Đến hẹn lại lên, cứ vào thời gian nghỉ hè là phụ huynh ở thành phố đăng ký cho con mình tham gia khóa học kỳ quân đội.
Thấy khóa học này có ích nên tôi cũng cho con trai 12 tuổi đăng ký tham gia năm trước. Sau hơn 10 ngày trở về từ môi trường “quân ngũ”, tôi cảm thấy rất vui mừng khi con đã biết cách sống chuẩn mực hơn như: biết sắp xếp đồ vật ngăn nắp, thức dậy sớm hơn, ăn uống dễ hơn… Từ ba mẹ cho đến ông bà nội, ngoại – ai cũng không ngớt lời khen ngợi, làm cho con tôi sung sướng lắm, cháu cảm thấy như mình “lớn” hơn trước, còn vợ chồng tôi cũng hãnh diện lây. Tuy nhiên, sự đổi thay đáng mừng ấy chỉ kéo dài được chưa đầy một tuần thì mọi việc có chiều… đi ngược lại. Nghĩa là, từ ngăn nắp, trật tự, con trai tôi không những không tiến bộ mà còn “trở lại tính xưa”; cháu tiếp tục các thói quen xấu như dậy muộn, phải kêu nhiều lần mới “bất đắc dĩ” dậy, vứt bừa bãi mền gối… Ban đầu tôi cũng tự an ủi rằng có khi do con quá mệt nên như thế, nào ngờ hiện tượng này lặp đi lặp lại liên tục và hỏi ra thì được biết, ngay cả mấy đứa bạn con tôi cùng đi học kỳ quân đội cũng có sự “trở chứng” tương tự.
Thời gian 10 ngày ở học kỳ quân đội chưa đủ con rèn luyện những nếp sống chuẩn mực thường nhật, nên tôi có bàn bạc với cả nhà cho cháu tham gia một “khóa học thực tế” khác. Sau đó cả nhà thu xếp cho cháu về quê ngoại, để theo các cậu làm đồng, trồng trọt, chăn nuôi… và làm quen với nếp sinh hoạt miền quê. Các cậu của cháu là dân làm nông phóng khoáng (nhưng rất nghiêm túc trong công việc) hứa ra sức giúp đỡ cháu trở thành một “thanh niên mạnh mẽ”, khi nghe tôi đề nghị. Đây là một khóa học, một chuyến du lịch ý nghĩa nên cháu thích thú gật đầu ngay. Và sau đó kỹ năng sống của con trai tôi thay đổi rất nhiều.
Hy vọng những phụ huynh có con theo học chương trình này cũng như các lớp học ngoại khóa khác hãy quan tâm nhiều hơn đến các cháu. Bởi, những gì trẻ học được từ các khóa học này, tuy rằng rất bổ ích nhưng xem ra còn quá ngắn ngủi, chưa đủ thời gian để các cháu hình thành một thói quen tốt. Từ kinh nghiệm bản thân, tôi nghĩ rằng, sau khi trẻ “ra trường”, phụ huynh nên tạo môi trường phù hợp để tiếp tục rèn luyện các kỹ năng sống vừa được học, được chơi… Bởi trẻ con vốn thích thú với sự thay đổi và hiếu động nhưng cũng rất mau “ngán” nếu sự rèn luyện ấy chưa “nung đủ lửa” giúp các cháu phải hình thành hẳn một thói quen. Còn với những đơn vị tổ chức các khóa học kỳ quân đội, thiết nghĩ cũng nên nghiên cứu thêm về mặt thời gian lẫn các kỹ năng huấn luyện sâu sắc, hiệu quả cao, tránh để sau khóa học thì các cháu lại “xao lãng” như trường hợp con trai tôi.
Nguyễn Hoàng Duy
Bình luận (0)