Ngoại hạng Anh, một trong những giải bóng đá hấp dẫn nhất thế giới và một số giải đấu quốc tế khác, đứng trước nguy cơ có thể bị cắt sóng tại Việt Nam nếu tình trạng vi phạm bản quyền truyền thông vẫn diễn ra nghiêm trọng.
Ngoại hạng Anh nằm trong số những giải đấu bị vi phạm bản quyền phát sóng tại Việt Nam
Vừa ăn cắp bản quyền vừa thực hiện hành vi vi phạm pháp luật khác
Câu chuyện vi phạm bản quyền phát sóng trên không gian mạng, internet, trong đó có các giải bóng đá lớn không phải là mới mẻ tại Việt Nam mà đã xảy ra từ nhiều năm nay. Các đơn vị vi phạm bản quyền đã ngang nhiên “ăn cắp” bản quyền một cách trắng trợn, hoặc bằng hình thức tiếp sóng trực tiếp các giải bóng đá lớn của thế giới ngay tại thời điểm các kênh truyền hình hợp pháp tại Việt Nam phát sóng, hoặc bằng hình thức cắt ghép, biên tập lại rồi sau đó đăng trái phép ở các kênh bất hợp pháp.
Nạn vi phạm bản quyền phát sóng tại Việt Nam còn lập một “kỷ lục” đáng xấu hổ và gây nhức nhối khi biến Việt Nam thành quốc gia đứng thứ 2 trên thế giới về số lượng người xem lậu các giải bóng đá quốc tế. Một số đơn vị bị vi phạm đã từng than thở rằng, cuộc chiến với các kênh lậu là cuộc chiến không cân sức mà họ như đi trong đường hầm không có ánh sáng.
Cách đây 3 năm, đơn vị trực thuộc Đài truyền hình Việt Nam là Tổng công ty truyền hình Cab Việt Nam (VTVcab) từng là nạn nhân của tình trạng xâm phạm bản quyền khi giải UEFA Champions League bị phát tán tràn lan. Điều đáng buồn là đến năm 2020, tình trạng vi phạm ngày càng nghiêm trọng với mức độ ngày một tinh vi. Chỉ riêng năm ngoái, VTVcab đã phát hiện 30.000 video lậu trên Facebook, 8.000 video lậu trên YouTube, chưa kể ở các nền tảng xã hội khác.
Luật sư Phạm Thanh Thủy, Trưởng bộ phận chống vi phạm bản quyền, Công ty TNHH Truyền hình số vệ tinh Việt Nam K+, chia sẻ: “Tình trạng vi phạm bản quyền các nội dung phát sóng trên K+ diễn ra khá phổ biến và không giới hạn ở một nội dung nào. Tuy nhiên, theo thống kê hằng tháng, tỷ lệ vi phạm bản quyền các trận đấu bóng đá luôn cao hơn nội dung khác, đặc biệt là trận hấp dẫn có sự tham gia của các đội bóng lớn của giải Ngoại hạng Anh, Champions League và Europa League mà K+ sở hữu độc quyền phát sóng trên lãnh thổ Việt Nam. Theo như rà soát của chúng tôi, có đến 50 website bóng đá lậu. Những website này còn thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật khác như cá độ bóng đá”.
Thiệt hại vài trăm tỉ đồng/năm, đất nước bị thất thu thuế
Luật sư Phạm Thanh Thủy cho hay: “Trung bình mỗi tháng, đội ngũ chống vi phạm bản quyền của K+ phát hiện khoảng 4.000 đường link vi phạm bản quyền phát sóng các nội dung trên K+ bao gồm thể thao và phim ảnh, tương đương gần 2 triệu lượt truy cập trái phép. Mặc dù 80% số link vi phạm bị gỡ bỏ, nhưng cũng gây thiệt hại không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của K+ cũng như các đối tác của chúng tôi hay đơn vị cung cấp nội dung cho K+, nhất là vào thời điểm các nội dung bóng đá được phát sóng trực tiếp. Ước chừng mỗi năm, chúng tôi thiệt hại khoảng 300 tỉ đồng. Không chỉ đơn vị sở hữu bản quyền bị thiệt hại nặng nề về kinh tế mà theo quan điểm của chúng tôi, lợi ích đất nước cũng bị ảnh hưởng khi bị thất thu thuế”.
Một quan chức VTVcab nói: “Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) quy định rất rõ ràng là khi bán bản quyền cho bất cứ một đơn vị nào, đơn vị đó ngoài việc trả tiền bản quyền để được phát sóng trên lãnh thổ Việt Nam còn phải có trách nhiệm bảo vệ bản quyền, không cho phép bất cứ đơn vị nào khác phân phối, ghi hình, quay hình, kinh doanh, phát sóng dưới bất cứ hình thức nào. Nếu bị vi phạm thì đơn vị mua bản quyền chịu trách nhiệm cho tất cả hành vi đó và sẽ bị cắt nếu như không bảo vệ được bản quyền tại khu vực mình đang phát sóng”.
Ban tổ chức giải Ngoại hạng Anh mỗi năm sẽ kiểm tra bất ngờ ít nhất 8 lần, nếu hệ thống kỹ thuật của các đơn vị truyền hình như K+, VTVcab không đủ yêu cầu, không đáp ứng được việc chống vi phạm sẽ được nhắc nhở ngay. Không loại trừ khả năng, nếu giải Ngoại hạng Anh tiếp tục bị xâm phạm bản quyền nghiêm trọng tại Việt Nam, BTC từ nước Anh sẽ yêu cầu các đơn vị mua bản quyền giải đấu này bồi thường kinh tế và tiến tới cắt sóng trên lãnh thổ Việt Nam.
Không thể “bó tay”
Theo quy định của pháp luật, hành vi vi phạm bản quyền sẽ bị phạt từ 100 – 200 triệu đồng, thậm chí bị phạt tù 3 năm và đơn vị vi phạm phải bồi thường thiệt hại gây ra cho đơn vị mua bản quyền. Theo ý kiến của một số luật sư, việc xử phạt chưa tương xứng với mức độ thiệt hại mà các đơn vị sở hữu bản quyền phải gánh chịu. Trước khi luật pháp có sự điều chỉnh về mức độ tăng nặng trong xử lý nạn “ăn cắp” bản quyền, trong cuộc chiến khá gian nan và lâu dài này, chính các đơn vị mua bản quyền phải tự cứu lấy mình và nhờ cậy đến sự hỗ trợ của cơ quan nhà nước.
Luật sư Phạm Thanh Thủy nói: “Hiện K+ áp dụng kết hợp nhiều biện pháp chống vi phạm bản quyền từ các biện pháp kỹ thuật để gỡ bỏ tức thời các đường link vi phạm, chặn truy cập vào các website vi phạm bản quyền, cho đến các biện pháp hành chính, pháp lý cần thiết để xóa bỏ hoàn toàn những website vi phạm nhiều lần. Ngoài ra, chúng tôi cũng nhận được sự hỗ trợ tốt từ các cơ quan quản lý nhà nước qua những hành động, chính sách cụ thể như việc chặn người dùng truy cập vào các website vi phạm bản quyền”.
TT (theo thanhnien)
Bình luận (0)