Năm 2019, Bộ GD-ĐT tiếp tục thực hiện chính sách miễn học phí đối với sinh viên theo học khối ngành đào tạo sư phạm. Đồng thời vẫn duy trì ngưỡng điểm sàn chất lượng đầu vào đối với ngành này. Điểm mới là năm 2019, sinh viên ngành sư phạm sẽ được cấp chứng chỉ hành nghề sau khi ra trường.
ThS. Nguyễn Hữu Công (Trưởng phòng Tuyển sinh, Trường CĐ Nghề du lịch Sài Gòn) trao đổi với phụ huynh và học sinh Trường THPT Hiệp Bình trong chương trình tư vấn
Đó là những thông tin đáng chú ý được các chuyên gia chia sẻ trong chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” lần thứ 11 năm 2019 do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp với Sở GD-ĐT TP và ĐHQG TP.HCM tổ chức tại Trường THPT Hiệp Bình (Q.Thủ Đức) mới đây. Chương trình có sự đồng hành của Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM và Trường ĐH Công nghệ TP.HCM cùng nhiều đơn vị khác. Ngoài việc mang đến những thông tin “hot”, chương trình còn giải đáp các thắc mắc về nhiều ngành nghề tại các trường ĐH hiện nay.
Miễn học phí, phải học có trách nhiệm
Đó là lưu ý được TS. Lê Thị Thanh Mai (Trưởng ban Công tác sinh viên, ĐHQG TP.HCM) đưa ra đối với những học sinh có nguyện vọng theo học ngành sư phạm. TS. Mai cho biết từ năm 2018, Bộ GD-ĐT đã ban hành đề án tuyển sinh siết đầu vào đối với ngành sư phạm. Theo đó, từ năm 2018, trong khi hầu hết các ngành đều bỏ mức quy định điểm sàn ban đầu thì riêng khối ngành sư phạm vẫn giữ quy định điểm sàn để đảm bảo ngưỡng chất lượng đầu vào. “Khi siết chặt quy định đầu vào thì đầu ra phải đảm bảo cho người học. Về mặt lý tưởng, nơi các em thực tập tại địa phương chính là nơi các em sẽ làm việc sau khi ra trường, do địa phương kết hợp với Sở GD-ĐT để đưa ra con số tuyển dụng. Những con số này được Sở GD-ĐT địa phương gửi đến trường ĐH, CĐ để các trường xây dựng chỉ tiêu và phân bổ. Tuy nhiên, khi phân bổ các em vẫn phải qua thi tuyển, nếu đáp ứng được điều kiện tuyển dụng sẽ được nhận vào làm”, TS. Mai lý giải.
TS. Mai cho biết thêm, năm 2019 Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục duy trì chính sách miễn học phí đối với ngành sư phạm. Vì thế, khi đã được hưởng chính sách ưu tiên, người học cần phải có ý thức để học tập, không ỷ lại, đồng thời phải có trách nhiệm với đất nước, chịu sự phân công của tổ chức. “Nghề giáo là nghề rất đặc thù, áp lực công việc rất lớn, nhất là trong thời đại hiện nay. Theo nghề giáo, không chỉ đòi hỏi các em có kiến thức sâu, rộng, có chuyên môn giỏi mà còn cần các em có đạo đức, có lòng đam mê, yêu trẻ yêu nghề… Vì vậy, cửa vào sư phạm dù rất rộng, dù luôn hoan nghênh và chào đón các em nhưng các em hãy cân nhắc thật kỹ, thử đặt mình vào trong vị trí của thầy cô trước khi đăng ký theo học”, TS. Mai nhắn nhủ.
Học ngành nào cũng cần phải có ngoại ngữ
Trước quan tâm của học sinh về khối ngành liên quan đến dịch vụ, ThS. Nguyễn Hữu Công (Trưởng phòng Tuyển sinh, Trường CĐ Nghề du lịch Sài Gòn) cho hay khối ngành này cần người học có những tố chất về đam mê, năng động và sự trải nghiệm. Đặc biệt là khả năng quan sát của người học, tài hoạt ngôn dẫn dắt để có thể “thổi hồn” vào với nghề. Theo ThS. Công, đó là một trong những yếu tố để các em “bén duyên” lâu bền với nghề.
Xét tuyển vào ngành dược: Chỉ cần học bạ loại khá Theo dự thảo của Bộ GD-ĐT về đề án tuyển sinh năm 2019, với phương thức xét tuyển bằng học bạ, ngành sư phạm và khoa học sức khỏe tiếp tục được kiểm soát đầu vào. Cụ thể, ở ngành sư phạm, để xét bằng học bạ, thí sinh phải có học bạ loại giỏi; khối ngành khoa học sức khỏe thì yêu cầu học bạ loại giỏi với các chuyên ngành y, nha, y học cổ truyền, riêng chuyên ngành dược chỉ cần học bạ loại khá. |
Một điều quan trọng nữa trong vấn đề việc làm của ngành dịch vụ, ThS. Công cho biết đó chính là ngoại ngữ và kỹ năng. “Không chỉ làm về du lịch mà trong bất kỳ ngành nghề nào, có ngoại ngữ và kỹ năng chính là chìa khóa để các em mở ra cánh cửa nghề nghiệp cho chính mình. Thiếu và yếu hai yếu tố này là tự các em đã đóng sập một nửa cánh cửa cơ hội việc làm của mình”, ThS. Công khẳng định.
Liên quan đến ngoại ngữ và kỹ năng, TS. Nguyễn Phượng Hoàng (đại diện Trường ĐH Hoa Sen) cho hay hiện tại ở tất cả các môi trường đào tạo từ CĐ đến ĐH đều chú trọng đến việc trang bị cho người học ngoại ngữ và kỹ năng qua các câu lạc bộ học thuật, đội nhóm, tạo điều kiện để người học cọ xát, chia sẻ, trao đổi, trang bị về mọi mặt. Để đảm bảo rằng khi ra trường người học có thể hòa nhập, đáp ứng được yêu cầu và thích nghi với môi trường của doanh nghiệp. “Vấn đề không phải là trường có trang bị cho các em hay không mà vấn đề lại nằm ở chỗ chính bản thân các em có chủ động học hỏi và trang bị hay không”, TS. Hoàng nói.
Với vấn đề lựa chọn ngành học, chuyên gia tâm lý Vũ Thiện Toàn đưa ra lời khuyên: Trước tiên người học cần phải xác định được bậc học phù hợp với bản thân ở ngành mà mình quan tâm. Ông Toàn cho rằng hiện nay bậc học nào cũng đều quan trọng và có những giá trị riêng. “Điều quan trọng là bậc học đó vừa sức với bản thân, gia đình và thiên hướng mình muốn phát triển trong tương lai. Vào ĐH bây giờ không còn quá khó, cái khó lại chính là cách các em thể hiện bản thân mình trong quá trình theo học ĐH”, ông Toàn nhấn mạnh.
Đ.Yến
Bình luận (0)