Tại hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 và đề ra phương hướng nhiệm vụ năm học 2022-2023 của Q.1 sáng 7-9, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu nhấn mạnh, để học sinh yêu thích môn học, thầy cô phải thay đổi… Mỗi tiết dạy phải xác định được học sinh cần nắm được gì, hình thành được phẩm chất nào, chứ không phải dạy học trò biết cái gì, nhớ cái gì.
Nhiều tập thể, cá nhân Q.1 hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học 2021-2022
Bà Lê Thị Bình – Trưởng phòng GD-ĐT Q.1 đánh giá, năm học vừa qua ngành GD-ĐT quận vẫn còn những hạn chế do dịch bệnh kéo dài. Một số giáo viên lớp 2, 6 do chưa được tham gia bồi dưỡng trực tiếp nên còn lúng túng trong triển khai hoạt động dạy học. Một số phụ huynh còn chú trọng về điểm số, thành tích, chưa ủng hộ việc dạy học, kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực. Giáo viên và nhân viên chuyển công tác, nghỉ việc trong năm học gây khó khăn cho trường trong sắp xếp, bố trí nhân sự.
Năm học 2022-2023, ngành GD-ĐT Q.1 đặt ra 14 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm. Trong đó, tập trung giáo dục lý tưởng đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, xây dựng văn hóa học đường, giáo dục thể chất cho học sinh; tổ chức linh hoạt dạy học an toàn, thích ứng với dịch COVID-19; củng cố, duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi; tăng cường điều kiện đảm bảo triển khai tốt nhất Chương trình GDPT 2018; nâng cao chất lượng, phát triển đội ngũ đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục; chú trọng tăng cường năng lực tiếng Anh…
Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu cho rằng để học sinh yêu thích môn học thầy cô phải thay đổi…
“Để phù hợp với cuộc sống hiện đại ngày nay, người thầy không đơn thuần là truyền thụ kiến thức mà thầy cô phải là người tạo ra năng lực ở người, học đòi hỏi thầy cô phải là những người chủ động nhập cuộc sớm nhất, dám dấn thân, dám dũng cảm để thay đổi và thích nghi”, bà Lê Thị Bình nhấn mạnh.
Ghi nhận, biểu dương và chúc mừng thành tích đạt được của thầy, trò ngành giáo dục quận nhà trong năm học vừa qua, Bí thư Quận ủy quận 1 Tô Thị Bích Châu nhìn nhận "việc trồng người lúc này là khó hơn bao giờ hết". Với riêng quận 1, bà cho rằng sự phân cấp giàu nghèo đang rõ nhất, hiện hữu nhất, khó có thể kéo giảm bằng vật chất mà chỉ có thể kéo giảm bằng tinh thần, trách nhiệm của thầy cô giáo, yêu nghề, truyền cảm hứng cho học sinh… Phụ huynh có điều kiện càng cao thì áp lực phụ huynh đặt ra với giáo viên càng lớn, đòi hỏi thầy cô phải vượt qua chính mình…
Bí thư Quận ủy Q.1 Tô Thị Bích Châu đánh giá, cách biệt giàu nghèo trong giáo dục chỉ có thể được kéo giảm bằng tình yêu thương của thầy cô
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu đánh giá, năm học vừa qua Q.1 dù có nhiều điều kiện song khó khăn cũng rất lớn. Việc dạy học trên truyền hình, dạy học trên internet cho học sinh lớp 1 ngay đầu năm học là cực kỳ thách thức, đòi hỏi sự sáng tạo của thầy cô giáo và kế hoạch phối hợp với phụ huynh, tạo cầu nối với phụ huynh, học sinh.
Ông cho biết, năm học 2022-2023 là năm học tập trung các mục tiêu đổi mới, năm thứ 3 bước sang Chương trình GDPT 2018, từng thầy cô, nhà trường cần xây dựng kế hoạch cụ thể hơn để phát huy được phẩm chất năng lực học sinh. Tạo điều kiện cho học sinh thực hiện khái niệm và thực hành nhiều hơn…
“Để học sinh yêu thích môn học, thầy cô phải thay đổi phương pháp dạy học và nội dung kiểm tra, đánh giá. Mỗi tiết dạy phải xác định được học sinh cần nắm được gì, hình thành được phẩm chất nào, chứ không phải dạy học trò biết cái gì, nhớ cái gì. Trong kiểm tra thì càng không được kiểm tra học trò biết gì, nhớ gì mà phải xây dựng được ma trận đánh giá, kiểm tra mức độ vận dụng của học sinh, phải cho học sinh học nhẹ nhàng, không nhàm chán”, Giám đốc Sở GD-ĐT chỉ rõ.
Năm học 2021-2022, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ngành GD-ĐT Q.1 đã thực hiện nhiều giải pháp sáng tạo trong dạy và học. 3.684 clip đã được xây dựng ở bậc mầm non với trên 60% trẻ tương tác. Bậc tiểu học với 165.499 tiết dạy trực tuyến, 1.492 tiết học online, xây dựng 389 tiết ghi hình dạy trên truyền hình với lớp 1, 2. Bậc THCS thực hiện 96.464 tiết dạy online và 11 tiết dạy ghi hình trên truyền hình. Trong năm học, cơ sở giáo dục đã vận dụng sáng tạo, mạnh dạn đổi mới. Các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, giáo dục thể chất học sinh, bồi dưỡng đội ngũ được triển khai tích cực; đẩy mạnh ứng dụng mô hình giáo dục STEAM vào tổ chức hoạt động cho học sinh. Công tác kiểm tra, đánh giá được thực hiện từng bước theo định hướng Chương trình GDPT 2018, tăng cường năng lực vận dụng thực tiễn… Toàn quận có 301 tập thể, cá nhân giáo viên và 298 giải tập thể, cá nhân học sinh đạt thành tích xuất sắc hội thi cấp quận, thành phố, quốc gia; 43 tập thể đạt tập thể lao động xuất sắc; 5 tập thể nhận cờ thi đua thành phố, 1 cờ thi đua chính phủ; 269 cá nhân đạt chiến sĩ thi đua cơ sở, 2 chiến sĩ thi đua cấp thành phố; 1 tập thể, 3 cá nhân nhận bằng khen của Bộ GD-ĐT; 11 tập thể, 212 cá nhân nhận bằng khen thành phố, 3 cá nhân bằng khen Thủ tướng; 1 tập thể nhận HCLĐ hạng ba. Dịp này, Q.1 khen thưởng 177 tập thể, cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học. |
Theo ông, đại dịch mang đến những mất mát, tổn thất rất lớn về tinh thần, đau thương về sinh mạng con người song cũng trang bị cho chúng ta năng lực ứng biến, sự sáng tạo trong dạy và học, sử dụng CNTT, xây dựng phần mềm quản lý dạy học LMS phù hợp. Năm học 2022-2023, thành phố đặt mục tiêu xây dựng 35% nội dung các hoạt động dạy học ở bậc trung học được thực hiện trên internet song không có nghĩa là cắt 35% giờ dạy thực tế đưa lên dạy trên internet. Ngoài bậc trung học, bậc tiểu học cũng cần nghiên cứu, suy nghĩ, tận dụng thành quả năm học vừa qua để nâng cao chất lượng giáo dục học sinh…
"Hiện giờ khi học sinh đến trường học trực tiếp thì thời lượng 35% đó sẽ dành cho quá trình tự học của học sinh, quá trình trao đổi, theo dõi của giáo viên và củng cố hướng dẫn, tăng cường, đảm bảo chất lượng giáo dục… Một cái hay nữa là dạy học trên internet mang tính chia sẻ rất lớn. Nếu trước đây, một thầy giáo giỏi chỉ có một lớp được hưởng thôi thì với nền tảng internet có khi cả thành phố được thụ hưởng tinh hoa, kinh nghiệm đó của giáo viên này qua những chuyên đề, tiết học được tổ chức qua internet", ông Nguyễn Văn Hiếu phân tích.
Yến Hoa
Bình luận (0)