Với những em vị thành niên và những người dân tộc thiểu số (DTTS) bên dãy Trường Sơn thuộc các xã Bắc Hướng Hóa (Quảng Trị), có lẽ trong cả giấc mơ họ cũng chưa từng nghĩ đến chuyện về phố làm việc, giao tiếp bằng tiếng Anh và điều khiển chiếc máy cắt sản xuất ra những chiếc ống hút tre theo tiêu chuẩn 4.0. Câu chuyện tưởng chừng như cổ tích ấy lại có thật. Ông “Bụt” không ai khác lại chính là Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV) tại Quảng Trị với dự án hỗ trợ trẻ em gái vị thành niên DTTS thoát hủ tục tảo hôn!
Đời sống kinh tế nâng cao, những đứa trẻ Vân Kiều, Pa Cô trên đỉnh Trường Sơn sẽ có tương lai sáng hơn
Từ bản làng về phố cổ
Công việc mỗi ngày bây giờ của Hồ Thị Nhàn (22 tuổi) ở quán cà phê trong chuỗi nhà hàng cà phê Hội An Roastery là phục vụ bàn. Nhàn trao đổi, hỏi thăm về nhu cầu của du khách nước ngoài bằng tiếng Anh khá suôn sẻ. Cô bé DTTS ấy không thể hình dung ra được, nếu hơn một năm trước, em từ chối lời đề nghị hỗ trợ tìm kiếm việc làm của Tổ chức MCNV thì bây giờ có lẽ đã tay bế, tay bồng, hoặc còng lưng trên nương rẫy dưới cái nắng như nung.
Thôn Chênh Vênh – tên địa danh nơi Nhàn sinh ra dường như vận vào số phận. Chưa đầy 1 tuổi, Nhàn quấn trên đầu vòng tang trắng mất cha. Hai chị gái nghỉ học sớm, lần lượt lấy chồng. Xong lớp 9, Nhàn trở thành lao động chính trong nhà. Nhàn nghỉ học. Mỗi ngày khi mặt trời ló khỏi ngọn cây rừng, Nhàn cõng a chói lên nương rẫy cùng mẹ gieo cây lúa, cây ngô, thi thoảng xuống suối bắt ốc mò cá để phục vụ bữa ăn. Cuộc sống cứ thế trôi qua trong cảnh nghèo với tương lai bất định ở phía trước. Nhàn không định hình được mình sẽ làm gì để cải thiện cuộc sống.
Nếu không có sự hỗ trợ của MCNV, Hồ Thị Nhàn có lẽ đã tay bồng tay bế trong vòng vây đói nghèo
Hôm cán bộ dự án MCNV tìm đến nhà thăm hỏi, giới thiệu về công việc và đề nghị được hỗ trợ, Nhàn đắn đo cả mấy ngày. Nhàn chưa bao giờ ra khỏi bản làng, phong tục miền ngược lại khác miền xuôi và bao nhiêu thứ đáng lo khác. Khát vọng có việc làm, thu nhập ổn định cho Nhàn đi đến quyết định về phố. Hôm hoàn thành xong khóa tập huấn các kỹ năng bán hàng, phục vụ, giao tiếp bằng tiếng Anh, Nhàn mới thở phào nhẹ nhõm.
Còn với Hồ Thị Nhiêu, ở thôn Tri, xã Hướng Việt, hành trình về phố có phần gian nan hơn. Ba Nhiêu vốn là một người khá cực đoan, cuộc sống gia đình không mấy hạnh phúc khi Nhiêu có mẹ kế. Ba Nhiêu nhất quyết không muốn cho con gái rời khỏi bản làng. “Mày về phố thì không còn là gái bản nữa”, giọng ông rắn đanh. Nhiêu nhiều đêm khóc hết nước mắt để thuyết phục ba. May mắn, lần gặp cán bộ MCNV, ông cũng siêu lòng gật đầu cho con về Hội An làm việc.
Bây giờ, mỗi bình minh thức giấc, Nhàn và Nhiêu cũng như các bạn khác ra đi từ các bản làng vùng cao Hướng Hóa không còn nhọc nhằn những bước chân lên nương rẫy. Thay vào đó, các em trong trang phục lịch sự đến cà phê Hội An Roastery để làm công việc phục vụ, tranh thủ thời gian rảnh lại học tiếng Anh. Với họ, hành trình từ bản làng đến phố cổ là cả hành trình dài về câu chuyện vượt qua hủ tục bản làng, tìm thấy công việc mình yêu thích và mang lại thu nhập ổn định cuộc sống, mở mang thêm kiến thức, kỹ năng.
Sinh kế cho người nghèo
Trước nay, với bà con người đồng bào ở vùng cao Hướng Hóa, nhiều gia đình thu nhập chính chủ yếu vẫn là làm nương rẫy, đời sống khó khăn. Gần 1 năm nay, MCNV mang đến cho bà con nghề làm ống hút tre, những người nông dân quen với rừng núi, sản xuất thô sơ nay bắt tay vào làm quen với việc làm ra sản phẩm đúng chuẩn. Bà Hồ Thị Thương, ở thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng phấn khởi kể: “Trước nay tui sống nhờ vào cây lúa, cây ngô trên rẫy. Năm nào cũng thiếu gạo ăn. Được tham gia vào tổ sản xuất ống hút tre, thu nhập đỡ hẳn, có đồng ra đồng vào mua gạo và chi phí sinh hoạt”.
Nghề làm ống hút tre giúp đồng bào DTTS cải thiện cuộc sống
Mỗi ngày với anh Hồ Văn Noi bây giờ không phải la cà bên chén rượu. Từ sớm anh đã mang rựa lên núi, tỉ mẩn chọn từng cây Len Xanh (còn gọi là tre) đủ độ già, thẳng và đẹp để chặt đem về. “Hồi đầu đi lấy tre về dùng rựa để cắt ống theo kích thước đặt hàng. Nhưng công việc đó khá chậm và tỷ lệ thành công tương đối thấp. Sau đó Tổ chức MCNV hỗ trợ mua máy cắt nên công việc thuận tiện hơn, sản phẩm làm ra không bị trả về vì chưa đạt chuẩn như trước. Bây chừ có tuần bán ống hút xong được cầm trên tay gần cả triệu bạc, số tiền mà trước đây vợ chồng tui chẳng mấy khi nghĩ đến. Nguyên liệu Len Xanh có sẵn trên rừng rồi, chỉ cần siêng năng làm việc thì không lo con cái đói bữa nữa. Tui cũng bàn với vợ chuẩn bị đất vườn trồng thêm Len Xanh để duy trì nguyên liệu, hạn chế phá rừng”, anh Noi bộc bạch.
Tháng 8-2017, MCNV triển khai Dự án hỗ trợ trẻ em gái vị thành niên DTTS ở Hướng Hóa. Mục tiêu dự án là từ năm 2017 đến 2020, có hơn 1.000 trẻ em gái vị thành niên DTTS ở 3 xã dọc biên giới Việt – Lào là Hướng Phùng, Hướng Lập và Hướng Việt. MCNV đã hợp tác với Hội An Roastery, một doanh nghiệp Hà Lan chuyên về dịch vụ cà phê tại TP.Hội An (tỉnh Quảng Nam), nhằm tạo việc làm cho các em gái vị thành niên đã bỏ học và thất nghiệp. |
Anh Nguyễn Thanh Tùng – điều phối viên dự án Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam tại Quảng Trị cho biết, liên kết tạo việc làm cho bé gái vị thành niên và sản xuất ống hút tre là các nội dung chính của dự án hỗ trợ trẻ em gái vị thành niên dân tộc thiểu số, góp phần hạn chế tình trạng tảo hôn, bỏ học sớm ở khu vực miền núi này mà nguyên nhân căn bản nhất vẫn là do nghèo khó. “Thời gian qua đã có gần 10 bé gái và 20 hộ gia đình ở 3 xã Hướng Phùng, Hướng Việt, Hướng Lập tham gia tìm việc làm và sản xuất ống hút tre. Đây là giải pháp thiết thực, vừa giúp bà con tăng thu nhập, vừa góp phần hướng bà con đến thị trường sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường. Thời gian tới, chúng tôi ưu tiên phát triển vùng nguyên liệu bằng giải pháp trồng tre tại vườn, đồng thời tìm cách liên kết để giúp bà con đa dạng hóa sản phẩm và cải thiện năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ”.
Rời Chênh Vênh giữa bình minh rực nắng, tiếng trống trường vang rộn một góc rừng pha lẫn âm thanh tiếng loa phát ra từ các ngõ xóm nhắc nhở bà con đưa trẻ đến trường, thấy sáng lên một niềm tin. Chênh Vênh bây giờ nói riêng và các bản làng khác nói chung ở 3 xã vùng cao Bắc Hướng Hóa, những cô bé lần đầu tiên tự tin về phố, giao tiếp với khách nước ngoài bằng tiếng Anh, các sản phẩm của bà con được miền xuôi, thậm chí cả doanh nghiệp nước ngoài đặt hàng… Câu chuyện tưởng chỉ có trong giấc mơ hàng chục năm, nay đã nhìn thấy được, chạm tới được. Hành trình đến bữa cơm đầy đặn, tà áo trắng phấp phới đến giảng đường không còn xa!
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Bình luận (0)