Trong điều kiện địa hình khó khăn, khí hậu khắc nghiệt, thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã nỗ lực thực hiện nhiều chương trình, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tuy còn nhiều khó khăn nhưng đã từng bước tháo gỡ, xác định hướng đi, từng bước đổi thay diện mạo các bản làng vùng cao.
Đồng bào Cơ Tu ở xã Ch’ơm (Quảng Nam) được bộ đội biên phòng hướng dẫn trồng cây đẳng sâm
Giảm nghèo gặp nhiều thách thức
Miền núi tỉnh Quảng Nam chiếm diện tích lớn, địa hình phức tạp, thường xuyên bị tác động ảnh hưởng bởi thiên tai nên đời sống kinh tế của bà con đồng bào thiểu số thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn. Giải pháp giảm nghèo luôn là một thách thức lớn đối với chính quyền địa phương. Ông Alăng Mai – Trưởng ban dân tộc tỉnh Quảng Nam cho biết, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn 70 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh còn khá cao, chiếm tỷ lệ 23,35% (theo tiêu chí nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025). Trong đó hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 95,5%. Có gần 5.000 hộ ở nhà tạm bợ, dột nát; 1.347 hộ có nhu cầu về đất ở; 2.062 hộ thiếu đất sản xuất cũng như nhu cầu chuyển đổi ngành nghề; 6.527 hộ thiếu nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 4.157 hộ có nhu cầu sắp xếp dân cư tập trung và xen ghép… Đây là những thách thức lớn cho chính quyền địa phương trong việc giảm tỷ lệ nghèo, phát triển bền vững cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Nam.
Để thực hiện có hiệu quả công tác dân tộc và chính sách dân tộc, UBND tỉnh đã tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND tỉnh Quảng Nam ban hành 8 nghị quyết và 1 chỉ thị, đồng thời thành lập Ban Chỉ đạo và văn phòng điều phối các cấp để tham mưu công tác thực hiện các chương trình, dự án. Quảng Nam cũng đã thông qua HĐND tỉnh và UBND tỉnh ban hành quyết định phân bổ vốn cho các địa phương thuộc vùng thụ hưởng chương trình trên địa bàn tỉnh để triển khai thực hiện. Thông qua các dự án, chương trình này, tỷ lệ giảm hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số của Quảng Nam thực hiện đạt trên 10% (kế hoạch trên 3%); triển khai xây dựng mới và sửa chữa 60 công trình; đã thực hiện giao khoán, bảo vệ ổn định rừng tự nhiên cho nhân dân quản lý bảo vệ 4.037ha (kế hoạch 54.557ha). Tiếp tục phát huy kết quả đạt được, quý 1/2023 (tính đến 20-3-2023), tỉnh Quảng Nam giải ngân vốn đầu tư 17.839,13 triệu đồng, đạt 7,9%, vốn sự nghiệp 2.247,09 triệu đồng, đạt 1,6%.
Bà con dân tộc thiểu số xã Tr’Hy (Quảng Nam) thay đổi tư duy phát triển kinh tế
Ông Lê Văn Dũng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam nhìn nhận, mặc dù đạt được một số kết quả nhất định, tuy nhiên do năm 2022 là năm đầu tiên triển khai thực hiện chương trình nên các văn bản hướng dẫn thực hiện còn chưa kịp thời dẫn đến nguồn vốn ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh đã được phân bổ nhưng không có cơ sở để thực hiện. Bên cạnh đó, nguồn vốn ngân sách Trung ương phân bổ cho địa phương vào đầu quý 3/2022 trong khi nghị quyết HĐND tỉnh ban hành để làm cơ sở triển khai thực hiện đã là quý 4/2022, đây là mùa mưa bão ảnh hưởng đến tiến độ thi công, do đó công tác giải ngân nguồn vốn năm 2022 đạt thấp.
Nỗ lực phát triển kinh tế miền núi
Năm 2022 và quý 1/2023, tình hình đời sống, sản xuất vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam tiếp tục chuyển biến tích cực. Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tiếp tục được tăng cường, nhất là việc trồng và chăm sóc rừng, khoanh nuôi bảo vệ được quan tâm đầu tư thực hiện từ các nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia và nguồn lực địa phương. Công tác giáo dục – đào tạo tiếp tục được quan tâm đầu tư cả về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên. Công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số được các cấp, các ngành quan tâm. Từ đầu năm đến nay không xảy ra dịch bệnh, tình hình an ninh trật tự và an toàn xã hội cơ bản được giữ vững.
Tại buổi làm việc với Quảng Nam vào cuối tháng 4 vừa qua, ông Hầu A Lềnh – Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương nhìn nhận, Quảng Nam đã chủ động, tích cực và quyết liệt trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Nhờ đó, bức tranh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh thời gian qua có nhiều khởi sắc. Ông Hầu A Lềnh cũng lưu ý, Quảng Nam cần tiếp tục rà soát, đánh giá lại hiệu quả các dự án liên quan đến khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Mục tiêu là phải hướng đến việc triển khai các dự án, chương trình ngày càng hiệu quả, đảm bảo phù hợp với điều kiện, yêu cầu thực tế của địa phương. Trước mắt có thể thí điểm, đồng thời báo cáo với Trung ương để hỗ trợ, xin “cơ chế đặc thù”, chẳng hạn như mô hình trồng sâm Ngọc Linh ở miền núi. |
Ông Lê Văn Dũng cho biết, mặc dù có những khó khăn nhưng Quảng Nam đã từng bước tìm cách tháo gỡ; chủ động rà soát, phối hợp để triển khai đảm bảo quy trình, yêu cầu đặt ra. Đặc biệt, việc triển khai, phân bổ các nguồn lực sớm để thực hiện đạt những kết quả nhất định. Thời gian qua, việc phối hợp giữa địa phương với Trung ương, giữa các cấp từ tỉnh đến cơ sở được tỉnh Quảng Nam chỉ đạo thống nhất, thường xuyên, vì thế đã giúp quá trình triển khai chương trình mang lại hiệu quả thiết thực. Thời gian tới, Quảng Nam sẽ tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt những nội dung đã rõ, đã cụ thể hóa, kể cả việc phân bổ và giải ngân các nguồn vốn; chủ động tập trung ở những địa bàn khó khăn trước để thúc đẩy tiến độ và hiệu quả các dự án, chương trình. “Chúng tôi mong rằng, Trung ương sẽ đơn giản hóa các thủ tục hoặc phân cấp cho tỉnh, huyện để thuận lợi thực hiện, gắn thực tiễn với từng địa phương. Cần có chế độ, chính sách ưu đãi cho cán bộ, người dân vừa thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn; sớm tháo gỡ khó khăn về thuê dịch vụ môi trường rừng, tạo thuận lợi cho người dân trồng sâm Ngọc Linh và dược liệu dưới tán rừng, góp phần thoát nghèo bền vững”.
Phan Lệ
Bình luận (0)