Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga tại Hội thảo đánh giá tác động khung trình độ quốc gia và tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng khu vực đối với giáo dục đại học (GDĐH) Việt Nam, diễn ra tại Đà Nẵng từ ngày 30-5 đến 1-6.
Các đại biểu tham gia hội thảo chụp ảnh lưu niệm |
Tham dự hội thảo có hơn 140 đại biểu là các nhà quản lý, nhà nghiên cứu về GD trong và ngoài nước. Hội thảo gồm 8 phiên thảo luận nhằm đưa ra những đánh giá, chia sẻ, tìm ra các giải pháp để đảm bảo và nâng cao chất lượng GDĐH trong thời kỳ hội nhập quốc tế; góp phần xác lập và nâng cao những nhận thức về GDĐH; xem xét các khung trình độ và hệ thống đảm bảo chất lượng cũng như tác động của nó đến GDĐH. Sợi dây xuyên suốt của hội thảo là tập trung vào GD dựa trên chuẩn đầu ra, đây là điểm gắn kết các khung trình độ và các quy trình đảm bảo chất lượng.
Hiện Việt Nam có 235 cơ sở GDĐH với tổng số 1.759.449 SV, 72.792 giảng viên (trong đó 16.282 tiến sĩ, PGS, GS). Việt Nam hiện có 4 trung tâm kiểm định chất lượng GD, 84 chương trình đào tạo được kiểm định quốc tế, 42 trường được đánh giá ngoài, 30 trường được công nhận, 5 trường đang được các tổ chức kiểm định quốc tế đánh giá (HCERES – CH Pháp, AUN-QA)…
Phát biểu tại hội thảo, TS. Bùi Văn Ga, cho biết, ngày 18-10-2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành khung trình độ quốc gia Việt Nam dựa trên khung trình độ tham chiếu ASEAN, có 8 bậc, bao gồm 5 bậc GD nghề nghiệp và 3 bậc GDĐH. Đây là bước khởi đầu quan trọng làm tiền đề cho công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT trong bối cảnh hội nhập. Đồng thời là căn cứ để xây dựng quy hoạch cơ sở GD, chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo cho các ngành nghề ở các bậc trình độ và xây dựng chính sách đảm bảo chất lượng, nâng cao hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực. Tạo điều kiện thiết lập mối quan hệ với khung trình độ quốc gia của các nước khác thông qua các khung trình độ tham chiếu trình độ khu vực và quốc tế làm cơ sở thực hiện công nhận lẫn nhau về trình độ, văn bằng, chứng chỉ trong trao đổi SV, dịch chuyển lao động trong Cộng đồng kinh tế ASEAN.
Được biết, việc thực hiện khung trình độ quốc gia sẽ có tác động mạnh mẽ đến nhiều bên liên quan, từ các cơ quan quản lý, người sử dụng lao động, các cơ sở đào tạo, người học, hướng đến các chuẩn mực quốc tế. Điều đó góp phần làm thay đổi cơ bản chất lượng của GDĐH trong xu thế hội nhập, cạnh tranh mạnh mẽ và nhu cầu ngày càng tăng về nguồn nhân lực chất lượng cao hiện nay.
“Chất lượng GD luôn là vấn đề cốt lõi, là yếu tố sống còn của từng cơ sở GD cũng như cả hệ thống GDĐH trong bối cảnh cạnh tranh, hội nhập quốc tế. Việt Nam đang chủ trương đẩy mạnh công tác đảm bảo và kiểm định chất lượng GD theo hướng tiếp cận các tiêu chuẩn của khu vực và quốc tế. Hiện Bộ GD-ĐT đã ban hành các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo và đánh giá chất lượng cơ sở GDĐH. Ngoài ra khuyến khích các cơ sở GD đăng ký đánh giá theo các tiêu chuẩn quốc tế và khu vực có uy tín”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Vĩnh Yên
Bình luận (0)