dân đang bị "treo" do vướng mắc về thủ tục.
Theo tìm hiểu của phóng viên, Bộ Công Thương đang xem xét trình Chính phủ sửa đổi cơ chế giá áp dụng cho điện sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo, đối với dự án điện mặt trời áp dụng sau tháng 6-2019, hợp đồng mua bán điện cho các dự án điện mặt trời. Để gỡ vướng cho điện mặt trời áp mái về các vấn đề liên quan thuế, bù trừ điện năng, cách thức thanh toán…, Bộ Công Thương đã gửi dự thảo xin ý kiến các bộ – ngành để trình Chính phủ xem xét điều chỉnh Quyết định số 11 nêu trên. 
Cần có chính sách hỗ trợ vốn
Ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng Giám đốc EVN, cảnh báo nguy cơ thiếu điện sau năm 2020 là hiện hữu khi cả nước không có nguồn khai thác mới, trong khi tăng trưởng điện luôn đạt 10%. Do đó, ông Tri kiến nghị đẩy mạnh điện mặt trời áp mái và xem đây là giải pháp căn cơ giảm áp lực cho ngành điện. Phó Tổng Giám đốc EVN chỉ ra rằng công suất 3-5 KWp từ điện mặt trời áp mái mỗi hộ không phải lớn nhưng tính trên tổng số 30 triệu hộ ở Việt Nam sẽ sản sinh lượng điện 3.000 MW. "Đây là con số lớn sẽ góp phần giảm tải áp lực đầu tư nguồn điện, nhất là khi các nguồn nhiên liệu truyền thống phục vụ sản xuất điện đang ngày càng cạn kiệt" – ông Tri nhấn mạnh.
Phó Tổng Giám đốc EVN cho biết sắp tới tập đoàn sẽ triển khai một website để các đơn vị cung cấp pin năng lượng mặt trời có thể đăng tải thông tin trên đó, giúp người dân dễ dàng lựa chọn. Đồng thời kiến nghị ngân hàng, các tổ chức tín dụng có chính sách hỗ trợ vốn cho người dân lắp đặt điện mặt trời áp mái.

 

NGUYỄN HẢI (theo NLD)

Bình luận (0)