Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Hiệu ứng truyền miệng chi phối doanh thu phim Việt

Tạp Chí Giáo Dục

Rải thông tin chơi xấu, truyền thông bẩn… là những cụm từ được nhắc đến nhiều hiện nay mỗi khi có phim Việt ra rạp đạt doanh thu không như ý. Hình thức tiếp thị bằng hiệu ứng truyền miệng (word of mouth) đang can thiệp mạnh vào chuyện lời – lỗ của phim.

“Chơi bẩn” trên mạng xã hội

Đạo diễn Tạ Nguyên Hiệp (phim Biệt đội rất ổn) vừa bức xúc lên tiếng việc phim bị “chơi bẩn” trên mạng. Cụ thể, trên Facebook cá nhân, đạo diễn đã đăng một số ảnh chụp màn hình bình luận chê bai phim, nhưng đáng chú ý là nhiều bình luận có nội dung giống nhau, thậm chí giống từng dấu phẩy, chỉ khác tên tài khoản.

Trước đó, vấn đề truyền thông “bẩn” này cũng từng bị đạo diễn Trần Hữu Tấn (phim Chuyện ma gần nhà), Lương Đình Dũng (phim 578: Phát đạn của kẻ điên) kêu trời khi phim của họ ra rạp.

Doanh thu phim Bẫy ngọt ngào (trên) và Chuyện ma gần nhà là 2 điển hình về hiệu ứng truyền miệng

Doanh thu phim Bẫy ngọt ngào (trên) và Chuyện ma gần nhà là 2 điển hình về hiệu ứng truyền miệng

Những bức xúc của các đạo diễn nhận được ít nhiều sự đồng tình nhưng đồng thời cũng làm dấy lên không ít hoài nghi từ phía công chúng cho rằng đây là chiêu trò PR phim của ê kíp. Hầu như mỗi lần có phim Việt ra rạp, nhất là khi 2 phim phát hành cùng thời điểm, câu chuyện về phim bị “chơi bẩn” bằng các seeding (gieo hạt – một hình thức marketing truyền miệng) chê lại bùng lên.

Thực hư ra sao vẫn chưa thể xác định. Chưa ê kíp nào lôi được thủ phạm ra ánh sáng nhưng đã quá đủ tạo ra hiềm khích giữa những đồng nghiệp làm phim, còn khán giả vẫn cứ nghi ngờ.

Trong buổi trò chuyện về chủ đề "Lời – lỗ tại marketing" do Xine House tổ chức cuối tuần qua, chị Dương Hải Yến – phụ trách marketing của CJ HK Entertainment – cho biết: “Khi có 2 phim Việt ra rạp cùng lúc, thường có những seeding ảo; đó có thể do một bên thứ ba làm mục đích để ê kíp 2 phim mâu thuẫn nhau. Truyền thông xã hội hiện nay nhiễu nhương nhiều thứ, nhà làm phim cần nhất là phải tự tin với sản phẩm của mình”.

Đối với phim Việt, những cảm nhận về phim do người nổi tiếng chia sẻ có sức lan tỏa rất nhanh. Nhưng những nhận xét, bình luận của khán giả trên mạng sau khi phim ra rạp một vài ngày mới quan trọng.

Chị Dương Hải Yến dẫn chứng: “Truyền miệng có khả năng cứu một phim tưởng sắp chết nhưng cũng có thể dìm chết một phim đang có doanh thu tốt. Dạo phim Bẫy ngọt ngào và Chuyện ma gần nhà ra cùng thời điểm, sau buổi ra mắt truyền miệng Chuyện ma gần nhà tạo hiệu ứng lớn nên doanh thu 3 ngày đầu cao. Bẫy ngọt ngào hiệu ứng truyền miệng cũng tốt nhưng không bằng.

Sau khi 2 phim chiếu, hiệu ứng khán giả ngược lại. Chuyện ma gần nhà có lẽ được quảng bá quá tốt, khán giả trông đợi nhiều, đến khi xem phim thấy không được như vậy nên phim bị chê nhiều. Bẫy ngọt ngào, trái lại, độ lan tỏa lên từ từ, suất chiếu, khán giả nhiều hơn. Hiếm hoi có trường hợp truyền miệng chê bai nhưng doanh thu phim vẫn tốt là Cù lao xác sống”.

Nhìn nhận về vấn đề seeding, đạo diễn Tạ Nguyên Hiệp cho rằng: “Là đạo diễn, đưa phim ra rạp là gần như mình trong tâm thế ngồi chờ xem con mình được công chúng đón nhận ra sao mà thôi. Ngay việc seeding, bản thân nó sẽ tốt nếu nó là sự thật, những lời khen chê luôn có sức mạnh riêng của nó”.

Nội lực quyết định

Trước đây khi mạng xã hội chưa bùng nổ, doanh thu thành – bại của một bộ phim có thể phụ thuộc vào tên tuổi ngôi sao, còn giờ đây thì hiệu ứng truyền miệng chi phối. Những bộ phim thành công phòng vé thời gian qua đều được lan tỏa trên mạng xã hội.

Anh Tuấn Nguyễn – từng phụ trách mảng phát hành ở BHD – nhận định: “Hiện nay giới làm phim ai cũng tìm mọi cách để phim phải gây tranh cãi, để có hiệu ứng truyền miệng; ra đến rạp mà không ai nói tới trên mạng là chết”. Nhưng cái gì cũng có tính hai mặt, lạm dụng quảng bá phim bằng hiệu ứng truyền miệng dễ khiến người xem ngờ vực, nhìn đâu cũng thấy seeding; nhất là khi nhà phát hành, nhà sản xuất phim chi phối được các fanpage phim. Phim càng nhận được nhiều lời khen, càng bị khán giả nghi ngờ là seeding. 

Có thể thấy seeding chỉ là công cụ quảng bá. Để công chúng không còn dị ứng, mất niềm tin vào những lời khen phim thì công tác quảng bá phim phải tương xứng với những gì phim có. Phim chất lượng thì hiệu ứng truyền miệng mới có thể phát huy được hiệu quả tích cực.

Anh Tuấn Nguyễn khẳng định: “Hiệu ứng truyền miệng rất quan trọng, nhất là với phim kinh phí thấp; nhưng để có hiệu ứng truyền miệng thì bản thân bộ phim phải có nội lực”.

Cù lao xác sống- bộ phim hiếm hoi dù bij truyền miệng chê bai nhưng doanh thu phim vẫn tốt

Cù lao xác sống – bộ phim hiếm hoi dù bị truyền miệng chê bai nhưng doanh thu vẫn tốt

Thị trường phim rạp cạnh tranh ngày càng khắc nghiệt, một bộ phim Việt thành công ở rạp hiện nay nhờ truyền thông góp phần không nhỏ. Nhưng yếu tố tiên quyết vẫn phải là chất lượng. Khán giả chỉ có thể bị các nhà quảng cáo phim “dắt mũi” vài ba ngày đầu nhưng không thể qua mặt mãi ở những buổi chiếu sau.

Trong trường hợp dùng seeding để chơi bẩn phim đồng nghiệp thì không chỉ hại người mà còn hại mình. Khán giả thời nay khá tinh ý, tỉnh táo để nhận ra những dấu hiệu của sự “tô hồng” hay “bôi bẩn” quá mức. Về lâu dài, để phim Việt cạnh tranh công bằng, để có được một thị trường marketing lành mạnh, nhà làm phim và khán giả không còn nỗi lo mang tên seeding, có lẽ việc cần làm là xây dựng được một hệ thống phê bình phim chuyên nghiệp chứ không chỉ trông vào các bình luận trên mạng xã hội như lâu nay. 

Theo Hương Nhu/PNO

 

Bình luận (0)