Thay vì đóng cửa toàn bộ trường học hoặc lớp học có học sinh hoặc giáo viên thuộc diện “có F”, trường học ở Bắc Giang chỉ khoanh vùng và chuyển sang dạy học trực tuyến với từng lớp, thậm chí tới từng học sinh.
Trường học 3 trong 1, lớp học dạy cùng lúc cả trực tiếp và trực tuyến
Tại Trường tiểu học Cảnh Thụy (H.Yên Dũng, Bắc Giang) đang tồn tại tới 3 hình thức dạy học khác nhau. Trong đó, đa số các lớp dạy học trực tiếp hoàn toàn, có 2 lớp kết hợp dạy học trực tiếp kết hợp với trực tuyến và 2 lớp dạy học trực tuyến hoàn toàn.
Lớp học vừa dạy trực tiếp vừa trực tuyến cho học sinh phải cách ly. Q.TRANG
Bà Trần Thị Uyên, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay trường có một số học sinh, giáo viên thuộc diện F1, F2. Tuy nhiên, theo tinh thần ứng phó linh hoạt với dịch bệnh, UBND H.Yên Dũng chỉ đạo trường không đóng cửa đồng loạt tất cả các lớp học và chuyển sang trực tuyến, mà khoanh vùng theo từng lớp, từng học sinh.
Cụ thể, 2 lớp (2B và 5A) do có học sinh thuộc diện F1, giáo viên và học sinh trong lớp thuộc diện F2 nên được quyết định tạm thời chuyển sang dạy học trực tuyến trong quá trình cách ly tại nhà.
Học sinh cách ly phải học từ xa nhưng vẫn cảm nhận được không khí lớp học trực tiếp. T.N
Đáng chú ý, có 2 lớp là 3C, 3B của trường đang dạy song song cả hình thức trực tiếp và trực tuyến trong cùng một thời điểm cho học sinh trong 1 lớp. Khi xuất hiện học sinh diện F2, nhà trường quyết định lớp học vẫn diễn ra theo hình thức trực tiếp và cho những học sinh diện F2 ở nhà học trực tuyến cùng giờ học với cả lớp.
Để làm được điều này, bà Uyên cho biết, trước đó nhà trường đã được trang bị 5 máy camera và màn hình trình chiếu để đặt tại lớp học kết nối giờ học trực tiếp với học sinh đang thực hiện cách ly. Do vậy, tuy không ngồi trong lớp học nhưng những học sinh học từ xa vẫn cảm nhận được không khí của buổi học trực tiếp với bài giảng của cô giáo và tương tác sôi nổi của các bạn tại lớp học chứ không chỉ từng ô vuông trên màn hình máy tính. Chỉ có một khác biệt duy nhất là thay vì ngồi vào bàn học của mình ở lớp thì một số học sinh này sẽ ngồi học ở nhà.
“Sau khi học sinh hết cách ly đến trường tham gia học tập, nhà trường chỉ đạo giáo viên xây dựng kế hoạch dạy bù kiến thức cần bổ sung để học đảm bảo theo kịp chương trình”, bà Uyên nói.
Tương tự, tại Trường THCS Nham Biền số 2 (H.Yên Dũng), một chiếc camera được đặt giữa lớp học 6E để phục vụ cho riêng 2 học sinh diện F1 được tham dự dù chưa thể đến trường cùng các bạn.
Mô hình này không chỉ áp dụng ở một số trường mà là chỉ đạo chung của Sở GD-ĐT với tất cả các trường trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
Bộ GD-ĐT mong nhiều địa phương làm được như Bắc Giang
Ông Trần Tuấn Nam, Giám đốc Sở GD-ĐT Bắc Giang, cho biết để kịp thời ứng phó với tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, ngành GD-ĐT chỉ đạo mỗi cơ sở giáo dục xây dựng ở mỗi khối lớp một phòng học trực tuyến, kết hợp với dạy trực tiếp nhằm giúp những học sinh phải nghỉ do cách ly vẫn được học đảm bảo đúng tiến độ của chương trình.
Đến trường, học sinh được tương tác trực tiếp với bạn bè, thầy cô. TUỆ NGUYỄN
Sở GD-ĐT cũng chỉ đạo các đơn vị, nhà trường chuẩn bị sẵn sàng các phương án, kịch bản, triển khai áp dụng các biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh Covid-19 xâm nhập vào trường học; các giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn trường học, đặc biệt an toàn cho học sinh trên đường đi học, trong thời gian học tập ở trường và các hoạt động giáo dục khác. Củng cố, kiện toàn “Tổ tự quản trường học tham gia bảo đảm an ninh, trật tự và phòng, chống dịch bệnh Covid-19”.
Nhờ vậy, tính đến ngày 2.11, số trường tổ chức dạy học trực tiếp ở Bắc Giang vẫn chiếm tỷ lệ áp đảo với 492 trường tổ chức dạy học trực tiếp hoàn toàn, 254 trường dạy học kết hợp cả 2 hình thức trực tiếp và trực tuyến, chỉ có 53 trường phải học trực tuyến toàn bộ.
Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT), chia sẻ ông đặc biệt ấn tượng với sự linh hoạt và nỗ lực của ngành GD-ĐT Bắc Giang để cố gắng tận dụng tối đa số lượng học sinh được học trực tiếp.
“Đây là một minh chứng thể hiện rất rõ nỗ lực làm thế nào để hạn chế ít nhất tác động của dịch bệnh, tận dụng tối đa thời gian học trực tiếp của học sinh, điều này càng đặc biệt quan trọng với học sinh tiểu học”, ông Tài nói.
Cũng theo ông Tài, nếu địa phương nào cũng linh hoạt như vậy thì chắc chắn số trường học, số học sinh đến trường học trực tiếp sẽ lớn hơn, đúng với tinh thần chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 128.
Ông Tài cũng đề nghị Bắc Giang cần linh hoạt hơn nữa, giao cho nhà trường quyền quyết định chuyển trạng thái dạy học, xây dựng kịch bản ứng phó với dịch khi có F0, F1, F2… trong nhà trường.
Ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, chia sẻ niềm vui đến trường học tập với học sinh Trường THCS Nham Biền 2 (H.Yên Dũng, Bắc Giang). ThTUỆ NGUYỄN
Kiểm tra công tác dạy học, đổi mới chương trình giáo dục phổ thông trong bối cảnh dịch bệnh ở Bắc Giang, ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, nhấn mạnh sự may mắn của học sinh Bắc Giang khi phần lớn các em được đến trường học trực tiếp trong bối cảnh rất nhiều nơi vẫn phải học trực tuyến vì dịch bệnh.
Ông Độ cũng đánh giá cao cách dạy học linh hoạt ứng phó với dịch bệnh của Bắc Giang và cho rằng, nếu các địa phương khác cũng có giải pháp như vậy thì sẽ tăng cơ hội được học trực tiếp của học sinh, góp phần đảm bảo chất lượng dạy học, mục tiêu quan trọng số một mà GD-ĐT luôn đặt ra.
Theo Tuệ Nguyễn/TNO
Bình luận (0)