Sự kiện giáo dụcTin tức

Phó Chủ tịch nước dự lễ trao học bổng “Học không bao giờ cùng”

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Ngày 14-7, tại Đà Nẵng, Hội Khuyến học Việt Nam đã trao học bổng “Học không bao giờ cùng” cho 250 đại biểu đến từ 16 tỉnh, thành khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Dự lễ trao học bổng, có ông Nguyễn Xuân Phúc, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam; bà Võ Thị Ánh Xuân, Ủy viên Ban chấp hành TW Đảng, Phó Chủ tịch CHXHCN Việt Nam, bà Nguyễn Thị Doan, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, ông Triệu Tài Vinh, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương.


Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân phát biểu tại lễ trao học bổng “Học không bao giờ cùng”

Báo cáo tại lễ trao học bổng, bà Nguyễn Thị Doan – Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho biết, nhiều năm trở lại đây, Hội Khuyến học Việt Nam đã và đang triển khai chủ trương của Đảng, nhiệm vụ của Chính phủ giao về xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời và đã thu được nhiều kết quả đáng trân trọng, được nhân dân ghi nhận và đồng tình hưởng ứng; Quỹ khuyến học Việt Nam phát triển, tạo nguồn lực mạnh mẽ để Hội triển khai nhiệm vụ của mình. Học bổng “Học không bao giờ cùng” được Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức ở tất cả các vùng, miền, các tỉnh trong cả nước mới được 3 năm nhưng có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng vì buổi lễ đã khơi dậy truyền thống hiếu học của nhân dân ta, động viên tinh thần học tập cửa các tầng lớp nhân dân theo tấm gương tự học sáng ngời của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Đồng thời học bổng “Học không bao giờ cùng” nhằm triển khai Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục – đào tạo”, tạo cơ hội cho toàn dân có điều kiện học tập, học ở mọi nơi, mọi lúc, bằng mọi phương pháp.

Hội Khuyến học Việt Nam được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ tập trung xây dựng xã hội học tập thông qua các mô hình học tập, trong đó mô hình “công dân học tập” là hạt nhân để xây dựng thành công xã hội học tập ở nước ta. Chính vì vậy, Hội Khuyến học các cấp đã triển khai nhiều hoạt động hữu hiệu với nhiều cách làm sáng tạo của các địa phương như: “Tiếng kẻng học tập”, “Nuôi heo đất”, “Ao cá khuyến học”, “Luống rau khuyến học”… nhằm tạo nguồn lực để động viên, khuyến khích cả người lớn và trẻ em, cả người già và người cao tuổi ở tất cả các vùng miền, các lĩnh vực đời sống kinh tế – xã hội của đất đất nước. Hội Khuyến học làm như vậy cũng chính xuất phát từ lời dạy của Bác: “Ai cũng phải học hành, Học không bao giờ cùng”, “Học mãi để tiến bộ mãi, càng tiến bộ càng phải học thêm” vì “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu” và “Ai không học là lùi, công việc sẽ gạt mình lại phía sau”. Điều này càng được thực tế chứng minh là chân lý không thể phai mờ và có ý nghĩa quan trọng trong thời kỳ vạn vật kết nối bằng internet và trí tuệ nhân tạo.


Trao học bổng cho các cá nhân tiêu biểu 

Lần này, trong số 250 đại biểu được xét chọn trao học bổng lần này có 165 em học sinh và 85 đại biểu người lớn. Trong đó, độ tuổi nhỏ nhất là các em học sinh học lớp 2 ở tỉnh Khánh Hòa, cao niên nhất có cụ 84 tuổi (sinh năm 1939), quê ở quận Thanh Khê, TP.Đà Nẵng. Mỗi học sinh được nhận học bổng đều có đặc điểm chung là nỗ lực học tập để vươn lên, vượt qua hoàn cảnh khó khăn của gia đình, có trường hợp vượt qua ốm đau, bệnh tật.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đánh giá, trong những năm qua Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam và các cấp hội đã nỗ lực đổi mới hoạt động, phát triển tổ chức hội, tích cực tham mưu Nhà nước ban hành chủ trương, chính sách về khuyến học, khuyến tài. Mới đây, Hội đã phối hợp với Bộ GD-ĐT tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ phát động phong trào thi đua học tập trong cả nước, lan tỏa nhiều mô hình học tập, được các tầng lớp nhân dân nhiệt tình hưởng ứng và thực hiện, góp phần nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân lực, đào tạo nhân tài phục vụ sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đem đến nhiều thuận lợi mới cho công tác khuyến học, đồng thời cũng đặt ra không ít khó khăn thách thức. Vì vậy, cần phát huy nội lực lẫn ngoại lực, trong đó nguồn nhân lực là quan trọng nhất, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển đất nước. Phong trào khuyến học phải gắn với đổi mới giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Phó Chủ tịch nước mong muốn những tấm gương điển hình tiêu biểu được nhận học bổng cùng nhiều tấm gương khác trong cả nước sẽ tiếp tục phát huy, lan tỏa tinh thần hiếu học, học tập suốt đời, làm cho phong trào “Học không bao giờ cùng” theo tư tưởng và tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh, phát triển sâu rộng trong xã hội và mang lại hiệu quả to lớn hơn.

Phó Chủ tịch nước đã biểu dương các cô chú, anh chị và các cháu học sinh là những tấm gương tiêu biểu, đã đạt thành tích xuất sắc trong học tập, được bình chọn nhận học bổng. Đồng thời ghi nhận những nỗ lực của các cấp ngành quan tâm phong trào khuyến học, khuyến tài. Phó Chủ tịch nước mong muốn và tin tưởng rằng, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam dưới sự lãnh đạo của đồng chí Chủ tịch Hội đầy tâm huyết và trách nhiệm, sẽ phát huy những kết quả, thành tích đạt được, tiếp tục có nhiều đóng góp quan trọng hơn nữa cho công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trong giai đoạn tiếp theo.

Vĩnh Yên

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)