Bộ GTVT đang lấy ý kiến dự thảo kế hoạch đi lại “bình thường mới” trên cả nước. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng nếu các địa phương vẫn “ngăn sông cấm chợ” thì vận tải rất khó bình thường mới trở lại, ảnh hưởng tiêu cực tới kế hoạch mở cửa dần nền kinh tế.
Hành khách tại ga Sài Gòn trước giãn cách. ẢNH: KHẢ HÒA
Bay nội địa lo phải cách ly tập trung
Sáng qua 23.9, chuyến bay VN18 thí điểm cách ly tập trung 7 ngày đã đưa 301 công dân VN có “hộ chiếu vắc xin” từ Pháp về nước. Tuy nhiên ở trong nước, sau rất nhiều thảo luận, tới nay vẫn chưa rõ những hành khách đã có “thẻ vàng” (tiêm 1 mũi vắc xin phòng Covid-19) hay “thẻ xanh” (tiêm 2 mũi) sẽ được di chuyển như thế nào, trong bối cảnh mạng lưới vận tải khách ở tất cả lĩnh vực đều đang đóng băng.
Dự thảo kế hoạch khôi phục vận tải đang được Bộ GTVT xây dựng với cả 5 lĩnh vực gồm hàng không, đường bộ, đường sắt, hàng hải và đường thủy nội địa, dựa trên nền tảng là lái xe, tổ bay cũng như hành khách phải được tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin hoặc có giấy xét nghiệm (XN) âm tính.
Trong dự thảo, Bộ GTVT đề xuất với hàng không, các sân bay tại các địa phương đang giãn cách theo Chỉ thị 16 được hoạt động và tiếp nhận hành khách để đi hoặc đến các địa phương không áp dụng Chỉ thị 16. Với các địa phương áp dụng Chỉ thị 15 và 19, Bộ GTVT đề xuất 2 phương án với 4 giai đoạn (cách nhau 10 ngày), theo đó tần suất đường bay tăng dần từ 50% (so với trung bình 10 ngày đầu tiên của tháng 4.2021) lên 70% (giãn cách ghế), lên 70% (không giãn cách ghế), và khai thác bình thường trở lại.
Sân bay sẵn sàng đón khách
Cùng kế hoạch mở cửa du lịch Phú Quốc, đón khách quốc tế, Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc đang nỗ lực triển khai các biện pháp phòng chống dịch, chuẩn bị phục vụ đón du khách.
Cụ thể, sân bay Phú Quốc đã trang bị trang thiết bị, vật tư y tế phòng chống dịch và trang bị bảo hộ cho cán bộ, nhân viên, thực hiện quy trình kiểm soát tình hình sức khỏe hành khách thông qua “hộ chiếu vắc xin”,xét nghiệm ngay tại sân bay…
Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) cho biết đang nỗ lực phối hợp với Cục Hàng không, DN trong ngành và các đơn vị liên quan xây dựng chương trình “Hành lang xanh” với mục tiêu đảm bảo an toàn phòng chống dịch, khôi phục việc đi lại bằng đường hàng không trong trạng thái bình thường mới.
|
Trong thời gian thực hiện 3 giai đoạn đầu, với các đường bay mới, đường bay có tần suất 1 chuyến/ngày được khai thác với tần suất 1 chuyến/ngày và thực hiện giãn cách ghế trong giai đoạn 1.
Tổ bay và nhân viên hàng không khác tham gia dây chuyền phục vụ chuyến bay phải được tiêm tối thiểu 1 mũi vắc xin ít nhất sau 14 ngày, hoặc có giấy XN âm tính còn hiệu lực và đảm bảo duy trì năng định theo quy định về khai thác bay.
Tuy nhiên, ngay cả các địa phương không còn giãn cách theo Chỉ thị 16 cũng chưa có kế hoạch mở cửa đi lại. Đơn cử, Hà Nội đã hạ mức giãn cách xuống theo Chỉ thị 15, song vẫn chưa khôi phục xe khách liên tỉnh, đồng thời đề xuất chưa khôi phục đường sắt cũng như các chuyến bay tới Nội Bài.
Theo đại diện một hãng hàng không, không nên chỉ gói gọn vận chuyển đi, đến tại các địa phương không giãn cách, do những địa phương đang giãn cách theo Chỉ thị 16 lại có tỷ lệ tiêm vắc xin mũi 1 và đủ 2 mũi cao nhất cả nước. Cụ thể, với hàng không, nếu cần làm chặt hơn thì hành khách có thể XN nhanh ngay tại sân bay, 5 phút có kết quả, nếu âm tính thì được bay mà không bị cách ly tại nơi đến.
Cũng theo vị này, nếu khôi phục bay nội địa trở lại nhưng các địa phương vẫn yêu cầu cách ly tập trung thì không khác gì trói chân hành khách. Trong khi đó, hàng không hoàn toàn có thể lập “hành lang xanh” từ sân bay đi cho tới sân bay đến, bố trí xe đưa hành khách về cơ quan hoặc cách ly tại nhà (không cách ly tập trung).
Hành khách làm thủ tục tại sân bay Nội Bài trước thời điểm Hà Nội giãn cách theo Chỉ thị 16 vào cuối tháng 7. ẢNH: NGỌC THẮNG
Gánh nặng chi phí xét nghiệm
Tương tự, với vận tải đường bộ, Bộ GTVT đề xuất 2 phương án: lái xe, nhân viên phục vụ trên xe đáp ứng tiêu chí 5K; phương án còn lại là phải tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã mắc và khỏi Covid-19 trên 6 tháng, người chưa tiêm hoặc mới tiêm vắc xin mũi 1 phải có XN âm tính trong 72 giờ.
Dù hàng chục chiếc xe đang nằm đắp chiếu, song ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát, chủ hãng xe Sao Việt, cho biết chỉ mong muốn được hoạt động khi dịch được kiểm soát. “Nếu hoạt động như trong tình trạng hiện nay thì cũng chỉ cầm chừng, không khả thi về mặt kinh tế. Nhà xe nếu chỉ được chạy một nửa công suất hoặc một nửa số ghế thì chỉ lỗ vốn, trong khi chi phí XN đang rất cao. Các địa phương đang quy định rất khác nhau, một số chỉ yêu cầu XN nhanh, nhưng nhiều nơi bắt buộc XN PCR với chi phí 700.000 – 800.000 đồng/người thì tài xế hay hành khách nào chịu nổi”, ông Bằng nói. Cũng theo nhà xe này, ngay cả chi phí XN nhanh mỗi lần 238.000 đồng/người cũng là gánh nặng rất lớn.
Theo một DN hàng không, để giảm chi phí, cạnh tranh về giá thành, cần xã hội hóa cho nhiều đơn vị nhập khẩu thiết bị XN Covid-19, thay vì chỉ giới hạn ở một số DN như hiện nay.
Cần “luồng xanh” cho vận tải hành khách
Nhấn mạnh GTVT là huyết mạch của nền kinh tế, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Group, cho rằng cần thiết mở lại ngay vận tải khách, từ đường dài cho tới đường ngắn. Đối với TP.HCM – trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, còn có đường không, đường sông và đường sắt. Tất cả phải được đặt chung vào một bài toán tổng thể để giải tỏa “mạch máu” đi khắp cơ thể.
Theo ông Kỳ, vấn đề đi lại của con người và hàng hóa thuộc trách nhiệm của Bộ GTVT, song trong bối cảnh hiện nay, đây là câu chuyện liên quan dịch tễ học, trách nhiệm quan trọng nhất thuộc về Bộ Y tế. Bộ GTVT xây dựng phương án cho người có thẻ xanh, thẻ vàng di chuyển, nhưng tiêu chuẩn được cấp thẻ xanh, thẻ vàng, đơn vị nào cấp… đến giờ vẫn chưa ngã ngũ.
“Theo kế hoạch, chỉ còn chưa tới 10 ngày nữa là TP.HCM sẽ bắt đầu mở cửa kinh tế. Thế nhưng đến giờ vẫn chưa ai biết tiêu chuẩn để có thẻ xanh như thế nào… Bộ Y tế cần nhanh chóng tham mưu cho Chính phủ ban hành bộ tiêu chuẩn chi tiết để chuẩn hóa, áp dụng thống nhất trên cả nước. Bộ tiêu chí này không chỉ là cơ sở để ngành giao thông xây dựng phương án đi lại mà còn là quy chuẩn chung cho tất cả các ngành dịch vụ, sản xuất khác tổ chức hoạt động kinh doanh phù hợp”, ông Kỳ nhấn mạnh.
Đồng tình, TS Đinh Thế Hiển, Giám đốc Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng, khẳng định nếu những quy định về đối tượng, điều kiện di chuyển của hành khách không được thống nhất, không gắn với tiến độ mở cửa của các địa phương thì cũng không thể triển khai. Ông Hiển lưu ý khi đã thống nhất mở cửa di chuyển cho người dân thì cũng phải thật sự tạo điều kiện cho các DN vận tải hoạt động thuận lợi. Đơn cử, nên bỏ quy định giới hạn tần suất khai thác của các DN vận tải. “Nếu tiếp tục áp dụng những điều kiện giãn cách theo hướng phòng thủ nhiều như vậy thì không gọi là mở cửa”, TS Hiển nêu quan điểm.
Theo Mai Hà – Hà Mai/TNO
Bình luận (0)