Trong cuộc sống gia đình, người chồng hoặc người vợ đi công tác vắng nhà là chuyện thường. Người chồng đi vắng đã có người vợ ở nhà chăm sóc con cái, việc nhà dù bộn bề mà cứ như không, nhẹ nhàng, vui vẻ… Nhưng khi người vợ đi vắng thì mọi chuyện trong nhà mới rắc rối làm sao!
Nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi
Lúc này, người chồng mất cân bằng về tâm lý, về tình cảm vì thiếu vắng người vợ thân yêu. Sự bồn chồn, lo lắng không sao giấu được trong lòng, làm cho người chồng trở nên trầm lắng: “Anh bồn chồn như thuở mới yêu em/ Nghe thật buồn cười mà lạ thế/ Mười hôm em đi không thư không điện/ Anh vào ra tha thủi một mình”. Tâm trạng “bồn chồn”, dáng ra vào “tha thủi” cũng dễ hiểu bởi lúc này người chồng cảm nhận được sự thiếu vắng bóng dáng của người vợ hiền. Thời gian trôi sao mà chậm thế? Mười hôm em đi mà “không thư không điện” đã làm cho người ở nhà thêm khắc khoải, lo âu. Mười hôm bồn chồn, mười hôm thương nhớ đã làm cho người chồng đứng ngồi không yên, ăn uống thất thường và rơi vào trạng thái mất phương hướng. Mọi việc bây giờ trở nên nhạt nhòa, người chồng không còn để tâm trí vào cảnh vật xung quanh và nếp sống thường ngày bị xáo trộn: “Sáng đi làm bước dưới cây xanh/ Hoa chúm chím dạ nào ngắm nữa/ Trưa về nhà cơm không đúng bữa/ Bát mì này em nấu thì ngon”. Chẳng còn lòng dạ nào để “ngắm”, để tươi cười với bao “bông hoa đẹp” đang khoe sắc khoe hương. Cũng bát mì đạm bạc ấy nhưng vợ nấu thì ngon biết mấy và những bữa ăn thất thường càng làm cho người chồng càng nhớ thương người vợ tảo tần. Thời gian trong khổ thơ này có “sáng” và “trưa” mang đầy tâm trạng của người chồng khi mỗi ngày đi làm với bao nỗi niềm khó tả. Nếu như mọi ngày bình thường, có vợ ở nhà thì đâu sẽ vào đấy. Lúc đó, mỗi sáng đi làm là một trời vui và buổi trưa về nhà có sẵn cơm dẻo canh ngọt và vợ con chờ đợi. Còn bây giờ người chồng trở nên mất thăng bằng trong cuộc sống, chẳng tha thiết gì đến xung quanh và mọi sinh hoạt, cơm nước đều bị xáo trộn.
Nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi quê xã Cát Ngạn, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Trước khi là một nhà thơ, Nguyễn Bùi Vợi từng là một nhà giáo dạy văn giỏi có tiếng, ông giảng dạy môn văn ở các trường phổ thông của miền Bắc, trong những năm sau hòa bình 1954. Bài thơ “Ngày em xa” được ông sáng tác năm 1981. Nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi qua đời năm 2008, hưởng thọ 75 tuổi. |
Thời gian buổi sáng và trưa là như vậy, còn buổi chiều thì sao? Buổi chiều ở đây càng chất chứa nỗi buồn khi mọi người có đôi đi cùng nhau nhưng người chồng lại tha thẩn một mình; cô đơn giữa rừng người xuôi ngược. Thời gian buổi chiều, cuối ngày là lúc mọi gia đình sum họp vợ chồng, con cái bên nhau. Vì thế, những buổi hoàng hôn lúc này càng làm cho người chồng thấm thía sự cô đơn trong mỏi mòn chờ đợi: “Có những chiều Hà Nội hoàng hôn/ Anh tha thẩn như ngày nào đi đón/ Người xuôi ngược, ngược xuôi hờ hững/ Nghe trong mình thấm thía cô đơn”. Khi hoàng hôn buông xuống, những đôi vợ chồng, những cặp tình nhân tay trong tay đi dạo phố là hình ảnh quen thuộc. Giờ đây nào ai biết mình, họ cứ thản nhiên bước qua “ngược xuôi hờ hững”, để lại trong lòng người chồng đang “tha thẩn” một mình, đang “thấm thía” cô đơn một mình trên quãng trường vắng lặng. Sự vắng lặng trong lòng mới lạnh lẽo làm sao! Thời gian nối tiếp vào đêm lại mang nặng nỗi lòng của người chồng đang nhớ về những ngày vợ chồng sớm hôm bên nhau: “Đêm anh thức với trang sách khuya hơn/ Những buồn vui nào có ai chung đọc/ Ngày bạn đến đưa vé mời xem kịch/ Anh không quen vào nhà hát một mình”. Thời gian về đêm là thời gian lắng lại, đọng lại nên con người mới có sự nghiền ngẫm về những gì xảy ra trong ngày đã qua. Lúc này, người chồng tự mình đối diện chính mình nên càng thấm thía sự xa cách. “Đêm anh thức với trang sách khuya hơn” vì những niềm vui từ trang sách có ai chia sẻ lúc này? Thời gian về đêm trĩu nặng một nỗi niềm khó bù đắp được. Thời gian về đêm như người bạn đồng hành, sẻ chia cho sự trống vắng nhưng nào có được. Rồi một ngày có bạn cho vé xem kịch nhưng người chồng chẳng còn tâm trí, lòng dạ nào để đi vào nơi chốn đông người ấy. Thấp thoáng sau câu thơ: “Anh không quen vào nhà hát một mình” là một nụ cười ý nhị. Anh chỉ đi xem hát cùng vợ thôi, không bao giờ đi một mình và càng không bao giờ đi với người nào khác. Lòng chung thủy của người chồng càng thể hiện rõ trong những ngày vợ xa nhà. Rồi anh lại nhớ tới những buồn vui sinh hoạt trong nhà, trong mối quan hệ với con cái, trong cách dạy dỗ con cái của hai người: “Em ở nhà có lúc anh gắt con/ Bố có giận còn nương níu mẹ/ Nay anh bù cho lòng con trẻ/ Một chút em thôi cũng khó khăn rồi”. Thời gian nỗi nhớ thể hiện ở đây qua cái nhìn của tác giả. Thấy bóng con ra vào lại nhớ đến người vợ đang công tác nơi xa. Nỗi nhớ ùa về khi người chồng nhớ những lúc “gắt con”, lúc dạy con có thể còn chưa khéo léo, chưa nhẹ nhàng bằng cách dạy của người vợ. Lúc này, các con cũng trở nên mất thăng bằng trong cuộc sống hàng ngày vì vắng mẹ. Hoặc được người cha thương yêu thì cũng đâu bằng sự thương yêu dịu dàng của mẹ? Học cách thương con của vợ sao mà khó quá? Bởi giản đơn là người mẹ thương con bằng cả trái tim mình, thương con nặng về tình cảm. Thời gian cứ trôi qua và cuộc sống đời thường của người chồng luôn bị xáo trộn bởi những công việc vặt vãnh, không đâu: “Ngày nắng đem chăn chiếu ra phơi/ Tuần đôi bận lau nhà thay vỏ gối/ Thay việc em làm mà không thay nổi/ Cái tảo tần rất mẹ ở trong em”. Thời gian như lặp lại bởi những công việc trong nhà cứ lặp đi lặp lại: “Ngày nắng đem chăn chiếu ra phơi/ Tuần đôi bận lau nhà thay vỏ gối” – trăm ngàn công việc có tên và không tên đã làm cho người chồng tưởng chừng hoa mắt chóng mặt. Vậy mà người vợ ở nhà làm cứ nhẹ như không, quanh năm suốt tháng không một lời phàn nàn, kêu ca một tiếng. Sự hy sinh thầm lặng của người vợ thật đáng khâm phục. Họ coi sự thành đạt của chồng, coi niềm vui của chồng, của con cái là niềm vui, niềm hạnh phúc của mình. Họ lặng lẽ tỏa sáng phía sau bóng chồng con. Những bề bộn của cuộc sống trong một gia đình là cả núi công việc, làm không lúc nào ngơi tay. Thế mới biết người vợ chịu khó chịu khổ thế nào, cần cù siêng năng thế nào mới “san bằng” được núi công việc đó. Họ vẫn tươi cười, nhẫn nhục, chịu đựng và không đòi hỏi cả một lời cảm ơn bởi mọi lời cảm ơn ở đây đều thừa thãi! Cảm phục người vợ thân yêu, tác giả thú thực lòng mình: “Thay việc em làm mà không thay nổi/ Cái tảo tần rất mẹ ở trong em”.
Thời gian trong bài thơ “Ngày em xa” là thời gian chứa đầy tâm trạng. Đó là nỗi nhớ, là nỗi niềm khắc khoải, cảm thông, cảm phục đức độ của người vợ hiền khi người vợ đi công tác xa nhà; người chồng phải cáng đáng mọi công việc nhà thay vợ. Qua đó, chúng ta còn cảm nhận được những phẩm chất cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam: thương chồng, thương con và chịu thương chịu khó, lo toan tất cả và thầm lặng hy sinh tất cả.
Lê Đức Đồng
* Tài liệu tham khảo: Thơ Nguyễn Bùi Vợi – “Tình bạn, tình yêu – Thơ”- NXB Giáo dục, 1987
Bình luận (0)