Có thể nói, năm 2024 là năm TP.HCM nỗ lực đưa Nghị quyết 98 (NQ98) của Quốc hội (về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM) thực sự đi vào cuộc sống. Tuy nhiên tới thời điểm này – khi NQ có hiệu lực hơn 6 tháng thì tất cả vẫn còn nằm trên giấy. Thực tế này đòi hỏi chính quyền TP cũng như các sở, ngành cần phải nỗ lực hơn nữa trong việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc… Có như vậy mới mong tận dụng hết những cơ chế, chính sách đặc thù của NQ để đưa TP.HCM phát triển vượt trội và bền vững.
Nghị quyết 98 được kỳ vọng sẽ khơi thông nguồn lực phát triển TP.HCM hơn nữa
Cần sự phối hợp giữa các sở, ngành để tránh sai sót
Nhiều ý kiến cho rằng, NQ98 tháo gỡ nhiều vướng mắc, khó khăn cho TP. Cụ thể với các dự án nhà ở xã hội, theo Sở Xây dựng TP.HCM nhờ có NQ98 đã rút ngắn thời gian điều chỉnh quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết và cho phép áp dụng các ưu đãi về chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc tăng thêm. Hay như mức đầu tư tối thiểu các dự án công trình theo phương thức đối tác công – tư (PPP) từ 45 tỷ đồng trở lên tương đương mức tối thiểu các công trình nhóm B và công trình cơ sở khoảng 10 tỷ đồng được HĐND TP thông qua là hợp lý.
Theo ông Trần Thế Thuận – Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao TP, việc thực hiện thành công các dự án đầu tư theo phương thức PPP sẽ đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội và tiết kiệm ngân sách TP.
“Chúng tôi ước tính nếu thực hiện được cơ bản các dự án theo phương thức PPP như danh mục hiện nay được HĐND TP thông qua sẽ tương đương 22.300 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 15,7% đầu tư của TP trong giai đoạn đầu tư công từ 2021-2025. Nếu thực hiện tốt sẽ tiết kiệm được ngân sách đầu tư công để chuyển qua đầu tư khác. Đây là một trong những động lực để chúng tôi phấn đấu”, ông Thuận nói.
Bên cạnh các cơ hội, đại diện các sở ngành cũng chỉ ra không ít khó khăn, vướng mắc đòi hỏi phải có sự phối hợp để tháo gỡ. Cụ thể, liên quan đến phương thức đầu tư PPP, ông Thuận chia sẻ, từ trước đến nay ngành văn hóa thể thao, kể cả giáo dục, y tế chưa có kinh nghiệm thực hiện dự án liên quan đến phương thức này nên đây là một bài toán khó. Vì vậy phải có sự quan tâm của Ban chỉ đạo thực hiện NQ98 và các sở ngành để ngành văn hóa sửa sai ngay từ những dấu hiệu lệch hướng đầu tiên. Hiện nay thực hiện một dự án PPP ở nhóm B tối thiểu mất 18 tháng, như vậy là quá dài. Sở Kế hoạch Đầu tư nên rà soát, tham mưu UBND TP rút ngắn thời gian để kêu gọi, hấp dẫn các nhà đầu tư, các doanh nghiệp.
Chỉ ra những khó khăn có thể gặp phải trong quá trình tham mưu, thực hiện NQ98, ông Nguyễn Toàn Thắng – Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường TP – nhấn mạnh đến cơ chế triển khai việc mua bán tín chỉ carbon.
Theo ông Thắng, Chính phủ đã có nghị định giao cho các bộ, ngành xây dựng văn bản hướng dẫn nhưng thực tế chưa xây dựng đầy đủ các nội dung. Hiện các nội dung này UBND TP đã giao Sở Tài nguyên Môi trường làm việc với Bộ Tài nguyên Môi trường để phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư có hướng dẫn cho TP.HCM. Trường hợp triển khai NQ98 trong 5 năm mà chưa hoàn chỉnh cơ chế chính sách thì những trường hợp mua bán tín chỉ carbon cũng không thể thực hiện được, trong khi TP.HCM là địa phương đi đầu thí điểm để hoàn thiện cơ chế chính sách…
Ngoài những khó khăn trên, theo UBND TP.HCM, trong quá trình triển khai NQ98 còn có những khó khăn khác như việc ban hành khung pháp lý hướng dẫn một số nội dung quy định tại NQ98 chưa kịp tiến độ đề ra. Do đó, TP chưa có cơ sở để triển khai một số nội dung chính sách quy định tại NQ. Mặt khác, chưa có cơ chế phối hợp giữa TP và bộ, ngành Trung ương, nhất là phối hợp giải quyết khó khăn, vướng mắc trong triển khai NQ. Các kiến nghị của TP hiện nay đều báo cáo trực tiếp Thủ tướng Chính phủ. Về lâu dài, việc này không phát huy được vai trò của thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện NQ.
Nghị quyết 98 phải làm tốt hơn Nghị quyết 54
Ông Trần Du Lịch – Chủ tịch Hội đồng tư vấn thực hiện NQ98 – cho rằng, Trung ương cho TP.HCM quyền quyết định nhưng quy trình thủ tục lại theo các quy định, như vậy chẳng khác nào chỉ cho một nửa, một phần.
Hiện TP đang chuẩn bị nội dung cho dự thảo nghị định thay thế Nghị định 93 của Chính phủ về phân cấp quản lý một số lĩnh vực cho TP.HCM. Trên cơ sở này, ông Lịch góp ý: “Đối với những cơ chế, chính sách của NQ98 mà còn phải xin quy trình, thủ tục của bộ, ngành thì đưa vào dự thảo nghị định. Nghị định này sẽ đồng bộ hóa quy trình, thủ tục các cơ chế, chính sách của NQ98 và TP có thể tự quyết định, không phải xin bộ, ngành như hiện nay”.
NQ98 chính thức có hiệu lực từ ngày 1-8-2023, là NQ mới nhất và toàn diện nhất với 44 cơ chế, chính sách thuộc 7 lĩnh vực khác nhau. Thời điểm Quốc hội chưa thông qua NQ, TP.HCM đã có kế hoạch chuẩn bị. Và ngay khi NQ được thông qua, TP đã nhanh chóng ban hành nhiều cơ chế chính sách triển khai thực hiện.
“Tuy nhiên, đến giờ này, trong quá trình chuẩn bị nghị định hướng dẫn thực hiện NQ98 vẫn còn tư duy ở các bộ ngành làm theo quy định”, ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch UBND TP – thừa nhận.
Theo ông Mãi, NQ98 là thí điểm các cơ chế chính sách đột phá, vượt trội. TP phải kiên trì làm việc, phải báo cáo, giải trình để làm sao có được những quy định theo các nghị định, thông tư hướng dẫn sau này với tinh thần hướng dẫn các cơ chế chính sách thí điểm. Theo đó, các sở ngành phải nghiên cứu sâu, chỉ đạo mạnh mẽ hơn.
“Muốn làm TOD, tín chỉ carbon, thu hút nguồn lực khoa học công nghệ… không phải đầu năm nói đến cuối năm là có”, ông Mãi nhấn mạnh.
Cũng theo Chủ tịch UBND TP, khi thực hiện NQ98 phải làm thật tốt để đạt kết quả, tránh tình trạng như NQ54 vừa qua. Bản thân các cơ chế chính sách của NQ98 không tự nhiên thành tiền bạc, giá trị vật chất mà phải qua một quá trình tổ chức thực hiện. Sở, ngành là những cơ quan được giao chủ trì triển khai các nội dung cơ chế chính sách. Hiện định hướng đã có theo Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị (về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045), cơ chế chính sách đã có theo NQ98…
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhìn nhận, những vướng mắc, tồn tại trong triển khai NQ98 liên quan đến hai cấp. Trong đó, đối với cấp TP, những vướng mắc cơ bản thực hiện được và đang làm; cấp Chính phủ có những mặt phải tiếp tục tham mưu để nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong vận dụng cơ chế, chính sách vượt trội. Để vượt qua khó khăn, phải kiên trì đeo bám, hành động, kiến nghị cấp trên để thực hiện NQ có hiệu quả. Mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là lãnh đạo, người đứng đầu các cấp cần tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu, đi đầu trong việc thực hiện các nhiệm vụ có hiệu quả nhất để hoàn thành trọng trách, nhiệm vụ được giao trong thời gian tới.
Nguyễn Trinh
Bình luận (0)