Hiện các chương trình game show theo phiên bản nước ngoài đang chiếm ưu thế bởi sự mới lạ, độc đáo, hấp dẫn
Diễn viên Diệu Nhi góp mặt trong “Chị đẹp đạp gió rẽ sóng 2023” phiên bản Việt. Ảnh do nhân vật cung cấp
Đem lại làn gió mới
Nếu tập 1 của "Chị đẹp đạp gió rẽ sóng" 2023, khán giả được chứng khiến màn hội ngộ 30 thú vị của 30 "chị đẹp" và 5 màn trình diễn cá nhân đầu tiên, thì ở tập 2 chương trình tiếp tục mang đến 14 tiết mục trình diễn cá nhân của 14 "chị đẹp". Sau tập 2, thứ hạng của các "chị đẹp" trên bảng điểm cố vấn đã thay đổi đáng kể. Tập 2 tiếp tục thu hút khán giả bởi sự góp mặt của những cái tên: Trang Pháp, Thanh Ngọc, Phương Vy, Giang Hồng Ngọc, Đoan Trang, MLee, Diệu Nhi, Tú Vi, Hoàng Oanh, Thái Trinh, Hương Ly, Hồng Nhung, Lynk Lee, Vân Hugo.
"Chị đẹp đạp gió rẽ sóng" là một show truyền hình thực tế rất thành công tại thị trường Trung Quốc. "Chị đẹp đạp gió rẽ sóng 2023" phiên bản Việt Nam được đầu tư bởi Tập đoàn YeaH1, VTVcab và Saymee; STV Production là đơn vị sản xuất. Ngoài 14 "chị đẹp" vừa kể trên còn có những nghệ sĩ tên tuổi như: ca sĩ Thu Phương, Mỹ Linh, Lệ Quyên, Lưu Hương Giang, Uyên Linh, Khổng Tú Quỳnh, Lynk Lee, Bảo Anh, Yến Trang, người mẫu – doanh nhân Diệp Lâm Anh, doanh nhân Huyền Baby, Hoa hậu H’Hen Niê, diễn viên Ninh Dương Lan Ngọc, Quỳnh Nga, vũ công Phạm Lịch, người mẫu Hà Kino…
Ca sĩ Giang Hồng Ngọc góp mặt trong “Chị đẹp đạp gió rẽ sóng 2023” phiên bản Việt. Ảnh do nhân vật cung cấp
Tiêu chuẩn tham gia game show "Chị đẹp đạp gió rẽ sóng" phiên bản Việt đều là những nghệ sĩ nữ đã hoạt động nhiều năm trong lĩnh vực giải trí, đã hoặc đang thành danh và đều nhận được sự ủng hộ, yêu thương của đông đảo các khán giả hâm mộ. Các "chị đẹp" tham gia vào chương trình để một lần nữa muốn cống hiến cho những khán giả yêu thương mình những màn trình diễn đỉnh cao.
Chi Pu – một trong số những gương mặt tham gia chương trình phiên bản của Trung Quốc và hiện tại đã gặt hái nhiều thành công ở cả thị trường trong nước lẫn Trung Quốc. Thành công đó ít nhiều góp phần vào hiệu ứng của chương trình này khi về Việt Nam. Dù chương trình phiên bản nữ vừa lên sóng chưa lâu, chương trình dành cho phiên bản nam (các thí sinh đều là nam nghệ sĩ) cũng đang ráo riết chuẩn bị ra mắt khán giả.
Ca sĩ Hồng Nhung góp mặt trong “Chị đẹp đạp gió rẽ sóng 2023” phiên bản Việt. Ảnh do nhân vật cung cấp
Ngoài "Chị đẹp đạp gió rẽ sóng" một game show khác mang tên "Mùi vị những chuyến đi" cũng gây chú ý. Sau khi thắng đậm với "Xuân hạ thu đông rồi lại xuân", nhà sản xuất The Forest Studio tiếp tục ra mắt chương trình thực tế "Mùi vị những chuyến đi". Chương trình này được ấp ủ suốt hơn 2 năm, được sản xuất kỳ công bởi ê-kíp đến từ 3 quốc gia Việt Nam – Hàn Quốc – Thái Lan. Chương trình này tiên phong trong việc tạo nên những nội dung mới mẻ cho khán giả màn ảnh nhỏ. Không dừng lại ở việc kết hợp giữa du lịch và âm nhạc, chương trình còn đi sâu vào những trải nghiệm của du khách khi đến nước ngoài, trong những điều kiện giới hạn, tạo nên những "mùi vị" không thể nào quên.
Ca sĩ Thái Trinh góp mặt trong “Chị đẹp đạp gió rẽ sóng 2023” phiên bản Việt. Ảnh do nhân vật cung cấp
Đánh đúng tâm lý người xem
Nhà sản xuất The Forest Studio kỳ vọng chương trình thực tế "Mùi vị những chuyến đi" cũng sẽ thắng lớn như chương trình truyền hình "Xuân hạ thu đông rồi lại xuân". Sau 2 mùa phát sóng "Xuân hạ thu đông rồi lại xuân" đã tạo ra một không gian thưởng thức vừa lãng mạn, vừa gần gũi – nơi các nghệ sĩ sẽ chia sẻ những kỷ niệm thú vị, còn khán giả được đắm chìm vào những giai điệu đẹp đẽ. Đại diện nhà sản xuất Forest Studio – ông Kim Guk Jin – bày tỏ: "Âm nhạc là thứ ngôn ngữ dễ dàng nhất để giao tiếp với khán giả. Các nghệ sĩ tham gia sẽ chia sẻ đam mê của họ với âm nhạc, qua đó mang lại nguồn cảm hứng mới cho khán giả".
Theo các nhà chuyên môn, các chương trình game show ngoại có ưu điểm là đánh đúng tâm lý người xem, chẳng hạn ở chương trình "Xuân hạ thu đông rồi lại xuân" mang đến hình thức du ca (được tính toán kỹ lưỡng dưới dạng truyền hình thực tế). Với hành trình mà các nghệ sĩ cùng nhau đi du lịch, ăn, ngủ và sống trong âm nhạc. Những màn biểu diễn xuất phát từ sự đồng điệu và cảm hứng của nghệ sĩ vì vậy đã chạm đến khán giả. Hay như ở chương trình "Mùi vị những chuyến đi" chính yếu tố một tập thể tưởng chừng như "rời rạc, không ai liên quan đến ai" lại có thể kết nối và hòa nhập như "một nhóm bạn không khoảng cách, không thế hệ" – đã thu hút khán giả.
Dù vậy các nhà chuyên môn cho rằng game show ngoại đang chiếm sóng mạnh mẽ với hơn chục triệu lượt xem cho mỗi tập như "2 ngày 1 đêm", "The Masked Singer – Ca sĩ mặt nạ", "Đệ nhất mưu sinh", "Cuối tuần tuyệt vời"… song việc giữ được độ "nóng" cho những mùa tiếp theo của các show ngoại nhập lại không phải chuyện dễ dàng.
Điểm chung của tất cả các show hiện nay là "nóng mùa 1" và giảm dần nhiệt ở những mùa tiếp theo. Minh chứng rõ nét là Rap Việt, bùng nổ mùa 1 rồi trở nên nguội hơn ở những mùa kế tiếp. Điều này hoàn toàn dễ hiểu bởi thực hiện những game show ngoại rất tốn kém, thế nhưng theo chia sẻ của nhiều đơn vị sản xuất việc tìm nhà tài trợ đồng hành, đặc biệt trong thời điểm hiện tại là rất khó khăn.
Theo những người trong cuộc, sự lấn lướt của các game show ngoại chính là cơ hội để các show nội địa phải nhìn lại mình, là dịp để các nhà sản xuất Việt nỗ lực sáng tạo ra những game show thuần Việt hấp dẫn người xem. |
Bình luận (0)