Công bố tài liệu chậm, thiếu giáo viên chuyên về bộ môn để giảng dạy… là những khó khăn trong việc giảng dạy môn giáo dục địa phương cho học sinh lớp 10 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trên toàn quốc nói chung và tại TP.HCM nói riêng.
Một hoạt cảnh về danh sư Võ Trường Toản trong chương trình sân khấu hóa chủ đề: “Danh sư Võ Trường Toản vạn thế sư biểu vùng đất phương Nam” do Trường THPT Nguyễn Du (Q.10) tổ chức. Ảnh: Y.Hoa
Vậy nhà trường và giáo viên đã khắc phục khó khăn này như thế nào? Sử dụng phương pháp giảng dạy linh hoạt ra sao để đem đến sự thích thú cho học sinh khi học bộ môn này?
Những khó khăn cho nhà trường
Tại TP.HCM, môn giáo dục địa phương dạy cho học sinh lớp 10 mới được đưa vào giảng dạy trong học kỳ II năm học này ở hầu hết các trường THPT. Lý do là trong học kỳ I, địa phương chưa có tài liệu học tập, và tài liệu này được UBND TP.HCM ban hành mới đây. Tài liệu giáo dục địa phương của TP.HCM dày 81 trang; thiết kế khoa học, rõ ràng từng phần; hình ảnh, màu sắc sinh động. Sách gồm 8 chủ đề, là những vấn đề cơ bản về văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp. Theo đó, chủ đề 1 nói về danh nhân Võ Trường Toản. Chủ đề 2 là đạo lý uống nước nhớ nguồn qua các nghi lễ dân gian ở TP.HCM. Chủ đề 3 giúp học sinh hiểu biết về quá trình tiếp nhận và biến đổi văn hóa của vùng đất Sài Gòn – Gia Định – TP.HCM. Chủ đề 4, sự hình thành và phát triển các loại hình văn hóa, văn nghệ của TP.HCM. Hoạt động sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp của TP.HCM là nội dung của chủ đề 5. Chủ đề 6 bàn về vấn đề du lịch với tên gọi: Khi tôi là “đại sứ du lịch”. Chủ đề 7 giáo dục học sinh việc bảo vệ môi trường. Và chủ đề 8 là kế hoạch lập nghiệp của bản thân. Mỗi chủ đề (bài học) được thiết kế dạy và học theo hướng tích cực, đổi mới giáo dục, gồm 4 hoạt động: khởi động, khám phá, luyện tập và vận dụng. Nhóm biên soạn (Nguyễn Bảo Quốc – Tổng chủ biên, Lê Duy Tân – Chủ biên) cho biết: “Với tính chất đồng hành, hỗ trợ, tài liệu vừa giúp học sinh phát triển các phẩm chất và năng lực của bản thân, vừa cụ thể hóa tình yêu quê hương bằng những suy nghĩ, hành động và việc làm cụ thể; góp phần xây dựng quê hương TP.HCM phát triển bền vững, hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, hội nhập sâu rộng với các khu vực, vùng miền trên cả nước”.
Tuy nhiên, một số trường đã giảng dạy từ đầu năm học khi chưa có tài liệu, việc này xem như đã tự ý “cầm đèn chạy trước ô tô”, và thật sự đáng băn khoăn, vì không biết đã dạy cho học sinh nội dung gì? Vì tài liệu ban hành chậm nên gây ra một số khó khăn cho trường THPT. Do giáo viên chuyên về bộ môn này không có, nên nhà trường phải bố trí giáo viên bộ môn khác để kiêm nhiệm. Đa số thầy cô là giáo viên các bộ môn học xã hội như ngữ văn, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân…
Việc dồn hết chương trình cả năm vào một học kỳ đòi hỏi nhà trường phải chủ động sắp xếp thời khóa biểu một cách khoa học hơn, cách tổ chức dạy học sao cho hợp lý để vừa kịp tiến độ vừa không quá tải với học sinh, và đặc biệt là đem đến hiệu quả và thích thú cho các em.
“Hóa giải” khó khăn, tạo sự thích thú cho học sinh
Một số cách làm ở nhiều trường THPT như tăng thêm số tiết (từ 1 tiết lên 2 tiết) trong giờ học chính khóa. Bên cạnh các tiết học tại lớp, nhà trường còn tổ chức cho học sinh cả khối học tập trung dưới sân trường do nhóm giáo viên phụ trách. Trong các buổi học tập trung này, học sinh rất hào hứng vì tự mình thuyết trình nội dung, được tham gia trò chơi trắc nghiệm kiến thức có thưởng, được học kiến thức kết hợp với xem biểu diễn nghệ thuật, sân khấu hóa. Chẳng hạn, với chủ đề 1, nói về danh sư Võ Trường Toản, Trường THPT Nguyễn Du (Q.10) đã sân khấu hóa dưới sân cờ với chủ đề: “Danh sư Võ Trường Toản vạn thế sư biểu vùng đất phương Nam”. Qua hoạt cảnh sân khấu hóa này, cuộc đời và sự nghiệp của danh sư Võ Trường Toản tái diễn lại, đem đến nhiều xúc cảm cho học sinh.
Học sinh lớp 10 Trường THPT Tây Thạnh (Q.Tân Phú) trong một tiết học giáo dục địa phương dưới sân cờ
Tại tiết học ở lớp, nhiều giáo viên cũng đã “thực tiễn hóa” bài học bằng các hoạt động vui tươi, đem đến nhiều hứng thú cho học sinh. Chẳng hạn, với phương châm “biết mà học không bằng thích mà học, thích mà học không bằng vui mà học” của Khổng Tử, một giáo viên Trường THPT Tây Thạnh (Q.Tân Phú) đã cho học sinh làm “sống lại” các hình thức diễn xướng (lý, hò, vè, nói thơ, ca cổ…) của vùng đất Sài Gòn – Gia Định xưa trong chủ đề 4, sự hình thành và phát triển các loại hình văn hóa, văn nghệ của TP.HCM.
Việc kiểm tra, đánh giá cũng được nhiều trường THPT tại TP.HCM chú trọng đến tính thực tiễn. Chẳng hạn, đa số giáo viên sau khi cho học sinh học xong các chủ đề cũng thường cho học sinh thực hiện các sản phẩm. Cụ thể là các sản phẩm về tranh ảnh Sài Gòn – Gia Định xưa (với chủ đề 3 – quá trình tiếp nhận và biến đổi văn hóa của vùng đất Sài Gòn – Gia Định – TP.HCM). Học sinh thực hiện các clip phóng sự về môi trường sống (chủ đề 7 – giáo dục học sinh việc bảo vệ môi trường). Hay với chủ đề 8 là kế hoạch lập nghiệp của bản thân, thì yêu cầu học sinh phải lập được bản kế hoạch cho bản thân mình. Việc kiểm tra cuối kỳ cũng được nhiều trường cho học sinh thực hiện sản phẩm trong các chủ đề đã học.
Tuy nhiên, việc giảng dạy bộ môn giáo dục địa phương như hiện nay còn nhiều băn khoăn về tính hiệu quả. Nhất là việc dạy và học còn nặng về lý thuyết mà thiếu trải nghiệm thực tế. Chẳng hạn, với chủ đề về hoạt động sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp của TP.HCM (chủ đề 5) thì cần cho học sinh trải nghiệm thực tế như thế nào? Chủ đề 6, bàn về vấn đề du lịch, thì nên tổ chức cho học sinh tìm hiểu các địa danh, thắng cảnh ra sao? Rõ ràng đây là những hoạt động cần thiết khi học bộ môn giáo dục địa phương, nhưng cũng sẽ khó khăn cho các trường khi thực hiện.
Trần Nhân Trung
Bình luận (0)