Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Vào mùa luyện thi ĐH: Không đạt điểm sàn hoàn lại học phí?

Tạp Chí Giáo Dục

Lớp luyện thi tại một trung tâm trên đường Thống Nhất (Q.Gò Vấp)
Hàng loạt trung tâm luyện thi đại học (LTĐH) cấp tốc vì muốn thu hút học viên đã dùng những tuýp quảng cáo của các năm trước. Ngoài việc trưng danh sách đội ngũ giảng viên đến từ các trường ĐH lớn hay cơ sở luyện thi chất lượng, thì năm nay có trung tâm còn khẳng định: “Không đạt điểm sàn sẽ hoàn lại học phí”.
Đủ “chiêu” thu hút thí sinh
Không đợi tới sau kỳ thi tốt nghiệp THPT như các năm trước, năm nay, từ đầu tháng 4 các trung tâm LTĐH cấp tốc bắt đầu cho nhân viên đi phát tờ rơi, quảng cáo rầm rộ trên các trang mạng… Tại Trung tâm LTĐH Đ.T nằm trên đường Đinh Bộ Lĩnh (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), chúng tôi thấy có nhiều học sinh tìm đến tìm hiểu vì đọc được thông tin chào mời khá hoành tráng rằng ở đây giáo viên phụ trách ôn tập là tiến sĩ, thạc sĩ đến từ các trường ĐH lớn trong thành phố chứ không như các trung tâm khác chỉ toàn là sinh viên dạy thêm. Mạnh miệng nhất là Trung tâm LTĐH K.M ở Q.1 khi khẳng định: LTĐH khóa cấp tốc 1 tháng, đào tạo 100% học sinh đậu ĐH, CĐ; học sinh khá đạt trên 26 điểm vào ĐH chuyên ngành y dược; học sinh trung bình đạt trên 20 điểm vào ĐH tốp đầu. Đặc biệt, học sinh yếu kém sẽ đạt điểm trên sàn (14 điểm).
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tuy gắn mác “chất lượng cao” nhưng đa số các trung tâm này thường có hơn 50 học sinh/lớp, không gian học chật chội, rất khó tập trung. Bên cạnh đó, “chiêu” quảng cáo thi thử cũng được các trung tâm áp dụng, với mỗi đợt thi thử có mức phí từ 30.000-40.000 đồng, cũng là cách giúp học sinh làm quen với không khí của phòng thi.
Tại Trung tâm LTĐH K.M, chúng tôi gặp em Trần Thị Diệp Tiên (học sinh Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, TP.HCM) đến tìm hiểu thông tin, trên tay cầm phiếu đăng ký dự thi thử. Tiên cho biết: “Em không hứng thú lắm với các lớp LTĐH cấp tốc, nhưng thi thử vừa là cách để em kiểm tra lại kiến thức sau ba năm học tập, vừa giúp em vững vàng tâm lý trước kỳ thi”. Ngược lại, em Lê Thu Hà (học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, TP.HCM) lại cho rằng: “Đề thi ở các trung tâm chẳng khác gì trên mạng, vì vậy ở nhà tự giải đề online sướng hơn, khỏi mất công mà lại không tốn tiền”. Từ Kiên Giang, em Trần Hùng Thuận lên thành phố tham gia cuộc thi thử đầu tiên của Trung tâm BDVH và LTĐH T.Đ (Q.10), chia sẻ: “Được các anh chị khóa trên kể lại là thầy cô ở các trung tâm luyện thi tại TP.HCM đoán đề giỏi lắm nên em cũng muốn đi ôn cấp tốc để hiểu được phần nào cách ra đề sắp tới”.
Các trung tâm LTĐH cấp tốc đều phân bổ các tiết học dày đặc, trung bình 36-60 tiết/tuần, tùy theo lớp. Theo mặt bằng chung, mức học phí dao động từ 800.000 đồng đến 2,5 triệu đồng/tháng. Thực tế, giá cả không phải là điều tiên quyết để học sinh tìm tới các trung tâm luyện thi mà điều quan trọng nhất là chất lượng giảng dạy và số lượng học sinh trong một lớp. LTĐH cấp tốc là cách để học sinh tập dượt nhiều lần trước khi vượt… vũ môn nhưng không khéo sẽ khiến các em càng thêm áp lực nếu “chạy sô” hết trung tâm này tới trung tâm khác.
“Lò” luyện nguội dần
Chỉ trong khoảng 3 tuần luyện thi cấp tốc mà các em tin vào việc cầm chắc 100% kiến thức để lấy điểm cao ĐH là điều không tưởng.
Theo ghi nhận của Giáo dục TP.HCM, năm nay học sinh không còn lao vào các lớp LTĐH cấp tốc như trước nữa. Điển hình là Trung tâm LTĐH Vĩnh Viễn, nếu hằng năm có trung bình 1.500 lượt học sinh đăng ký học thì tại thời điểm này, chỉ có 800 em đến đăng ký. Theo ông Phạm Hồng Danh, Giám đốc trung tâm, năm nay học sinh ghi danh học khối A chiếm đa số, kế đó là khối D và A1; còn khối C chỉ có gần 50 em. Ngay cả “điểm nóng” là Trung tâm LTĐH 60 An Sương (Q.12) cũng thưa thớt học sinh đến đăng ký. Tệ hơn, dù có rất nhiều người đến hỏi thông tin nhưng theo ghi nhận của nhân viên Phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, hiện mới có gần 30 học sinh tìm tới trung tâm BDVH của trường ghi danh, bằng 1/10 của cùng kỳ năm ngoái. Tại khu vực Q.Bình Thạnh, Trung tâm luyện thi M.Đ-SG dù cam kết: “Không đạt điểm sàn sẽ hoàn lại học phí” vẫn vắng học sinh tới đăng ký.
Theo cô Huỳnh Thị Kim Hiệp, giáo viên môn địa lý Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM): “Cam kết đỗ 100% chỉ là hình thức quảng cáo để hút người học và moi tiền của phụ huynh, học sinh mà thôi. Quan trọng là năng lực của các em, quá trình phấn đấu suốt 12 năm phổ thông; nhất là việc trang bị cho mình một nền tảng kiến thức thật chắc của 3 năm THPT mới là yếu tố quyết định thành bại trong kỳ thi ĐH, CĐ sắp tới”. Đồng quan điểm, cô Bùi Thị Ngọc Huyền, giáo viên môn tiếng Anh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) cho biết: “Với những học sinh học lực loại khá, giỏi thì việc luyện thi sẽ giúp các em có nhiều cơ hội đậu ĐH do được thầy cô ở trung tâm hướng dẫn cách giải quyết những dạng đề nâng cao. Còn với những em học lực yếu thì có đi luyện thi cũng không tác dụng gì, nếu không có cố gắng ngay từ đầu”. Trong khi đó, ông Phạm Hồng Danh cho biết: “Chỉ trong khoảng 3 tuần luyện thi cấp tốc mà các em tin vào việc cầm chắc 100% kiến thức để lấy điểm cao ĐH là điều không tưởng. Khi nhận học sinh vào trung tâm, chúng tôi chỉ bảo đảm khơi gợi lại kiến thức và giúp các em rèn giũa những gì đã học được chứ không có bất kỳ lời hứa hẹn quá lớn nào với các em”.
Bài, ảnh: Đặng Trâm
Không còn trông đợi vào cơ hội “ảo”
Từ năm 2012, Bộ GD-ĐT ra đề thi ĐH, CĐ sát với chương trình sách giáo khoa, các câu hỏi gắn liền với thực tế, mang tính thời sự rất cao. Cũng từ đó ước mơ vào ĐH không còn quá khó với những học sinh chịu nỗ lực. Nhiều học sinh không tìm đến các trung tâm luyện thi mà cùng bạn bè học nhóm hoặc học tại nhà thầy cô bộ môn. Hoặc có những bạn tự ôn thi trực tuyến qua các trang mạng, cùng bạn bè trao đổi qua các ứng dụng video tích hợp có sẵn trên mạng xã hội… Đặc biệt, năm nay với việc nhiều trường có đề án tuyển sinh riêng nên các thí sinh thi trường nào thì sẽ ôn thi tại trường đó chứ không còn trông chờ vào những cơ hội “ảo” từ các trung tâm luyện thi.
 
 

Bình luận (0)