Các quốc gia áp giá trần sẽ sẽ không nhận được bất kỳ loại dầu thô nào của Nga – Bộ Ngoại giao Nga khẳng định.
Nga cảnh báo không xuất khẩu dầu cho các nước áp giá trần.
RT dẫn lời Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cảnh báo hôm 24.11 rằng, Mátxcơva sẽ cấm vận các quốc gia ủng hộ đề xuất của G7 về giá trần với dầu của Nga. Tuyên bố này cũng được Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov lặp lại.
Theo truyền thông, các nhà ngoại giao EU rất lạc quan có thể đạt được thỏa thuận về giá trần đối với dầu xuất khẩu của Nga bất chấp sự chia rẽ sâu sắc về kế hoạch.
“Chúng tôi đã nhiều lần nói rằng việc đưa ra cái gọi là giá trần đối với dầu mỏ của Nga là một biện pháp chống lại thị trường, làm gián đoạn chuỗi cung ứng và có thể làm phức tạp đáng kể tình hình trên thị trường năng lượng toàn cầu. Liên bang Nga không có kế hoạch cung cấp dầu cho các quốc gia sẽ tham gia áp đặt giá trần” – phát ngôn viên Zakharova nói trong cuộc họp báo hôm 24.11.
G7 đang xem xét áp đặt giới hạn đối với dầu vận chuyển trên biển của Nga trong khoảng 65-70 USD/thùng. Động thái này dự kiến sẽ có hiệu lực vào ngày 5.12, như một phần trong các biện pháp trừng phạt được Mỹ, Liên minh Châu Âu (EU) và các đồng minh đưa ra.
Nếu được thông qua, lệnh này sẽ cấm các tập đoàn phương Tây cung cấp bảo hiểm, tái bảo hiểm, môi giới và hỗ trợ tài chính cho các tàu chở dầu thô của Nga trừ khi dầu được bán dưới giá trần.
Cơ sở sản xuất dầu ở Nga.
Bà Zakharova lưu ý, nhiều quốc gia sản xuất dầu mỏ cũng phản đối biện pháp như vậy, đồng thời chỉ ra: “Các nước phương Tây hiểu đơn giản rằng ngày nay, bằng cách nhắm mục tiêu vào Nga vì lý do kinh tế thuần túy, họ có thể áp dụng biện pháp như vậy với bất kỳ quốc gia nào khác”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh, “quy định về giá làm suy yếu hệ thống thương mại thế giới và tạo ra một tiền lệ nguy hiểm không chỉ trên thị trường năng lượng mà còn đối với thương mại quốc tế nói chung”.
Biện pháp này nhằm ngăn Nga bán dầu với giá cao hơn, vì các công ty bảo hiểm và vận chuyển dầu thô lớn được đặt tại các nước phương Tây. Tuy nhiên, có nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu nghiêm trọng nếu Nga cắt nguồn cung.
Mức trần giá được đề xuất vẫn sẽ giúp sản xuất dầu ở Nga có lãi, vì chi phí sản xuất của nước này ước tính vào khoảng 20 USD/thùng. Tuy nhiên, không rõ liệu mức giá trần sẽ ảnh hưởng đến doanh thu của Mátxcơva thế nào.
Trong khi đó, EU cũng đang bất đồng về việc áp giá trần với khí đốt Nga. Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cho biết các quốc gia EU đã không đạt được thỏa thuận về việc áp giá trần sau cuộc họp của Hội đồng Bộ trưởng Năng lượng EU ngày 24.11.
Các bộ trưởng của khối sẽ thảo luận thêm trong cuộc họp bất thường dự kiến vào ngày 13.12, hai ngày trước Hội nghị thượng đỉnh EU.
Trạm nén khí Bulgartransgaz ở Ihtiman, Bulgaria.
“Hôm nay chúng tôi bắt đầu đàm phán về việc đưa ra mức trần đối với giá khí đốt. Tôi có thể nói rằng đây là những đề xuất tồi tệ, đe dọa an ninh năng lượng của Châu Âu” – Ngoại trưởng Szijjarto nói.
Tại cuộc họp, không có quyết định nào được đưa ra có thể đáp ứng các mục tiêu của Ủy ban Châu Âu. Theo Ngoại trưởng Szijjarto, hầu hết các quốc gia thành viên, bao gồm cả Hungary, coi bước đi như vậy là can thiệp sai lầm vào hoạt động của thị trường khí đốt.
Ông Szijjarto nhấn mạnh, Hungary – quốc gia phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu năng lượng của Nga – đang có kế hoạch tìm kiếm sự miễn trừ khỏi bất kỳ mức giá trần nào của EU đối với dầu và khí đốt được cung cấp theo các hợp đồng dài hạn.
Một số quốc gia thành viên EU như Hy Lạp, Tây Ban Nha, Pháp đã chỉ trích mức giá trần khí đốt 275 euro (283 USD) mỗi megawatt giờ (MWh) mà Ủy ban Châu Âu đề xuất là quá cao.
Cao ủy EU về năng lượng Kadri Simson cho biết, cơ chế điều tiết thị trường sẽ được tự động kích hoạt khi giá khí đốt vượt quá 275 euro/MWh trong 2 tuần liên tiếp, và chênh lệch giữa giá khí đốt hợp đồng tương lai trên sàn TTF ở Hà Lan và giá khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) toàn cầu ở mức trên 58 euro trong 10 ngày giao dịch liên tiếp.
Bà Kadri Simson không công bố công thức tính toán cụ thể để đưa ra mức giá 275 euro/MWh, nhưng các chuyên gia năng lượng cho rằng mức giá này nằm giữa mức giá kỷ lục giao dịch trên sàn TTF cuối tháng 8.2022 là gần 350 euro/MWh và giá hiện tại đang dao động quanh mức 125 euro/MWh.
PV (theo laodong)
Bình luận (0)