Từ ngày 5 đến 11-6, Bộ GD-ĐT tổ chức các đoàn làm việc với nhiều địa phương về công tác chuẩn bị tổ chức thi tốt nghiệp THPT 2023. Trong đó, đoàn do Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng dẫn đầu đã làm việc với Ban chỉ đạo thi tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau; đoàn do Thứ trưởng Ngô Thị Minh dẫn đầu đã làm việc với ban chỉ đạo thi các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Bình Thuận, Ninh Thuận.
Thứ trưởng Ngô Thị Minh phát biểu tại buổi làm việc
Việc đảm bảo an toàn, an ninh cho các kỳ thi; phòng chống gian lận thi cử bằng công nghệ cao; tăng cường tập huấn; có phương án xử lý những tình huống đột xuất; hỗ trợ việc ăn, ở cho thí sinh miền núi, xa điểm thi… là những nội dung được nhấn mạnh tại các buổi làm việc.
Tăng cường phòng chống gian lận thi cử bằng công nghệ cao
Tại Gia Lai, sau khi trực tiếp kiểm tra công tác chuẩn bị tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2023 ở điểm thi Trường THPT Phan Bội Châu (TP.Pleiku), Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh ghi nhận sự chủ động, cố gắng của nhà trường cũng như sự chỉ đạo sát sao của địa phương và Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh.
Thứ trưởng nhấn mạnh, mặc dù đã có kinh nghiệm tổ chức thi tốt nghiệp THPT qua nhiều năm, tuy nhiên, điểm thi Trường THPT Phan Bội Châu nói riêng và 40 điểm thi còn lại của tỉnh không được lơ là, chủ quan trong bất kỳ tình huống, bất kỳ khâu nào.
Tại buổi làm việc với Ban chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 của tỉnh Gia Lai, Thứ trưởng Ngô Thị Minh đánh giá cao sự chủ động của Ban chỉ đạo kỳ thi; nhất là trong khâu phối hợp giữa các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh để có được một kỳ thi an toàn, nghiêm túc, công bằng, đạt được mục tiêu đề ra. Các khâu của kỳ thi được tổ chức bám sát các quy định trong quy chế. Đối với các học sinh, Thứ trưởng cho rằng, nhà trường cần nắm rõ hoàn cảnh của các em, nhất là những học sinh người dân tộc thiểu số, xa điểm thi, có hoàn cảnh khó khăn để hỗ trợ kịp thời; đảm bảo những điều kiện tốt nhất cho các em dự thi.
Thứ trưởng cũng lưu ý tỉnh Gia Lai phối hợp chặt chẽ với lực lượng an ninh tham gia tổ chức kỳ thi để phòng chống gian lận thi cử, nhất là gian lận sử dụng công nghệ cao; kịp thời tuyên dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích trong tổ chức thi cũng như xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm gây ảnh hưởng tới kỳ thi.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh (thứ 3 từ phải sang) cùng đoàn công tác kiểm tra việc tổ chức thi tại điểm thi Trường THPT Phan Bội Châu (TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai)
Qua báo cáo cho thấy, năm 2023, toàn tỉnh Gia Lai có 14.861 thí sinh đăng ký thi tốt nghiệp THPT; trong đó có 3.183 em là người dân tộc thiểu số; 615 thí sinh tự do. Tỉnh khảo sát và lựa chọn 41 điểm thi thuộc 17 huyện, thị xã, thành phố với tổng số 656 phòng. Tỉnh cũng đã thành lập Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh với 38 thành viên. Hiện các đơn vị, trường học trên địa bàn tỉnh đang triển khai đồng bộ các biện pháp tổ chức dạy học, ôn tập, xây dựng nội dung tài liệu ôn tập phù hợp với từng nhóm năng lực học sinh; đặc biệt, chú trọng những giải pháp nâng cao chất lượng tốt nghiệp THPT đối với các học sinh là người dân tộc thiểu số.
Sở GD-ĐT tỉnh Gia Lai cũng có phương án điều động đủ cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia công tác tổ chức thi, đảm bảo cả lực lượng dự phòng cho các tình huống. Đồng thời, Sở GD-ĐT tỉnh này cũng phối hợp với các sở, ngành… điều động những người đủ tiêu chuẩn, điều kiện tham gia công tác tổ chức thi, trong đó, có 2.374 cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục; 370 chiến sĩ công an; 41 y, bác sĩ. Đến nay, mọi công việc chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 tại tỉnh đã và đang được Sở GD-ĐT tiến hành theo đúng tiến độ, đúng kế hoạch và đang tiếp tục triển khai các khâu còn lại theo đúng hướng dẫn của Bộ GD-ĐT.
Phục vụ việc ăn, ở cho thí sinh ở xa
Làm việc với Ban chỉ đạo kỳ thi tỉnh Kon Tum, Thứ trưởng Ngô Thị Minh cũng đánh giá cao công tác chuẩn bị cơ sở vật chất và phương án tổ chức thi của tỉnh, sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị trong quá trình chuẩn bị cho kỳ thi. Thứ trưởng lưu ý địa phương này quan tâm tới công tác tập huấn cho đội ngũ cán bộ tham gia tổ chức thi, đảm bảo tất cả lực lượng tham gia vào các khâu của kỳ thi được tập huấn, nắm chắc quy chế. Việc tập huấn cần đảm bảo chất lượng, có sự tương tác, kiểm tra. Thí sinh cũng cần được phổ biến quy chế thi một cách kỹ lưỡng.
Bên cạnh đó, công tác đảm bảo an ninh, an toàn cho kỳ thi được Thứ trưởng nhấn mạnh. Trong đó, cần phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành về đảm bảo an toàn sức khỏe cho học sinh, an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn phòng chống cháy nổ…
Gặp gỡ các học sinh Trường THPT chuyên Nguyễn Tất Thành; Trường THCS và THPT Liên Việt (Kon Tum), Thứ trưởng động viên các em tập trung ôn tập, nắm vững kiến thức, vững vàng tâm lý để sẵn sàng bước vào kỳ thi sắp tới. Thứ trưởng cũng nhắc nhở các em nắm chắc quy chế thi, tìm hiểu kỹ những vật dụng được phép sử dụng trong phòng thi, tránh để xảy ra những sai sót đáng tiếc, ảnh hưởng đến quá trình thi cũng như kết quả thi.
Theo báo cáo, năm 2023 tỉnh Kon Tum có 5.028 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, trong đó có 4.862 thí sinh THPT và 166 thí sinh giáo dục thường xuyên. Việc đăng ký dự thi của học sinh theo hình thức trực tuyến đảm bảo thuận lợi. Tỉnh đã thành lập 12 điểm thi gồm 5 điểm tại TP.Kon Tum và 7 điểm thi tại các huyện. Để đảm bảo ứng phó tốt nhất với các tình huống có thể xảy ra, tỉnh Kon Tum thành lập 9 điểm thi dự phòng; lên phương án và kế hoạch dự phòng cho những tình huống đột xuất. Do đặc thù là tỉnh miền núi, biên giới, nhiều thí sinh ở xa các điểm thi nên các trường THPT, phổ thông dân tộc nội trú cũng có phương án phục vụ việc ăn, ở của thí sinh.
Việt Ngân
Bình luận (0)