Sau nhiều năm theo đuổi, do không được đáp lại tình cảm, Nguyễn Minh T. (19 tuổi, ngụ huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) đã ra tay sát hại Phạm Trần Tú U. (sinh viên năm I, Trường Đại học KHXH&NV TP.HCM) vào sáng 8-7 rồi gieo mình xuống kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè (phường 17, quận Bình Thạnh) kết liễu cuộc đời một ngày sau đó.
Hạnh phúc chỉ có được khi tình yêu đến từ hai phía (ảnh minh họa)
Nỗi đau cho người ở lại
Ngã quỵ khi tận mắt nhìn thấy thi thể con gái ở phòng trọ, bà Lê Thị Thủy (40 tuổi, mẹ ruột U.) suốt mấy ngày sau vẫn không thiết ăn uống, đi phải có người dìu, lúc mệt quá lại thiếp đi, khi tỉnh lại thẫn thờ như người mất hồn nhưng ai nhắc đến con bà vẫn nhớ như in từng chi tiết nhỏ. Theo lời bà Thủy, U. là con gái lớn, tính tình hiền lành và rất ngoan ngoãn. Khi vào cấp 3, em đi học ở một trường chuyên cách nhà 20km. Trong thời gian theo học ở đây, con gái có kể với mẹ rằng trong trường có người tên T. thầm thương mình, nhưng cô bé không đáp lại, chỉ xem là bạn bè. Đến khi U. vào TP.HCM trọ học, chàng trai kia cũng theo vào và thuê phòng trọ cùng nhà trọ với U., chỉ khác tầng lầu. Vài ngày trước khi xảy ra án mạng, T. đã chuyển đi khỏi nhà trọ. Vào đêm 7-7, cả hai có điều bất hòa nên đã to tiếng với nhau và đến sáng hôm sau thì xảy ra sự việc đau lòng.
Theo lý giải của bà Thủy, nguyên nhân con gái không đáp lại tình cảm của T. và chưa có bạn trai là “vì nó muốn ở vậy nuôi mẹ cả đời, không lấy chồng”, nên trước mắt chỉ lo tập trung vào việc học hành. Do kinh tế gia đình không mấy khá giả, cha mẹ mưu sinh bằng nghề cạo mủ cao su, nên để đỡ đần cho cha mẹ, U. đã quyết định sử dụng thời gian của mùa hè đầu tiên để ở lại thành phố đi làm thêm. Nào ngờ… Trong sự đau đớn tột cùng, người mẹ trẻ tự hứa với lòng sẽ không cho hai đứa con còn lại đi học xa nhà. Điều lạ là trong lòng người đàn bà tưởng như chưa thể chấp nhận sự thật là đứa con gái đã ra đi vĩnh viễn, lại không có bất kỳ lời oán trách nào đối với người đã gây ra cái chết của con mình. Điều người mẹ đau khổ cần làm lúc này là bỏ qua tất cả, không cần bồi thường hay khiếu kiện, để con được ra đi thanh thản, bình an. Vì bà hiểu rằng cha mẹ T. cũng đau khổ trăm lần khi đã mất đi đứa con trai độc nhất của gia đình họ.
Bài học cho người yêu đơn phương
Theo nhận định của chuyên gia tư vấn tâm lý Đinh Đoàn (chương trình Cửa sổ tình yêu, Trung ương đoàn TNCS HCM), chuyện yêu đương mù quáng dẫn đến những vụ án thương tâm không còn là chuyện hiếm. Nguyên nhân dẫn đến hành động tiêu cực, thiếu kiểm soát có thể do bị gia đình ngăn cấm, do ghen tuông hoặc bị từ chối tình cảm. Sau khi sát hại “người mình thương”, các đối tượng có thể thức tỉnh lương tri, nhận ra hành vi sai trái, không thể đối diện với trách nhiệm và lương tâm nên đã tự kết liễu đời mình. Để tránh những hệ lụy đáng tiếc, chuyên gia Đinh Đoàn cho rằng trong tình yêu các cặp đôi cần cân nhắc thấu đáo trước khi đưa ra quyết định. Khi muốn chấm dứt mối quan hệ với một người nào đó, kể cả khi từ chối lời tỏ tình cũng không nên quá thẳng thắn, mà hãy từ từ “bật đèn vàng” để đối phương hãm phanh từ từ. Lúc này, “người được thương” không cần giải thích (vì lời giải thích nào vào lúc này cũng sẽ rất khó chấp nhận), mà hãy giãn dần ra bằng cách gặp gỡ ít đi, quan tâm ít hơn… Thông qua những biểu hiện này, đối phương dần sẽ hiểu và chấp nhận chuyện “kết thúc” một cách dễ dàng hơn. Điều đặc biệt quan trọng là khi yêu, cả nam lẫn nữ cần tỉnh táo, tránh gây nên những chuyện đáng tiếc khiến gia đình hoặc bản thân rơi vào đau khổ, không còn cơ hội “quay đầu”.
Để những mối tình đơn phương không rơi vào bi kịch, luật sư Lê Minh Trường (chuyên gia tư vấn tâm lý, Công ty Luật Minh Khuê, quận 1) khuyên bạn trẻ nên chấp nhận sự thật khi bị từ chối tình cảm, vì thực tế bạn không thể điều khiển được tình cảm của người khác dành cho mình. Có thể việc không thể đáp lại tình cảm của bạn cũng khiến người kia đau lòng, bởi họ từ chối bạn không phải vì bạn là người xấu, đáng ghét mà chỉ vì họ không có tình cảm với bạn, nếu họ đã không yêu bạn thì bạn cũng không thể hạnh phúc khi ở bên họ và ngược lại. Lúc này, bạn cũng không nên trách móc và không nên nuôi thù hận, không nên nghĩ rằng họ không yêu bạn là không công bằng cho bạn. Điều tai hại của việc nuôi thù, trả hận chẳng những không giúp gì được cho bạn, mà còn hủy hoại chính bản thân và tương lai của bạn cũng như đối phương. Khi biết chấp nhận rằng mối quan hệ này sẽ không đi đến đâu, bạn hãy nhìn nhận lại những điểm không phù hợp trong tính cách giữa hai người và hiểu rằng bạn còn rất nhiều cơ hội để tìm được một người phù hợp với bạn hơn. Động thái này sẽ giúp bạn sớm phục hồi vết thương lòng và đây cũng là thời điểm lý tưởng để cải thiện bản thân, khám phá những sở thích mới (học vẽ, học ngoại ngữ, học đàn, tập thể thao) và hoàn thiện những dự định đã từng ấp ủ. Trong thời điểm này, bạn hãy dành thời gian cho người thân, bạn bè, vì khi vui vẻ bên người thân sẽ giúp nỗi buồn của bạn vơi đi. Quên đi một người bạn đang yêu là việc không hề dễ dàng, nhưng bạn cũng nên nhớ rằng “Họ không yêu bạn, không có nghĩa là bạn không đáng được yêu thương. Ở đâu đó còn có người phù hợp với bạn và hạnh phúc chỉ có được khi tình yêu đến từ hai phía”.
Vũ Phương
Bình luận (0)