Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã cho biết điều này tại buổi họp báo thông tin về tình hình phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM, diễn ra chiều 9-9.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn phát biểu tại buổi họp báo
Trước câu hỏi của phóng viên về tình trạng lực lượng y tế tuyến đầu gặp khó khăn, thiếu thốn vì sao đến nay Bộ Y tế mới biết, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn khẳng định: “Ngay từ lúc đầu lực lượng y tế của Trung ương và một số địa phương vào TP.HCM hỗ trợ đã nhận được sự quan tâm của TP.HCM hết sức chi tiết, chu đáo. TP đã bố trí chỗ ăn, ngủ và điều kiện làm việc, sinh hoạt cho lực lượng y tế, không có lý do nào để nói chưa được quan tâm và thiếu thốn”.
Ông Sơn cho biết, tình hình dịch bệnh tại TP.HCM diễn ra hết sức phức tạp, khó lường, có những lúc phải thay đổi để cải thiện chính sách. Khoảng 20.000 cán bộ, nhân viên y tế được TP huy động tham gia phòng chống dịch trong giai đoạn đầu. Tuy nhiên số lượng người nhiễm Covid-19 tăng rất nhanh nhưng chúng ta đã kịp thời huy động lực lượng từ các cơ sở y tế Trung ương, địa phương, bệnh viện tư nhân tham gia vào công cuộc phòng, chống dịch trên địa bàn TP.HCM trong hơn 100 ngày qua.
Thời gian qua, lực lượng hỗ trợ đến TP.HCM khoảng 6.700 người đã được phân công làm việc ở trung tâm hồi sức điều trị tích cực, ở bệnh viện tầng 3, tầng 2, bệnh viện dã chiến, lấy mẫu xét nghiệm, tiêm vắc xin… Đây là sự huy động cho ngành y tế lớn nhất từ trước đến giờ.
Bên cạnh sự phân công điều động, những “chiến sĩ áo trắng” khi vào thực hiện nhiệm vụ còn có tâm huyết, tinh thần tự nguyện, đồng thời cũng mong muốn hỗ trợ người dân TP.HCM để chung tay vượt qua đại dịch Covid-19.
Ông Sơn cho biết thêm, Bộ Y tế luôn luôn có sự phối hợp với các đồng chí Thành ủy, UBND, Sở Y tế cho đến các đơn vị được Thành ủy phân công như công ty du lịch, Thành đoàn để làm sao có mối quan hệ tốt nhất và giúp cho các đồng nghiệp có điều sinh hoạt, thực nhiệm vụ, trách nhiệm của mình trên các đơn vị, địa bàn được phân công.
Bộ phận kiểm tra của Bộ Y tế cũng phối hợp với TP đến nơi kiểm tra các khó khăn của đồng nghiệp để kịp thời xử lý. Đây là vấn đề không phổ quát, tổng quan mà chỉ là những hiện tượng, Bộ Y tế sẽ tập trung cùng TP tiếp tục đề ra các biện pháp xử lý, giải quyết cho các đồng nghiệp.
Trước câu hỏi có hay không sự việc một số y bác sĩ không dám lên tiếng về khó khăn, thiếu thốn tại các bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị Covid-19, ông Sơn cho biết: “Chúng tôi luôn khuyến khích các đồng nghiệp làm việc tốt rồi thì tốt hơn, hiệu quả rồi thì hiệu quả hơn nữa. Trong quá trình đó, chúng tôi luôn có sự trao đổi hai chiều với trưởng nhóm ở các địa phương, xét nghiệm, các bệnh viện hồi sức tích cực. Bất cứ ý kiến, phản hồi nào của các đồng nghiệp đều được Bộ Y tế ghi nhận, cùng với TP xử lý hết sức trách nhiệm và nghiêm túc”.
Tuy nhiên, trong quá trình làm việc với gần 7.000 người sẽ không thể giải quyết hết quyền lợi, lợi ích, mong mỏi của các đồng nghiệp. “Chúng tôi xin nhận trách nhiệm và lần nữa khẳng định cơ quan thường trực Bộ Y tế tại TP.HCM cùng TP.HCM, các đơn vị hỗ trợ luôn luôn cùng mục đích, sẽ cố gắng hài hòa tất cả quyền lợi của các y bác sĩ để đạt được mục tiêu vượt qua bệnh Covid”, ông Sơn nói.
Trước câu hỏi nhiều đơn vị phía Bắc bắt đầu rút dần nhân sự tại TP.HCM để bổ sung cho địa phương, Bộ Y tế có giải pháp như thế nào, ông Sơn khẳng định từ giờ đến ngày 15-9, Bộ Y tế chưa có bất cứ kế hoạch nào rút bớt đội ngũ chi viện, dù ở bất kỳ vị trí nào. “Do đó, người dân hết sức yên tâm, đội ngũ chi viện đã vào là làm hết mình”, ông Sơn nói.
Ông nhấn mạnh, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tất cả các lực lượng y tế đang hỗ trợ cho TP.HCM đều phải tiếp tục hỗ trợ cho TP.HCM. Nếu có đơn vị yêu cầu chuyển đổi thì Bộ Y tế yêu cầu rút bao nhiêu phải tuyển vào bấy nhiều. Đồng thời phải có khoảng thời gian gối đầu để người mới tới quen việc, người đến trước hướng dẫn lại để đảm bảo cơ chế trong điều hành, thực hiện công việc được đồng bộ.
Liên quan đến Công văn 7330 ngày 4-9 của Bộ Y tế quy định kỷ luật y bác sĩ nếu “tự ý bỏ việc hoặc vi phạm quy định về đạo đức hành nghề” đang gây chú ý thời quan qua, ông Sơn chia sẻ Công văn đưa ra không phải để kỷ luật mà chỉ có hình thức khuyến cáo.
Công văn yêu cầu người đứng đầu các cơ sở y tế phải bố trí nhân lực đảm bảo đủ cho công tác khám chữa bệnh cho bệnh nhân Covid-19 và các bệnh khác không bị Covid-19. Đây là trách nhiệm của ngành y tế. Bộ Y tế nâng cao truyền thông ý thức trách nhiệm nghề nghiệp của y bác sĩ, khuyến khích các hình thức khen thưởng y bác sĩ. Theo đó, chiến sĩ tuyến đầu dũng cảm thì sẽ được đanh giá, khen thưởng và có những chế độ phù hợp.
Thời gian qua, một số đơn vị y tế trên cả nước có hiện tượng từ chối bệnh nhân, để xảy ra tổn thất sinh mạng. Bên cạnh đó, trước diễn biến phức tạp khó lường của dịch Covid-19, các trường hợp diễn biến nặng, tử vong nhiều ở các đơn vị y tế cấp dưới. Trong thời gian đầu, một số bác sĩ do sức ép tâm lý chịu không nổi nên đã tự ý bỏ việc.
“Công văn đưa ra không phải để kỷ luật mà chỉ có hình thức khuyến cáo. Việc Bộ Y tế nhắc nhở là mong muốn các y bác sĩ hãy cùng nhau chung sức cho trận chiến phòng chống Covid để cùng toàn thể người dân Việt Nam đạt được những thắng lợi vì dịch hiện nay hết sức phức tạp, khó lường”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết.
N.Trinh
Bình luận (0)