Ông Nguyễn Quốc Cường (chuyên viên tuyển sinh thuộc Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM) tư vấn ngành nghề cho học sinh.
|
Theo khảo sát của chúng tôi tại những buổi tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh tại 60 trường THPT trên địa bàn TP.HCM năm 2014, có trên 95% học sinh chọn thi ĐH; khoảng 2-3% em chọn học CĐ và khoảng 1-2% chọn học TC. Điều đó chứng tỏ rằng, ĐH vẫn là con đường mà học sinh luôn ước mơ đạt được.
Vậy, nếu không vào được ĐH thì ước mơ thành công của các em có dừng lại không?
Học ĐH – ước mơ của học sinh
Trong cuộc sống chẳng ai muốn thua kém bạn bè, kể cả việc học. Và việc học ĐH, đặc biệt là ở những trường ĐH lớn không chỉ là tự hào của bản thân người học mà còn là niềm vui của cha mẹ, người thân, thậm chí là niềm tự hào của cả một vùng quê. Ước mơ học ĐH của các em hoàn toàn chính đáng nhưng ước mơ ấy sẽ khó thành hiện thực nếu bản thân không phù hợp, không đủ điều kiện thực hiện.
Kết thúc thời kỳ học THPT được xem là bước ngoặt cuộc đời, các em bước vào giai đoạn mới – giai đoạn chuẩn bị hành trang lập nghiệp. Mỗi học sinh đều mong muốn, cố gắng hết mình để được học ĐH. Đó cũng là ước mơ chính đáng đã thấm vào suy nghĩ trong nhiều thế hệ người Việt Nam. Vì vậy, đối với học sinh, ĐH là mục tiêu, là con đường duy nhất để khẳng định thành công và khi thi không đậu thì coi như tương lai đã khép lại.
Thay đổi suy nghĩ – thành công vượt trội
Có người đã khẳng định: Thà có con chim vành khuyên trong tay còn hơn là mơ về con chim hạc bay trên trời. Thật buồn khi những ai còn ước mơ, suy nghĩ bằng mọi cách phải vào ĐH. Tại sao không thay đổi suy nghĩ thi ĐH không được là tương lai đã hết bằng suy nghĩ thi ĐH là thử sức? xem thi ĐH như một cuộc tập dượt, thử sức, nhằm kiểm tra xem “tôi là ai?”.
Trong thực tế, ĐH không phải là con đường duy nhất để thành công. Những gương sáng thành công như: Honda xuất thân là một ông thợ sửa xe, Henry Ford xuất thân là một ông thợ cơ khí… và ở Việt Nam, có ông chủ tập đoàn lớn thi ĐH 4 lần đều không đậu. Do đó, sự thành công và giàu có của họ có phải từ học ĐH không?
Câu trả lời chắc chắn là không. Bởi vì, tốt nghiệp ĐH vẫn thất nghiệp, đó là câu chuyện không còn lạ nữa. Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, trong quý IV năm 2013, cả nước có 900.000 người thất nghiệp, trong đó có tới 72.000 cử nhân, thạc sĩ không có việc làm.
Việc lựa chọn ngành nghề trong tương lai của mỗi một người đều dựa trên nhiều yếu tố như sự phù hợp, khả năng, sở trường, niềm đam mê, điều kiện kinh tế… chứ không phải thích học ĐH thì cứ học rồi tốt nghiệp tính sau. Cốt lõi ở chỗ, dù các em có chọn học ĐH hay bất cứ bậc học nào thì điều quan trọng nhất là sau khi tốt nghiệp phải sống được bằng nghề mà mình đã học.
Khám phá bản thân để thành công
Bên cạnh con đường ĐH, hiện nay, cơ hội học tập và lập nghiệp của học sinh được “trải thảm đỏ” đến thành công; vấn đề là các em bước lên tấm thảm đó như thế nào. Để bước lên tấm thảm thành công đó, học sinh cần phải dành một quỹ thời gian nhất định để “khám phá bản thân” và trả lời câu hỏi “tôi là ai?”. Nếu các em biết “tôi là ai” thì việc lựa chọn nghề nghiệp cho tương lai sẽ dễ dàng hơn. Hãy thử sử dụng phương pháp “7 bước”, nó sẽ giúp ích cho các em hiểu về bản thân mình hơn:
Bước 1: Chuẩn bị 2 tờ giấy A4 và một cây viết. Bước 2: Lấy 1 tờ giấy A4 chia làm hai cột, một cột liệt kê những ưu điểm và cột còn lại liệt kê những hạn chế, khuyết điểm của bản thân. Bước 3: Lấy tờ giấy A4 còn lại liệt kê khoảng 3-5 ngành nghề mà mình có nguyện vọng “sống chết với nó”. Mỗi ngành nghề liệt kê đầy đủ điều kiện, đòi hỏi tố chất của người làm đối với nghề đó. Bước 4: So sánh đối chiếu 2 bản liệt kê trên. Bước 5: Tham khảo những góp ý của người thân, bạn bè, thầy/cô. Bước 6: Chọn ngành nghề phù hợp với ưu điểm của bản thân mình nhất. Bước 7: Chọn bậc học và trường học.
Học ĐH chỉ là yếu tố căn bản và cần thiết chứ không phải là đủ và quyết định thành công cuộc đời của một con người, vì đó không phải là con đường duy nhất; do đó các em hãy xem thi ĐH là một cuộc thử sức. Và, nếu thi không đậu ĐH thì các em hãy tự tin lựa chọn ngành học ở bậc CĐ, TC phù hợp, ở những ngôi trường uy tín, chất lượng để chắp cánh ước mơ cho mình.
Phạm Doãn Nguyên
(Trường ĐH Công nghệ TP.HCM)
Học ĐH chỉ là yếu tố căn bản và cần thiết chứ không phải là đủ và quyết định thành công cuộc đời của một con người, vì đó không phải là con đường duy nhất. |
Bình luận (0)